A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”

VHO- Là điểm đến mới, nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hiện nay, hệ thống sản phẩm du lịch của Lai Châu còn đơn giản, kinh nghiệm phát triển thiếu, nhân lực yếu, công tác quảng bá xúc tiến chưa hiệu quả. Để tăng cường hợp tác, đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch, phát huy tiềm năng phát triển du lịch giữa Hà Nội và Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu vừa tổ chức hội nghị "Liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội" trong khuôn khổ chương trình Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội 2020.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cam kết sẽ tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và thành phố Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Sở quản lý du lịch Hà Nội và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch các địa phương cùng đại diện các cơ quan liên quan của hai địa phương, các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng trong phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh việc Lai Châu có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch như thiên nhiên kỳ vĩ hoang sơ và bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của 20 dân tộc cùng sinh sống. Sự kết hợp giữa yếu tố thiên nhiên và văn hóa độc đáo là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, song hiện nay các sản phẩm du lịch còn ít, thông tin về tiềm năng du lịch Lai Châu còn chưa đến được với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy du lịch giữa Lai Châu với Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch, Chủ tịch Trần Tiến Dũng cho biết: “Lai Châu cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Sau hội nghị này, Lai Châu tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030…”

Thời gian qua, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch Lai Châu phát triển chưa tương xứng, thời gian lưu trú của khách thấp, chi tiêu ít. Hệ thống hạ tầng phục vụ khách du lịch tại một số điểm phát triển còn chậm, chưa đồng bộ, chưa hiện đại. Thiếu các dự án lớn, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng, điểm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quy mô, chất lượng cao. Sản phẩm du lịch, quà lưu niệm còn đơn điệu, thiếu tính đặc trưng, chất lượng dịch vụ thấp, không hấp dẫn so với khu vực và cả nước.

Lai Châu có nhiều tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch

Nguồn nhân lực du lịch của Lai Châu vừa thiếu, vừa yếu, chưa chuyên nghiệp. Công tác quảng bá xúc tiến cũng chưa hiệu quả. Một trong những điểm tham quan, khu du lịch hấp dẫn nhất Lai Châu hiện nay là Cầu kính Rồng Mây nhưng nhiều du khách vẫn lầm tưởng khu này thuộc tỉnh Lào Cai. Hình ảnh du lịch Lai Châu phần lớn chưa đến được với du khách trong nước và quốc tế. Liên kết du lịch giữa Lai Châu với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành khác trên cả nước còn rất kém, chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể.

“Để phát huy tốt hơn lợi thế của tỉnh, xây dựng Lai Châu thành một điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (2020-2025) đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm trong đó tập trung xây dựng Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu là phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập”, ông Trần Tiến Dũng nói.

Lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,5 triệu lượt giai đoạn 2016- 2020

Lượng khách đến Lai Châu giai đoạn 2016- 2020 đạt 1,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 140.000 lượt, khách nội địa đạt 1,36 triệu lượt; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.370 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14%/ năm.

Tại hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp cũng đã góp ý về giải pháp kích cầu, thu hút du khách, trong đó tập trung vào các giải pháp liên kết xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới, giới thiệu với các nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch Lai Châu và Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Với tiềm năng du lịch lớn và quyết tâm phát triển du lịch của tỉnh thời gian tới, Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Hơn nữa, trong quá trình hồi phục sau dịch Covid-19, cơ hội cho các điểm đến mới như Lai Châu là rất lớn”

Bản Sin Suối Hồ, bản người Mông làm du lịch nổi tiếng của Lai Châu

Lai Châu, mảnh đất nơi thượng nguồn sông Đà hiện đang là một trong những điểm đến rất có sức hút của khu vực Tây Bắc, như lời thơ của Trần Mạnh Hảo “Trái tim đập không một ai nhìn thấy. Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”. Lai Châu có tài nguyên tự nhiên vô cùng phong phú, hấp dẫn để phát triển du lịch như: đèo Ô Quy Hồ, đoạn đường đèo dài nhất Việt Nam, khu du lịch cầu kính Rồng Mây có cầu kính cao nhất Đông Nam Á (trên 300m), khu rừng sinh thái Hoàng Liên, khu sinh thái Tà Tổng, thác Tác Tình, khu du lịch sinh thái quần thể hang động Pu Sam Cap lớn nhất Tây Bắc, đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.045m, cao nguyên Sin Hồ, Dào San; các mỏ nước khoáng Vàng Pó, Nà Ban, Hua Chăng… Màu sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Lai Châu cũng tạo ra sức hút khó cưỡng với khách du lịch. Lai Châu đang đẩy mạnh kết nối với các thị trường lớn của Việt Nam, trong đó Hà Nội là điểm đầu tiên để giới thiệu vẻ đẹp vẹn nguyên nơi ven trời Tây Bắc tới du khách cả nước.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Muốn phát triển du lịch, Lai Châu phải đặc biệt chú ý giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đặc biệt là gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, văn hóa vùng miền. Đây chính là những thứ sẽ làm nên thương hiệu du lịch Lai Châu. Khách du lịch giờ đây là biết đến Lai Châu nhiều hơn. Họ đặc biệt bị hấp dẫn bởi Sin Suối Hồ, bản người Mông làm du lịch rất chuyên nghiệp, còn nguyên nét văn hóa riêng và biết chia sẻ lợi ích, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân”

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu đã ký biên bản hợp tác du lịch 

Nhân dịp này, Sở Du lịch Hà Nội và Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu đã ký biên bản hợp tác. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, trao đổi thông tin, hỗ trợ du lịch Lai Châu trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

THÚY HÀ; ảnh: BÌNH THUẬN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...