A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm chế tài xử phạt liên quan đến việc uống rượu, bia

VHO- Công an thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ”đối với Nguyễn Quang H. (18 tuổi) chưa có giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn, khiến 1 người tử vong. Tai nạn xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15.11, trong đó có nội dung về phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thời gian gần đây đã xuất hiện trở lại nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do tài xế say rượu gây ra, trong đó, trên địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) Nguyễn Quang H. điều khiển ô tô Mazda 5 chỗ màu trắng mang BKS 30E - 885.18 đã xảy ra va chạm với 1 xe máy, nhưng không dừng lại mà chạy tiếp và liên tục xảy ra va chạm với các xe máy khác, chỉ dừng lại khi đâm vào cột đèn bên đường. Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây đã làm rõ, tài xế Nguyễn Quang H. vi phạm nồng độ cồn mức 0,959 mg/1 lít khí thở.Vụ tai nạn khiến ông Nguyễn Ngọc H. (SN 1967, ở phường Phú Thịnh, TX. Sơn Tây, TP Hà Nội) tử vong. 5 nạn nhân bị thương tích nhẹ đã ra viện về nhà, 2 người phải điều trị tại bệnh viện do bị gãy xương.

Ô tô do Nguyễn Quang H. lái xe đâm vào nhiều phương tiện giao thông, làm tử vong 1 người

Có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng đã nơi lỏng việc kiểm tra, giám sát. Trả lời vấn đề này,  đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được lực lượng chức năng thực hiện nhiều năm nay. Nhưng ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, lực lượng CSGT đã vào cuộc rất nhanh chóng, xử phạt, tạm giữ giấy phép lái xe của nhiều trường hợp. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã xử lý hơn 110.000 trường hợp, trong khi cả năm 2019 chỉ xử phát 100.000 trường hợp.

 “Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát nồng độ cồn và ma túy đối với người thực hiện lái xe điều khiển giao thông trên cả nước đến hết năm 2020. Hiện nay, ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân vẫn còn hạn chế, nếu không có lực lượng chức năng thì thường xuyên vi phạm, đi vào đường 1 chiều, vượt đèn đỏ, uống rượu bia khi lái xe... Khi bị bắt và xử phạt có nhiều trường hợp không chấp hành thổi máy đo nồng độ cồn. Về nguyên tắc thì lực lượng chức năng sẽ đưa đối tượng đi xét nghiệm máu nhưng không phải địa phương nào cũng có cơ sở y tế xét nghiệm cồn trong máu. Cũng có những trường hợp chỉ ngậm ống nhưng không thổi và phải mất hàng tiếng đồng hồ để thuyết phục. Hoặc, lợi dụng quy định của pháp luật, người gây tai nạn xong bỏ trốn, chờ đến khi hết nồng độ cồn trong người rồi mới ra trình diện cơ quan công an...”, Trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT nói.

Một lái xe say rượu điều khiển ô tô, đâm vào 1 xe máy và đẩy xe đi xa hàng trăm mét mới dừng lại

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15.11(thay thế Nghị định 176). Theo đó, phạt tiền từ  5 – 10 triệu đồng đối với hành vi của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn ngườiđiều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Điều 30 quy định, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia. Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia…

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đánh giá, sau 9 tháng triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và thói quen của người dân, đó là tình trạng ép uống rượu bia, mời rượu bia, từ chối uống rượu bia cho thấy Luật có hiệu quả và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, do liên quan đến hành vi, lối sống của người dân, vận động để thay đổi luôn là điều khó khăn. “Nghị định 117 ra đời sẽ làm căn cứ để tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm được quy định trong Luật, tăng tính răn đe. Bên cạnh việc  đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần tổ chức giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm thì hiệu quả mới cao. Tránh tình trạng Luật mới ban hành thì chú trọng triển khai,nhưng được một thời gian thì xao nhãng về kiểm tra, giám sát, điều này sẽ làm tăng vi phạm trở lại”, bà Trần Thị Trang nói.

 “Một trong những khó khăn của năm 2020 là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cũng bị ảnh hưởng nhiều. Trong Tết Nguyên đán, đã có tín hiệu người dân dè chừng và dần thay đổi thói quen uống rượu bia, uống rượu bia thì không lái xe. Tuy nhiên sau đó, khi có dịch Covid-19, các lực lượng phải tham gia vào công tác phòng chống dịch, người dân thực hiện giãn cách xã hội... Sau giãn cách thì có thể do lâu ngày ở nhà, không gặp bạn bè nên đã tụ tập trở lại. Xung quanh quán bia có nhiều phương tiện giao thông cho thấy thói quen uống rượu và lái xe vẫn chưa thay đổi”, đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

QUỲNH HOA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Ca khúc: Về thăm mẹ - Chương Trình Biểu Diễn Nghệ Thuật Huyền Thoại Mẹ