Bộ Y tế đã dự thảo xong quy định những địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Tuyên cho rằng, dù Việt Nam đã có hơn 2 tháng không xuất hiện bệnh nhân Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên vẫn đang có nguy cơ dịch Covid-19 có thể xâm nhập và bùng phát bất cứ lúc nào. Bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất phức tạp, nhiều quốc gia đã đưa ra biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đeo khẩu trang trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung và các bệnh truyền nhiễm khác.
Lực lượng chức năng nhắc người dân đeo khẩu trang tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) - Ảnh: Tất Định
Việt Nam hiện đang sản xuất rất nhiều loại khẩu trang: Khẩu trang vải thông thường, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế, khẩu trang chuyên dụng… Với cơ chế lây qua giọt bắn, chỉ cần người dân thực hiện tốt việc đeo khẩu trang thông thường cũng có thể góp phần hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh lây lan. “Hiện nay Bộ Y tế đã dự thảo xong quy định những địa điểm phải đeo khẩu trang phòng chống dịch. Trong khi văn bản chưa ban hành, một số địa phương cũng đã có quy định về các điểm phải đeo khẩu trang, nếu không đeo sẽ bị xử phạt”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên nhấn mạnh tại Lễ công bố Dự án truyền thông khẩu trang Vì Sức khỏe Việt Nam và Bảo vệ Blouse trắng diễn ra ngày 12.11.
Theo PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Dự án truyền thông khẩu trang vì sức khoẻ Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng được triển khai nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng, thực hiện thông điệp 5K do Bộ Y tế phát động gồm: “Khẩu trang”, “Khử khuẩn”, “Khoảng cách”, “Không tụ tập”, “Khai báo Y tế”, đồng thời, kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, tạo thói quen đeo khẩu trang của người dân tại nơi công cộng; đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong phòng chống đại dịch.
Trong khuôn khổ Dự án, các đơn vị dệt may, sản xuất khẩu trang y tế ký cam kết với Ban tổ chức đơn vị sản xuất cam kết trích 1.000 đồng /chiếc đối với khẩu trang vải kháng khuẩn, 100 đồng/chiếc đối với khẩu trang y tế mang thông điệp Vì Sức khỏe Việt Nam, kèm hashtag #BaoveBlousetrang được bán ra. Nguồn quỹ thu được từ Dự án sẽ chuyển vào Quỹ xã hội từ thiện của Công đoàn Y tế Việt Nam dành để hỗ trợ các đối tượng nằm trong chương trình Bảo vệ Blouse trắng là các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, cán bộ y tế có hoàn cảnh khó khăn ở tất cả các vùng miền của cả nước đang chăm lo sức khỏe cho người dân Việt Nam.
Ban tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang
Dự án đặt mục tiêu bước đầu thu hút ít nhất 5.000.000 người dùng tiềm năng đến từ hệ thống Công đoàn Việt Nam; 1.000 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Dự án; tiêu thụ 5.000.000 khẩu trang mang thông điệp của dự án, qua đó gây quỹ hỗ trợ 1.000 trường hợp các cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch Covid-19, mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh nghề nghiệp, bị bạo hành, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi một chiếc khẩu trang được mua mang thông điệp “ Vì sức khỏe Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng” và đeo đúng nơi quy định là mỗi chúng ta đã đóng góp thêm việc giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch, để tăng thêm sức khoẻ cho người Việt Nam; và đã đóng góp ít nhất 100 đồng hoặc 1000 đồng vào Quỹ “Bảo vệ blouse trắng” để bảo vệ những “chiến sĩ áo trắng”. “Để phòng chống dịch thành công cần phải có sự góp sức to lớn của người dân. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn, mỗi người dân hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng từ những hành động mà bất kể ai cũng có thể làm được là “Đeo khẩu trang vì sức khỏe Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng””, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi.
Q.HOA