Kỳ thú Kon Ka Kinh - “Nóc nhà của Gia Lai”
Nằm ở nơi tiếp giáp giữa cao nguyên Pleiku với cao nguyên Kon Hà Nừng, vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam (cùng với Ba Bể, Chư Mom Ray và Hoàng Liên), và cũng là một trong số 27 rừng nguyên sinh của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN. Vườn có diện tích 41.780 ha với hơn 1.000 loài thuộc hệ thực vật, hàng trăm loài thuộc hệ động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có tên trong sách Đỏ.
Nét hoang sơ, kỳ ảo của rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh
Mới đi vào mép rừng nguyên sinh, chúng tôi đã choáng ngợp trước những cây đa cổ thụ khổng lồ với vòng gốc cả chục người ôm. Cô bạn kỹ sư lâm nghiệp Vũ Thị Chinh đi cùng, cho biết: Những cây đa này có tuổi đời trên dưới 500 năm. Bộ rễ kỳ quái của nó làm du khách liên tưởng đến những lâu đài, hang động trong lòng đất. Chính địa hình đa dạng với những dãy núi cao bị chia cắt, đã tạo cho Kon Ka Kinh một khu hệ động thực vật phong phú với nhiều loài cây phát triển hệ rễ rất mạnh để thích nghi với tầng đất mặt bị bào mòn. Dưới chân những đại lão mộc kì vĩ là thảm thực vật thay đổi đủ hình thù, mầu sắc, tùy theo độ cao và mật độ ánh sáng nơi chúng sinh sống.
Những gốc đa cổ quái hàng trăm năm tuổi làm choáng ngợp du khách
Hệ thực vật rừng Kon Ka Kinh rất đa dạng. Tại đây hội tụ đầy đủ các loài cây thuộc luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam, khu hệ Ấn Độ - Myanmar, khu hệ Malaysia - Indonesia, hoặc một số loài cây nằm trong luồng thực vật Vân Nam - Quý Châu và chân núi Himalaya. Ngoài ra, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn có khoảng 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim, gồm các loài cây quý hiếm như pơ-mu, trắc, chò đãi, kim giao... Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này. Kon Ka Kinh cũng có nhiều loài thực vật đặc hữu và quý hiếm khác được ghi trong Sách Đỏ.
Chúng tôi đã ở vùng lõi rừng. Màn hình của Cao độ kế hiện lên chỉ số: 1.200m. Thảm thực vật có sự thay đổi, xuất hiện một loài thân thảo khá lạ mắt. Chúng có tên là Sơn Dương, hay còn gọi là Gió đất núi cao, thuộc họ Dương Đài. Đây là loại ký sinh trên rễ loài cây khác, thân của nó thoái hóa sang dạng củ, chia thành nhiều thùy hình quả dứa. Loài thực vật này là một nguồn gen quý hiếm và độc đáo cho khoa học. Chúng được sử dụng trong các bài thuốc dân gian nhằm bổ thận, tráng dương được nhiều người săn lùng.
Nấm lim, dược liệu quý hiếm của rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh
Lang thang trong rừng nguyên sinh, bạn có thể gặp muôn điều kỳ thú. Theo hướng chỉ của người bạn đường, phải tinh mắt mới nhận ra anh chàng bò sát Ô rô Natalia đang biến hình vào thân cây. Nó đang thay đổi mầu sắc rất nhanh theo trạng thái thời tiết. Khi trời nắng nó có mầu đỏ tươi, nhưng lúc trời râm nó lại chuyển mầu xám xịt. Chiến thuật đổi mầu là phép biến hình hữu hiệu giúp con Ô rô săn mồi và chạy trốn khỏi kẻ thù. Vào mùa sinh sản, nó sẽ sử dụng màn ảo thuật này để chinh phục trái tim bạn tình. Cho đến nay, nó mới chỉ được ghi nhận tại một số nơi ở Việt Nam và Lào. Thì ra Ô rô Natalia chính là hình ảnh đại diện cho loài bò sát quý hiếm trong bộ tem bưu chính đặc biệt “Động vật Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh” đã được phát hành năm 2018.
