A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá sách giáo khoa mới vẫn nóng

VHO- Câu chuyện về giá sách giáo khoa đang nóng ở nghị trường và trên nhiều diễn đàn, nhưng những vấn đề cốt yếu vẫn không được phân tích để tìm hướng xử lý.

 Sách đẹp cũng tốt nhưng nếu điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn thì nên cung ứng một sản phẩm giá rẻ hơn (ảnh minh họa)x

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã giải thích về việc “giá sách giáo khoa tăng” trước Quốc hội. Ông cho rằng, không thể so sánh giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) với giá sách theo chương trình cũ để khẳng định là “tăng giá sách” được, vì sách giáo khoa theo chương trình mới lệ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình khác dẫn tới có nhiều đầu sách, khổ sách lớn hơn, giấy tốt hơn. “Sách theo chương trình cũ được Nhà nước trợ giá cho rất nhiều khâu, từ biên soạn, thẩm định… Khổ sách nhỏ hơn, giấy xấu hơn”, đây là những yếu tố được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu để lý giải cho việc tăng giá.

So sánh trên một hệ đồng đẳng hơn, người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết, giá các sách lớp 3, 7 và 10 (vừa xuất bản năm nay) thấp hơn 10-15% giá sách giáo khoa mới xuất bản năm trước (lớp 1, 2, 6), đã thể hiện sự cố gắng của doanh nghiệp và sự chỉ đạo ráo riết của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, NXB Giáo dục VN cũng đã dành 25.000 bản sách để phát miễn phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành đã yêu cầu NXB cung cấp file PDF lên các trang của NXB để học sinh có thể khai thác một cách thuận tiện.

Giải thích của Bộ trưởng đã “gây bão” trong mấy ngày qua, vì điều dư luận bức xúc không phải việc doanh nghiệp đã định giá hợp lý chưa so với chi phí đầu vào và sản phẩm họ làm ra mà chính yếu là gánh nặng mà người dân đang phải chi trả. Một người dân trước đây mua sách giáo khoa cho con chỉ tốn 50.000 - 100.000 đồng, nhưng nay sẽ phải mua với giá dao động từ 200.000 - trên 300.000 đồng/bộ, tăng từ 2-4 lần. Cùng với học phí tăng, các phụ phí thu trong các nhà trường tăng, tiền sách giáo khoa cũng lại tăng… sẽ là gánh nặng rất lớn cho người dân.

“Trước hết, Bộ GD&ĐT cần chia sẻ khó khăn với người dân vì thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, họ phải gánh chịu và tìm giải pháp để khắc phục, chứ không thể cho rằng doanh nghiệp đã hợp lý khi định giá sách, cơ quan quản lý nhà nước không có trách nhiệm gì trong việc này”, một phụ huynh ở Hà Nội có ý kiến.

Nội dung trả lời của người đứng đầu Bộ GD&ĐT tại Quốc hội nhận hàng trăm ý kiến, phần lớn cho rằng Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài chuyện giá sách giáo khoa cao quá mức so với sách cũ.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý để “hạ nhiệt” giá sách

Giải trình của NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố để xác định giá sách giáo khoa mới là “chi phí phát triển thị trường” trong bối cảnh phải cạnh tranh do có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau của các đơn vị xuất bản khác nhau.

Theo bà Nguyễn Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội thì cần thanh tra vào cuộc để làm rõ chi phí “phát triển thị trường” là chi những gì? Vì chỉ khi làm rõ ràng, minh bạch thì việc cạnh tranh mới lành mạnh, không để xảy ra những vấn đề tiêu cực trong “phát triển thị trường” dẫn tới tăng giá sách vô lý để người dân phải gánh chịu. Điều bà Thúy đề nghị cũng liên quan tới nhiều nguồn tin cho rằng có những khoản chi lớn của doanh nghiệp cho việc chạy chọt “cửa sau”, tác động để các tỉnh, thành lựa chọn sách của đơn vị mình.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, lý do “khổ sách to, giấy đẹp, in nhiều màu” không thuyết phục cho việc người dân phải bỏ tiền gấp 3-4 lần để mua sách giáo khoa cho con em. Vì trong khi đất nước còn nghèo, đa số người dân mức thu nhập chỉ đủ sống, thậm chí khó khăn, thì cơ quan quản lý nhà nước phải điều tiết bằng quy định để làm sao có những bộ sách giáo khoa phổ thông giá cả phù hợp với đại đa số người dân hơn là khích lệ doanh nghiệp làm sách “khổ to, giấy đẹp, nhiều màu” để bán giá cao như hiện nay.

“Cách giải thích của Bộ trưởng là cổ súy cho xu thế làm sách đẹp, giá cao mà chưa nghĩ đến sự khó khăn của người dân”, bà Thu Huệ, Trưởng ban phụ huynh lớp 9 một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ. Theo bà Huệ, sách đẹp cũng tốt nhưng nếu điều kiện kinh tế của người dân chưa tốt thì hãy cung ứng một sản phẩm giá rẻ hơn. “Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đâu phải sẽ không thành công nếu thiếu sách “khổ to, giấy đẹp”. Những cuốn sách giáo khoa của thập kỷ 80-90 giá rẻ nhưng vẫn mang đến cảm xúc, ấn tượng cho hàng chục thế hệ học sinh”, bà Huệ nhận xét.

Những bất cập khác được nhiều ý kiến góp ý nhưng chưa được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích. Cụ thể như việc số đầu sách/lớp theo chương trình mới đội lên trong khi có những môn không cần thiết phải có sách giáo khoa như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm... Sách tiếng Anh giá quá cao trong khi Bộ GD&ĐT từng triển khai đề án tăng cường tiếng Anh. Đề án này có nhiệm vụ xuất bản tài liệu, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nó được tính toán trong chi phí của đề án đã sử dụng. Nhưng sách tiếng Anh hiện nay đều do doanh nghiệp xuất bản.

Trên thực tế, tình trạng các nhà trường gián tiếp ép phụ huynh mua sách tham khảo, sách bổ trợ bằng cách để giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng những loại sách này, dạy trực tiếp nội dung trong sách tham khảo, ra bài tập trong các sách bài tập in. Theo bà Kim Thúy, nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT như việc chỉ đạo để các nhà trường chấm dứt việc ép, gợi ý phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo, sách bổ trợ (sách, vở bài tập kèm theo sách giáo khoa từng môn học), vì nếu phải mua kèm, số tiền 1 bộ sách theo chương trình mới không phải là 200.000 - 300.000 đồng mà sẽ gấp 2-3 lần như thế nữa.

Những vấn đề nêu ở trên mới là việc người dân cần nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích và đặc biệt là nêu được giải pháp khắc phục ngay trong năm học tới. 

 KỲ THANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...