A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du học tại chỗ, xu thế đang lên?

VHO- Hai năm dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều học sinh lỡ dở kế hoạch du học, hoặc phải ngồi ở Việt Nam học trực tuyến tại một trường “tây” nào đó, vì thế rất nhiều người đã chuyển hướng lựa chọn “du học tại chỗ”.

 Trường Đại học VinUni

 Du học tại chỗ với các chương trình liên kết quốc tế giữa trường ĐH trong nước với nước ngoài hay học tại các chi nhánh của trường quốc tế tại Việt Nam đang là xu thế được nhiều người lựa chọn.

Nhiều chương trình đào tạo liên kết “đắt sô”

Học sinh du học tại chỗ sẽ học các chương trình quốc tế, phần lớn bằng tiếng Anh, theo tiêu chuẩn đánh giá của trường quốc tế (có chi nhánh hoặc liên kết với trường ĐH Việt Nam). Giáo viên được lựa chọn theo tiêu chuẩn riêng, có thể gồm cả giảng viên Việt Nam và nước ngoài, hoặc 100% nước ngoài.

Các hình thức “du học” cũng đa dạng: Sinh viên học 2-3 năm tại Việt Nam và 1-2 năm tại trường ĐH đối tác ở nước ngoài; Sinh viên học 100% thời gian tại Việt Nam nhưng điều kiện học tương đương trường nước ngoài; Sinh viên học 100% thời gian tại Việt Nam và có thời gian thực tế, thực tập tại nước ngoài. Bằng tốt nghiệp của sinh viên hoặc là do trường nước ngoài cấp, hoặc được cấp song bằng của cả Việt Nam và nước ngoài…

Rất nhiều cơ sở như ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Tôn Đức Thắng… trong nhiều năm qua đã phát triển các chương trình đào tạo quốc tế. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này. Trường đã và đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo bậc ĐH với các trường ĐH uy tín trên thế giới từ CHLB Đức, Hoa Kỳ, LB Nga, Nhật Bản, Anh, New Zealand, Pháp, Australia…, đào tạo các chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí - Chế tạo máy, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Khoa học Máy tính, Hệ thống thông tin, Quản trị kinh doanh, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng… Sinh viên có thể lựa chọn theo học các chương trình hợp tác đào tạo do trường ĐH đối tác cấp bằng hoặc do ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng (tùy thuộc vào hình thức đào tạo toàn phần hoặc bán phần tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

Ví dụ, trong khối kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM đang có chương trình liên kết đào tạo cử nhân với ĐH Victoria - New Zealand. Chương trình dạy bằng tiếng Anh hoàn toàn do giảng viên 2 nước kết hợp giảng dạy. Thời gian đào tạo bao gồm 2 giai đoạn đào tạo: 1,5 năm tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và 1,5 năm tại ĐH Victoria của thủ đô Wellington. Bằng tốt nghiệp do ĐH Victoria cấp. Chương trình này yêu cầu sinh viên phải có trình độ Tiếng Anh tối thiểu tương đương IELTS 5.5 hoặc thi đạt bài kiểm tra tại chương trình.

Một chương trình khác là liên kết đào tạo (2+2) bậc ĐH giữa ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH tổng hợp California, San Bernardino (Hoa Kỳ) trong 4 năm. Trong đó, 2 năm đầu học tại ĐH Kinh tế quốc dân và 2 năm tiếp theo học tại ĐH California, San Bernardino. Bằng ĐH chính quy do ĐH California, San Bernardino, Hoa Kỳ cấp.

Ngoài ra, ĐH Kinh tế quốc dân còn chương trình liên kết với ĐH York St John, Vương quốc Anh, đào tạo cử nhân Kế toán - Tài chính học tại ĐH Kinh tế quốc dân. Chương trình đào tạo 4 năm học hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của trường đối tác, tiêu chuẩn của Tổ chức Đảm bảo chất lượng Giáo dục ĐH, Vương quốc Anh (The Quality Assurance Agency for Higher Education, QAA).