Bò sát Ô rô Natalia rất kỳ ảo, có thể biến hình vạn trạng để săn mồi và tự bảo vệ mình
Đi trong rừng, thính giác của bạn sẽ như lạc vào một bảo tàng âm thanh thiên nhiên huyền ảo và sống động. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe giọng hót mê ly của khướu Kon Ka Kinh, dưới tán một cây bằng lăng hoa tím. Loài chim quý này được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và cũng chỉ mới được biết đến trong vòng 30 năm trở lại đây ở châu Á, nó đã chính thức trở thành biểu tượng của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Khướu Kon Ka Kinh, loài chim làm đắm say lòng người bởi tiếng hót độc đáo của nó
Trong lúc đang ngỡ ngàng bởi bao thứ lạ mắt, chúng tôi bắt gặp một nhóm đi rừng khác. Thật bất ngờ khi nhận ra nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Daniel Rosengren cùng có mặt trong đội hình các nhà khoa học của Hội Nghiên cứu Động vật học Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp ảnh động vật hoang dã này đã lặn lội ở Kon Ka Kinh nhiều ngày để săn hình ảnh về Voọc Chà vá Chân xám - một trong 4 giống của khỉ mũi hếch Pygathrix. Đây là loài đặc hữu được liệt vào Sách Đỏ của Việt Nam, chỉ phân bố hẹp trên vùng rừng từ Quảng Nam đến Gia Lai, ngoài ra không còn phân bố ở khu vực nào khác trên thế giới. Ước tính các cá thể Chà vá chân xám sinh sống tại Kon Ka Kinh chiếm khoảng ¼ số cá thể quý hiếm loại này tại Việt Nam.
Buổi trưa, chúng tôi cùng dùng bữa trên chiếc bàn ăn tự tạo từ những thân cây đổ. Người dẫn đường là nhân viên của TT Truyền thông giáo dục môi trường Vườn QG Kon Ka Kinh giúp cả nhóm thu dọn rác thải và cho tất cả vào ba lô mang theo trước khi rời chỗ, anh bảo: “Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân! Đó là cách ứng xử tốt nhất của chúng ta khi khám phá thiên nhiên.
Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại rác thải trong rừng
Để xây dựng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phát triển bền vững, trở thành trung tâm lưu trữ tài nguyên đa dạng sinh học, từ năm 2011, tỉnh Gia Lai đã triển khai bảo tồn các vùng phụ cận thành vùng rừng tự nhiên rộng lớn; bảo vệ, duy trì và phát triển các loài động vật hoang dã; thực hiện các giải pháp phát triển du lịch sinh thái hài hòa với bảo vệ môi trường, lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong xây dựng chiến lược khai thác du lịch; kết hợp hoạt động của Trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật với hoạt động du lịch dã ngoại, tham quan vườn Quốc gia, nhằm vừa tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, vừa bảo tồn được tính đa dạng sinh học của vùng tài nguyên thiên nhiên quý giá
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được đồng cỏ Savan trong lòng Kon Ka Kinh. Đây là một kiểu sinh cảnh trên cạn mà thảm thực vật chiếm ưu thế là cỏ và cây bụi. Thế giới cỏ này cũng đầy rẫy những kỳ quan. Bạn sẽ không tin ở mắt mình khi nhìn thấy những bông địa lan xanh biếc, vươn mình giữa đám cỏ hồng rắc sương lấp lánh như kim cương trên ngọn. Nơi này cũng chính là vương quốc của Hoàng Thảo Thủy Tiên - loài phong lan thường nở thành chùm rực rỡ, có cánh môi xoắn kiêu kỳ và là một trong những niềm tự hào của Kon Ka Kinh.
Cùng cô bạn gái mê rừng lang thang mãi nơi đồng cỏ xavan, Kon Ka Kinh có bao điều kỳ thú mà trong thời gian ngắn ngủi tôi không thể nào khám phá hết. Mọi thứ dường như bước ra từ câu chuyện cổ. Tôi thầm cảm ơn những con tem bưu chính trong bộ tem về Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Chúng quả là có sức mạnh phi thường lôi bật tôi ra khỏi màn hình ảo, để trèo đèo lội suối lên tận Kon Ka Kinh - nóc nhà của Gia Lai, để được may mắn chiêm ngưỡng những kỳ quan của sự sống.
Tại kỳ họp lần thứ 33 của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO diễn ra tại Abuja, Nigeria vào ngày 15/9/2021, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) của Việt Nam đã được xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG). Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu DTSQTG, trở thành quốc gia có số lượng Khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
NGỌC DIÊN