A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình “được sống” của những chú chó, mèo sắp bị giết, mổ

VHO- Ba con chó lồng lên trong chuồng sắt khi đoàn người lạ đến nhà. Bà Phạm Thị Huệ ra vuốt ve, vỗ về chúng: “Không sợ nhé, họ để nuôi, không giết thịt”...

Nghề “tàn nhẫn”

Bà Phạm Thị Huệ (62 tuổi, phường Hoàng Diệu, Thái Bình) sẽ phải chia tay những con chó mà bà đặt tên là Mộc, Mực, hằng ngày cho ăn, chăm sóc. Nhưng lần này đặc biệt hơn so với những lần khác, vì chúng sẽ được đem đi nuôi dưỡng, tìm chủ mới chứ không phải  bị giết mổ như bà đã chứng kiến hơn 1 năm qua. “Lần này đi chơi nhé, tạm biệt nhé. Không ở với bà thì đừng cắn ai nhé”, bà Huệ dỗ dành.

Bà Phạm Thị Huệ dỗ dành chú chó dữ mà bà sắp chia tay

Vợ chồng con gái bà làm nghề kinh doanh nhà hàng đặc sản thịt chó - mèo hơn 1 năm qua cũng là hơn 1 năm bà phản đối, nhưng vì thương con nên những con chó, mèo chưa đến lượt “lên đĩa” là bà nhận chăm sóc chúng. Giờ đây, khi nghe tin anh Phạm Văn Dương (con rể) quyết định dừng kinh doanh nhà hàng mà chuyển sang kinh doanh xe máy cũ thì bà mừng lắm. Dù phải chia tay những chú chó – mèo mà bà yêu quý thì bà cũng mừng. “Con chó đen này dữ lắm, không ai động vào được, nhưng rất tình cảm tôi bảo là nó nghe. Nếu biết trước tôi sẽ để ở nhà nuôi ”, bà Huệ phân trần.

25 cá thể chó, mèo mà anh Phạm Văn Dương (343 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) dự trữ để sẵn sàng trở thành nguyên liệu chế biến những món từ thịt chó, mèo đã được tổ chức Four Paws “giải cứu” thành công. Những cá thể này được di chuyển tới Trung tâm cứu hộ gấu Four Paws Việt Nam (tại tỉnh Ninh Bình) kiểm tra sức khoẻ, tiêm vắcxin... sau đó tiếp tục được đưa tới Trung tâm cứu hộ chó – mèo Four Paws  tại Đà Nẵng, Quảng Nam và tìm chủ mới.

Ngày 15.12 vừa qua là ngày nhân viên cứu hộ của Four Paws đến cứu hộ những chú, chó mèo cũng là ngày anh Phạm Văn Dương hạ và phá bỏ tấm biển quảng cáo nhà hàng Đặc sản thịt chó, mèo. Anh cho biết, lúc dùng dao rạch tấm biển bằng bạt là lúc anh thấy nhẹ nhõm nhất, như trút được cái gì đó.

Nhân viên cứu hộ hỗ trợ anh Dương hạ tấm biển quảng cáo nhà hàng

“Trước kia, tôi đã có 7 năm làm việc tại nhà hàng ở Hà Nội và Sóc Sơn, khi trở về quê Thái Bình cũng không biết làm nghề gì để sinh sống thì có vốn nghề nấu ăn, tôi quyết định mở nhà hàng. Tôi hiểu sát sinh là nghề không tốt đẹp, có gì đó tàn nhẫn nên cũng xác định sẽ không gắn bó lâu dài. Khi có tình nguyện viên tới nói chuyện về các loài động vật, chúng cũng có tình cảm và biết đau nên chỉ sau 5 ngày suy nghĩ, tôi đã nói với các bạn ấy là sẽ quyết định không kinh doanh nhà hàng nữa”, anh Dương chia sẻ.