Thay đổi tư duy phải học “trời Tây”?

Tâm lý phải du học “trời Tây” mới xịn là điểm chung của nhiều phụ huynh. Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ số tiền gấp hàng chục lần cho con đi du học một trường ở quốc gia phát triển, trong khi hoàn toàn có thể học các chương trình đào tạo của trường này tại Việt Nam theo hướng liên kết. Ngoài việc tin cậy hơn về chương trình và đội ngũ giảng viên, nhiều phụ huynh cho rằng, ở một môi trường quốc tế xịn, con họ sẽ học tập tốt hơn, trình độ ngoại ngữ tốt hơn và có thêm nhiều kỹ năng mềm. Một số đông khác thì vẫn luôn mặc định: Có bằng nước ngoài xịn, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn là bằng “liên kết”.

“Tôi muốn con có môi trường để rèn tính tự lập, thêm trải nghiệm và có thể tiếp thu những ưu điểm của nền văn hoá khác với Việt Nam”, anh Hùng Anh, một phụ huynh chia sẻ khi đã có con lớn du học ở Mỹ. Nhưng giờ đây, anh Hùng Anh lại phân vân khi quyết định việc du học của con thứ hai. “Dù vẫn thấy du học hẳn hoi là tốt nhưng 2 năm Covid-19 khiến gia đình tôi băn khoăn khi có nhiều rủi ro, chi phí đắt đỏ hơn, chính sách học bổng cũng khắt khe hơn. Điều đó khiến tôi phải cân nhắc khi du học tại chỗ ở Việt Nam đang phát triển”, anh Hùng Anh cho biết.

Chị Lan Tuệ, một phụ huynh khác có con học trường THPT Hà Nội - Amsterdam tâm sự, lẽ ra không Covid-19 là con đã đi Mỹ sau khi apply vào một trường ĐH và có học bổng 50% từ năm 2020. Khi dịch bùng phát ở nhiều nơi, trong đó có Mỹ, gia đình quyết định cho con học chương trình quốc tế tại Việt Nam. Hiện tại con còn 1 học kỳ nữa sẽ chuyển tiếp sang Anh học 2 năm. Trục trặc kế hoạch, nhưng rồi cũng ổn”.

Theo chị Lan Tuệ thì hiện nhiều trường mở liên kết đào tạo quốc tế nhưng để chọn nơi có chất lượng cần tìm hiểu kỹ. Vì nhiều khi chính các trường ĐH Việt Nam cũng không nắm chắc thông tin về trường đối tác. Hoặc có những trường hợp tác với các cơ sở đào tạo không mấy uy tín ở nước ngoài. “Càng nhiều chương trình liên kết, càng cần sàng lọc, tìm hiểu kỹ, vì tiền nào của đấy. Những chương trình chất lượng thực sự, học phí cũng không rẻ hơn nhiều so với đi du học, chỉ bớt được chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tiền vé máy bay di chuyển”, chị Tuệ phân tích.

Theo một giáo viên ở trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (HN) thì khá nhiều học sinh dự định du học trong 2 năm qua đã đổi hướng học chương trình đào tạo ĐH Việt Nam hoặc chương trình quốc tế tại Việt Nam. Nhưng việc học các chương trình liên kết tại Việt Nam cũng có 2 phân khúc: Phân khúc thấp thu hút các đối tượng có học lực nhàng nhàng, khó đỗ được vào hệ chính quy trong nước ở các trường ĐH Việt Nam và có điều kiện kinh tế đóng học phí cao; phân khúc cao hơn là đối tượng có mục tiêu đi du học nhưng vì những khó khăn trở ngại nên chọn học trong nước. Đối tượng này sẽ chọn các chương trình có giá trị (về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm tương lai).

Theo một số chuyên gia giáo dục thì xu thế du học tại chỗ đang tác động khiến diện mạo đào tạo ĐH trong nước thay đổi mạnh hơn theo chiều hướng hội nhập. 

KỲ THANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...