Trên 80% em bé được điều trị thành công nhờ can thiệp y học bào thai
Bắt đầu triển khai từ tháng 10.2019, đến nay Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã chăm sóc, điều trị cho 40 sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai (TTTS) trong đó có 20 sản phụ đã được phẫu thuật thành công, mẹ tròn con vuông.
Một trong số đó là sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An) mang thai đôi được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện với triệu chứng một thai vẫn phát triển, một thai được chẩn đoán là chết lưu. Tuy nhiên nhờ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các bác sĩ tại đây đã phát hiện thai này vẫn có các mạch máu, tuần hoàn bình thường. Do đó, nó lấy dinh dưỡng từ thai đang phát triển, khiến thai bình thường có nguy cơ chết lưu vì mất máu. Ở tuần thai thứ 26, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai cho sản phụ. Ca phẫu thuật thành công đã cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai nhi bị hỏng, giữ lại em bé còn lại.
Sản phụ Lộc Thị Hường được chăm sóc sau khi sinh con an toàn
Đến tuần thứ 33, sản phụ Hường sinh con thành công, và cũng là em bé đầu tiên được can thiệp truyền máu song thai ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại hội nghị Chẩn đoán trước sinh “Ứng dụng laser quang đông trong can thiệp trước sinh” diễn ra ngày 25.9, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, hội chứng truyền máu song thai xảy ra ở 10% - 15% các trường hợp song thai 2 buồng ối nhưng chỉ có 1 bánh rau. Hội chứng này thường xảy ra trong ba tháng giữa của thai kỳ.
“Nếu không được can thiệp sớm, hậu quả của những em bé là bị tổn thương não, mắc bệnh tim trầm trọng hoặc bị chết lưu trong bụng mẹ. Do đó việc triển khai kỹ thuật mới đã mang đến cơ hội cứu sống cho những em bé khác bào thai mắc bệnh lý trong buồng tử cung. Trong số 20 ca đầu tiên, tỷ lệ sống sót ít nhất 1 thai nhi là 85%, tỷ lệ sống sơ sinh tổng thể là 57,5%. Kết quả này cũng ngang với một số kết quả nghiên cứu khác được công bố trên thế giới”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh trình bày về kỹ thuật điều trị hội chứng truyền ối song thai
Cũng theo ông Nguyễn Duy Ánh, “thời gian vàng” để thực hiện ca mổ can thiệp là từ 17-26 tuần, nếu qua thời gian này thì không xử lý được. Nhiều sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng muộn, năn nỉ bác sĩ cứu em bé nhưng các bác sĩ không thể làm gì hơn ngoài việc chia sẻ, động viên gia đình sản phụ. Điều này rất đáng tiếc bởi vì nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong thụ thai hoặc khó có con lần sau. Kinh nghiệm các ca bệnh trên thế giới cho thấy, những trường hợp mắc hội chứng TTTS thường có diễn biến nặng hơn và chưa có ca nào thuyên giảm, thậm chí diễn biến xấu chỉ trong vòng 1 ngày. Vì vậy khi thầy thuốc phát hiện ca bệnh mà cơ sở y tế của mình không đáp ứng điều trị được thì cần theo dõi và chuyển lên tuyến trên ngay để kịp thời xử lý trong thời gian vàng.
“Hội chứng dải xơ buồng ối là một rối loạn phức tạp đặc trưng bởi các dải xơ quấn thắt vào thai nhi gây tắc nghẽn dòng máu dẫn đến cắt cụt các bộ phận, ngón tay, ngón chân và thậm chí toàn bộ chi. Vòng thắt qua đầu và mặt thai nhi có thể gây ra khe hở mặt, nếu khe hở rộng đến hộp sọ có thể tổn thương não, vòng thắt qua ngực gây khe hở ngực hoặc ảnh hưởng đến tim…; các trường hợp nặng có thể gây sảy thai hoặc chết lưu. Phương pháp điều trị duy nhất trong hội chứng dải xơ buồng ối là can thiệp nội soi bào thai trong tử cung, giúp giải phóng được các vòng thắt, làm các vòng thắt không tiếp tục gây ra hoại tử các bộ phận của em bé. Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã điều trị can thiệp cho 30 ca, trong đó có 25 ca thành công không để lại di chứng, chiếm 83,3%.
Trước kia, khi kỹ thuật siêu âm chưa phát triển, những ca bệnh này thường không được phát hiện trước sinh, mà sau khi đẻ ra cả bác sĩ và gia đình mới phát hiện những khiếm khuyết trên cơ thể em bé và lúc này “sửa chữa” bằng cách phẫu thuật nhi sơ sinh, vi phẫu nối lại các mạch máu hoặc xử lý các vùng chi bị hoại tử nặng… Do đó, việc can thiệp trước sinh ngay trong bào thai có thể hạn chế được những dị tật của thai nhi và giúp em bé có thể phục hồi được những chức năng của các bộ phận”, BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
QUỲNH HOA