A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá sách giáo khoa tăng: Thiệt thòi rơi vào nhóm học sinh yếu thế

VHO- Sau trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc giá sách giáo khoa (SGK) mới cao do “khổ to, giấy đẹp”, làn sóng bức xúc và hoài nghi lại càng gia tăng. Dư luận đặt câu hỏi: Đây là vấn đề doanh nghiệp viện cớ hay có chỉ đạo từ Bộ chủ quản?

 Yêu cầu đặt ra là Bộ GD&ĐT cần biên soạn 1 bộ SGK từ lớp 1-12 để đảm bảo học sinh cả nước không thiếu sách học (ảnh minh họa)

Có quy định của Bộ GD&ĐT

Các doanh nghiệp lý giải việc SGK mới tăng gấp 2-3 lần so với sách cũ là bởi khổ sách to hơn, nhiều kênh hình, màu sắc đa dạng, số trang tăng hơn trong một môn học là theo quy định của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu). Về điều này, Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành nêu quy định: SGK mới cần có ngữ liệu, hình ảnh phong phú, sinh động hơn. Các hình ảnh không chỉ để minh họa mà yêu cầu học sinh phải khai thác nội dung để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, năng lực. Các bài học trong sách tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy học sinh làm trung tâm, tạo cơ hội và khuyến khích các em tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi người.

Trong các văn bản hiện hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, áp dụng trong bối cảnh có một chương trình, nhiều SGK xã hội hóa, Bộ GD&ĐT quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang SGK theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694:2011). Như vậy là có việc quy định về ngữ liệu, hình ảnh phải phong phú, sinh động hơn (so với SGK cũ). Đây là lý do chính được các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho việc giá sách tăng cao “đột biến”.

Tại các văn bản chỉ đạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc biên soạn, thẩm định SGK phải bảo đảm tinh gọn, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Mọi ngữ liệu, hình ảnh đưa vào phải được khai thác sử dụng trong hoạt động dạy học một cách triệt để. Không được lạm dụng việc gia tăng số trang, hình ảnh, chất liệu và các chi phí sản xuất dẫn tới gia tăng giá sách. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng các SGK mới vẫn có thể tiết giảm hình ảnh, ngữ liệu, thậm chí giữ nguyên khổ sách như cũ để giảm giá thành mà không hề ảnh hưởng đến mục tiêu, chất lượng chương trình. Chỉ có điều ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã không làm chặt; Bộ GD&ĐT hiện cũng chưa có kế hoạch rà soát, đánh giá qua thực hiện ở các lớp 1, 2 và 6 để rút kinh nghiệm điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn biên soạn sách hợp lý hơn.

Làm ngược chỉ đạo, chưa được chấn chỉnh

NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý, Bộ cho biết đã yêu cầu đơn vị này phải nghiên cứu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp kênh truyền thống với kênh thương mại trực tuyến để giảm chi phí phát hành. Trên thực tế, NXB Giáo dục Việt Nam đang thực hiện việc dán tem ở bìa sách để cung cấp mã số cho học sinh mua sách giấy có thể tiếp cận sách điện tử. Đây là một hình thức tích hợp công nghệ 4.0 đang được đơn vị này khẳng định là một trong những lý do khiến giá sách giấy tăng hơn so với sách cũ. Điều này đi ngược với chỉ đạo “ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí” của Bộ GD&ĐT. Bất cập nữa là nhiều học sinh ở vùng khó khăn, những nơi không có điều kiện internet để sử dụng sách điện tử nhưng vẫn phải mua sách giấy dán tem với giá cao. Thiệt thòi lại rơi vào nhóm học sinh yếu thế, lẽ ra cần được hỗ trợ.

Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, Luật Giá quy định giá SGK do doanh nghiệp tự xây dựng, tự quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường, phải thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

Trong trả lời tại Quốc hội, ông Nguyễn Kim Sơn cũng giải thích những yếu tố dẫn đến việc giá SGK xã hội hóa cao so với sách cũ, tuy nhiên, việc này lại gây bức xúc dư luận vì nhiều người cho rằng, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu các giải pháp, đề xuất giải pháp để giảm giá sách, giảm gánh nặng người dân thay vì đi giải thích hộ doanh nghiệp,

Tiếp tục trả lời về chất vấn này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Từ năm 2020, Bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định. Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá. Như vậy, nếu đề xuất được thông qua thì giá SGK có thể sẽ bình ổn hơn.

Tuy nhiên, dư luận vẫn mong muốn có một bộ SGK cho người nghèo; hoặc bộ sách đó được biên soạn theo quy trình giảm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng tối thiểu, không cần quá đẹp, nhiều hình, nhiều trang...; hoặc có chính sách trợ giá trực tiếp đối với nhóm học sinh nghèo, học sinh diện chính sách xã hội.

Trước đây, theo Nghị quyết 88/ NQ-TW, Bộ GD&ĐT phải biên soạn 1 bộ SGK từ lớp 1-12 để đảm bảo học sinh cả nước không thiếu sách học. Tuy nhiên, việc này đã không làm được và bất cập đó lại được nhắc đến như một việc mà Bộ GD&ĐT không hoàn thành nhiệm vụ. Vì nếu có một bộ sách do Bộ tổ chức, có thể giá sách sẽ rẻ hơn và cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị làm sách sẽ chuyển sang cạnh tranh về giá, thay vì cạnh tranh vì “khổ to, giấy đẹp” như hiện nay. 

 KỲ THANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...