A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bát Tràng- điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước

VHO- Hôm nay, 9.10, UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ đón nhận quyết định của UBND TP. Hà Nội công nhận xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là Điểm du lịch và công bố Điểm du lịch Bát Tràng. 

Trong khuôn khổ Lễ đón nhận và công bố Điểm du lịch Bát Tràng sẽ diễn ra các hoạt động như: khai trương hoạt động phục vụ khách du lịch; khai trương các Cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống; khai trương tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại “Bát Tràng, Chợ Chiều – Điểm đến ngàn năm”; khai trương không gian gốm của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn; lễ rước tổ nghề gốm sứ Bát Tràng; khai trương không gian nhà cổ Tràng An; giới thiệu văn hóa ẩm thực Bát Tràng…

Các sản phẩm du lịch thông minh phục vụ du khách như: wifi miễn phí, máy thuyết minh tự động, cổng thông tin điện tử du lịch, Apps du lịch Bát Tràng, kính trải nghiệm thực tế ảo, xe điện thông minh, demo xe đạp thông minh... cũng được giới thiệu tại đây.

Việc Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch sẽ góp phần đưa làng gốm trên 500 năm tuổi này trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước. Đồng thời đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Theo quyết định, UBND xã Bát Tràng có trách nhiệm quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.

Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội), là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng. Khu làng cổ rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ; với đường ngõ, xóm ngoằn nghèo, chật hẹp và những bức tường cao chót vót gắn với những câu chuyện bảo vệ làng của người dân.

Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng. Những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Italia…

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Hiện nay xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 105 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là nghệ nhân nhân dân Trần Ðộ, nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn, Vương Mạnh Tuấn…

HIỀN HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...