Nhiều cây xanh ở trường học bị cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật
Theo Sở Xây dựng, qua khảo sát 21 trường học tại các Quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh, số lượng cây là 432 cây xanh bóng mát; chủ yếu các loài cây: phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, bò cạp nước, lim xẹt, dầu, me tây,…
Cây phượng "già" thứ 2 tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM trước khi bị đốn hạ
Về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đa số các trường thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh khoảng 1 lần/năm; đa số các trường thuê cá nhân, đơn vị thực hiện công tác cắt tỉa, đốn hạ cây xanh khi cần thực hiện. Tuy nhiên, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật: nhiều cây bị cắt trụi cành nhánh - gây mất mỹ quan và sức sống của cây. Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, các cành nhánh này dễ gãy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao (sọ khi, me tây...). Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao (khoảng 30-60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài (cây sẽ trụ vững hơn khi hệ rễ ăn lan rộng trong đất).
Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và phục vụ công tác quản lý về lâu dài, Sở Xây dựng đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND các quận - huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn TP. UBND các quận - huyện phối hợp với Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn. Trong đó, lưu ý các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây... phải hợp đồng với đơn vị có chuyên môn, năng lực chăm sóc cây xanh để khảo sát cắt tỉa, đốn hạ kịp thời. Theo dõi, kiểm tra kỹ các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây được trồng lâu năm, cây trồng trong các bồn xây cao; theo dõi cây bàng; phải đảm bảo các cây cao lớn (sọ khi, dầu, me tây...) được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây và lấy nhánh khô kịp thời.
Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM thuê Công ty Công viên cây xanh TP mé nhánh, tỉa cành cây xanh vào ngày 8.6
Về việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng cây để cây xanh phát triển đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, phát triển lâu dài và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cây xanh trước khi đem trồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản như hệ rễ chính nguyên vẹn, thân cây thẳng, tán lá, cây không có biểu hiện sâu bệnh, vết thương cơ học. Khi trồng cây phải được chống giữ chắc chắn, hố trồng cây rộng, dinh dưỡng đầy đủ; cây sau khi trồng phải được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên để đảm bảo an toàn và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với các cây trồng mới và tùy vào điều kiện của từng trường nên xây bồn gốc cây rộng và độ cao bồn không nên quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất.
Liên quan đến tai nạn cây phượng bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM vào cuối tháng 5 vừa qua, trong văn bản gửi Sở TT&TT TP.HCM và các các cơ quan báo chí, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty là chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên công viên, mảng xanh và cây xanh trên đường phố, trong các công viên theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư; ngoài ra Công ty thực hiện hợp đồng dịch vụ với một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP nhưng Công ty không có thực hiện hợp đồng chăm sóc cây xanh tại Trường THCS Bạch Đằng. Về quy định quản lý cây xanh trên địa bàn TP, đơn vị này cho biết, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng cơ quan… thuộc quyền quản lý của đơn vị và đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh, theo đơn vị này, là rất khó. Vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục rỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng, thời tiết biến đổi khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh… Vì thế, Công ty Công viên cây xanh khuyến cáo các đơn vị, cơ quan có trồng cây xanh nên liên hệ các đơn vị có chuyên môn tư vấn chủng loại cây phù hợp để trồng; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm. Không nên ký hợp đồng với những đơn vị không có chuyên môn, không kinh nghiệm để thực hiện chăm sóc cây, đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh...
T.TRANG