Thúc đẩy thói quen đọc sách cho trẻ em
Tham gia sự kiện còn có 16 em người dân tộc thiểu số đến từ tỉnh Yên Bái và Quảng Nam, phụ huynh, giáo viên, nhà hoạch định chính sách, và các bên liên quan. Ngày hội là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái và Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) tổ chức.
Trẻ dân tộc thiểu số đến từ Yên Bái tại Ngày hội đọc sách
Kết quả của nghiên cứu gần đây của Tổ chức Cứu trợ trẻ em về thói quen đọc sách của trẻ em dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái và Quảng Nam cho thấy, đa số trẻ em được phỏng vấn (95,5%) đều yêu thích đọc sách. 88,4% sách mà các em đã đọc là sách giáo khoa và 61,6% là truyện tranh. Các em thường đọc sách tại trường và 84,7% số sách các em đọc là sách tại thư viện của trường. Ông Vương Đình Giáp, Giám đốc Thực hiện Chương trình (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) cho biết, việc thực hiện dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” nhằm khuyến khích việc nhân rộng các phương pháp phát triển kỹ năng đọc, viết và toán cơ bản cho trẻ. Các phương pháp này đã được triển khai thí điểm trên phạm vi toàn cầu của Tổ chức Cứu trẻ trẻ em và chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số.
“Nâng cao kỹ năng đọc viết là một phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm giảm số lượng trẻ em đã hoàn tất bậc tiểu học nhưng chưa thành thạo kỹ năng đọc. Hiện trên thế giới có khoảng 250 triệu trẻ em không biết đọc, trong đó có 130 triệu trẻ đã học 4 năm ở bậc tiểu học, và con số này đang tiếp tục gia tăng. Trước tình hình đó, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã nghiên cứu, phát triển và bắt đầu đưa vào triển khai áp dụng từ năm 2009 phương pháp tăng cường đọc viết cho trẻ em với bốn hợp phần chính – gồm đánh giá ban đầu, tập huấn cho giáo viên, phát triển tài liệu và hoạt động tại cộng đồng. Tại Việt Nam, phương pháp này đã và đang được triển khai áp dụng thí điểm tại tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tây Giang, Cần Thơ, Tiền Giang… Đặc biệt chúng tôi tập trung đến đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đến giáo dục có chất lượng”, ông Vương Đình Giáp chia sẻ.
Trẻ tham gia nhiều hoạt động nhằm phát triển kỹ năng đọc, viết và toán
Tại Ngày hội đọc sách, các đại biểu đã thảo luận về phương pháp và kinh nghiệm trong việc xây dựng thói quen đọc sách, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn sách cho trẻ em, cách thức giúp trẻ đọc sách tại nhà, thúc đẩy việc thực hiện Đề án quốc gia về tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2025. Nhân dịp này, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cũng đã giới thiệu mô hình đọc truyện tương tác cho trẻ em, góp phần vào sự phát triển nói chung của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc tiếp cận giáo dục có chất lượng.
THẢO LAM