Cũng theo anh Dương, TP Thái Bình được có chợ Thông chuyên bán chó mèo, bản thân anh cũng không thích thú nghề này, nên chủ yếu anh mua thịt “móc hàm” (đã giết mổ sẵn) để chế biến. Thỉnh thoảng anh ra chợ tìm mua những con nhỏ về nuôi tại cửa hàng và nhà mẹ vợ để đáp ứng những khách hàng thích con nhỏ chứ không bao giờ mua lại của những người bắt trộm.

Anh Dương có 2 con gái 6 và 8 tuổi rất yêu động vật, mỗi lần anh “xuống tay” với con chó hoặc mèo, con gái anh lại rơm rớm “sao bố cứ giết con chó, mèo thế?”. Mẹ vợ anh hằng ngày nuôi những con chó – mèo cũng không bao giờ vào nhà hàng của anh chứ đừng nói ăn thịt. Cỗ nhà bà cũng không bao giờ có những món này trong thực đơn. Bản thân vợ anh cũng không thích, mà chỉ là theo ý chồng.

Nghề “siêu” lợi nhuận

Mỗi ngày quán anh Dương tiêu thụ khoảng 6- 7 con chó, mèo, những ngày cuối tuần, cuối tháng thì 10 con, đáp ứng khoảng 100 – 150 thực khách. Như vậy, trung bình mỗi tháng quán của anh tiêu thụ khoảng 250 con chó – mèo, mỗi năm khoảng 3.000 cá thể bị giết. “Mỗi tháng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí của cửa hàng khoảng 40 – 50 triệu đồng/tháng, dù thu nhập cao so với mặt bằng chung của người dân TP Thái Bình, dù chưa biết ngành nghề kinh doanh mới có mang lại thu nhập tốt hay không, nhưng tôi nghĩ đã đến cũng dừng lại, cũng vì các con tôi. Cứ giết mổ như thế chắc chắn sẽ tác động xấu đến các con. Tôi cũng mong những người kinh doanh giết mổ động vật như tôi sẽ suy nghĩ, chuyển đổi ngành nghề để bớt việc giết mổ bao nhiêu thì càng tốt”, anh Dương chia sẻ.

Những chú chó, mèo được che chắn, ủ ấm trước khi được di chuyển tới Ninh Bình

Bà Ninh Thị Phương Thảo, tư vấn của Four Paws cho hay, anh Phạm Văn Dương là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam đã chuyển đổi ngành kinh doanh sau khi được thuyết phục. Hiện nay còn khá nhiều nhà hàng kinh doanh thịt chó – mèo, và tình trạng bắt trộm cũng chưa thấy dấu hiệu giảm. Điều này còn dẫn đến hệ luỵ là gia tăng những bất ổn xã hội liên quan đến bắt trộm chó, đã có những người trộm chó bị đánh đập, thậm chí tử vong, hoặc người trộm chó tấn công lại chủ chó – mèo. Ngoài ra, người ăn có thể lây các bệnh từ chó, mèo – đi ngược lại với chính sách phòng bệnh dại mà Chính phủ nỗ lực suốt những năm qua.

“Một trong những nguyên nhân khó thuyết phục những chủ nhà hàng từ bỏ kinh doanh thịt chó, mèo là lợi nhuận quá cao. Việc anh Dương không kinh doanh nhà hàng nữa một phần do đúng thời điểm anh ấy muốn dừng, và được Four Paws hỗ trợ một phần nhỏ để chuyển đổi nghề. Chúng tôi chỉ là một tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật, không phải là một cơ quan của Chính phủ để có thể hỗ trợ tất cả các cơ sở kinh doanh muốn chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, hy vọng rằng trường hợp của anh Phạm Văn Dương sẽ lan toả đến các cơ sở khác để tự nguyện dừng kinh doanh thịt chó, mèo, tiến tới mục tiêu dần loại bỏ thói quen tiêu thụ thịt chó - mèo ở Việt Nam và trong tương lai không xa sẽ có thể chấm dứt hành động này”, đại diện Four Paws nói.

Vợ chồng anh Dương vui vẻ như trút được gánh nặng

QUỲNH HOA; ảnh: T.PHƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Ca khúc: Về thăm mẹ - Chương Trình Biểu Diễn Nghệ Thuật Huyền Thoại Mẹ