A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ VHTTDL đang gấp rút xây dựng hướng dẫn du lịch thích ứng an toàn để triển khai thống nhất trên toàn quốc

VHO- Sáng 15.10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức tọa đàm với chủ đề Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19 nhằm làm rõ "bức tranh" của ngành Du lịch sau gần 2 năm hứng chịu những tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19 và những giải pháp để du lịch phục hồi, phát triển.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu định hướng tại toạ đàm

Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng VHTTDL; ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân; lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Sở quản lý du lịch các địa phương, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch, chuyên gia Y tế…

Toạ đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia du lịch, chuyên gia y tế, doanh nghiệp du lịch

Trong phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết: “Chúng ta đang ở trong thời điểm gần hết năm 2021, nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, các tác động vô cùng nặng nề tới mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội gần hai năm qua. Trong đó, du lịch và lữ hành được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất”.

Tổng biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc toạ đàm

Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Toàn cảnh toạ đàm "Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19"

Ông Lê Quốc Minh cho rằng đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế. “Trong nỗ lực chung của ngành Du lịch tái khởi động an toàn thích ứng với tình hình mới, có dấu ấn không nhỏ của báo chí và truyền thông. Tôi hy vọng buổi tọa đàm diễn ra ngay tại trụ sở Báo Nhân Dân hôm nay sẽ thu được những kết quả thiết thực, đóng góp vào nỗ lực chung đưa du lịch hoạt động trở lại an toàn trong trạng thái bình thường mới”, ông Lê Quốc Minh nói.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đối thoại tại toạ đàm

Phát biểu định hướng tại toạ đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao việc Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức tọa đàm với chủ đề “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” và cho rằng sự kiện này diễn ra rất đúng thời điểm. “Chúng tôi ý thức đầy đủ tọa đàm là nơi trình bày quan điểm, lắng nghe tiếng nói của Hiệp hội, của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và qua đó chúng ta định hướng chính sách, ban hành các kế hoạch nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, cụ thể ở đây là phục hồi du lịch. Chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách chủ động phối hợp các cơ quan cùng tham mưu cho lãnh đạo bộ và tổ chức tọa đàm hôm nay đạt yêu cầu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết kế hoạch, lộ trình mở lại cả du lịch nội địa và quốc tế thời gian tới

Gợi ý thảo luận tại toạ đàm tiếp cận theo hướng đánh giá đúng thực trạng, phân tích tình hình, dự báo đúng sẽ có kế hoạch đúng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở toàn cầu. Vì vậy, sự sụt giảm suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn. Đến thời điểm này chúng ta có tín hiệu vui khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và đẩy lùi. Tuy nhiên, để có những giải pháp đúng, chúng ta phải đi tìm căn nguyên, xem xét cả yếu tố chủ quan, khách quan và bình tĩnh nhìn nhận các vấn đề”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao đổi tại toạ đàm

Cả trong năm 2020 và gần hết năm 2021 lượng khách quốc tế giảm 80- 90% (10% còn lại là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Khách nội địa năm 2020 đạt 85 triệu lượt nhưng sang năm 2021 cũng hầu như “đóng băng”. Quý I.2021, chúng ta có được một số lượng khách nhất định nhưng không bảo đảm thường xuyên.

“Thực tế đau xót hiện nay của ngành Du lịch là: công suất buồng phòng của các cơ sở lưu trú chỉ đạt 10%, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa vì không có khách; lực lượng lao động bị mất việc, chuyển nghề; nhiều công ty lữ hành tạm ngừng hoạt động, xin rút giấy phép kinh doanh lữ hành… Cho thấy tác động dịch bệnh Covid-19 đối với ngành Du lịch khủng khiếp thế nào và du lịch rất khó để phục hồi như trước khi đại dịch xuất hiện. Phải đưa ra cảnh báo như vậy để có nhận thức đúng, nếu không chúng ta sẽ “mơ về ngày như ngày xưa” thì rất khó, chúng ta phải thích ứng với điều kiện mới và cũng nên nghiên cứu dự báo để xác định hướng đi không toàn “màu hồng”, cũng không toàn “màu xám xịt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương đối thoại tại toạ đàm

Cho biết Bộ VHTTDL đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ VHTTDL đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Các diễn giả Phùng Quang Thắng, Nguyễn Công Hoan trao đổi tại toạ đàm

Ở nhóm nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ VHTTHDL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận: giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú được áp dụng thời gian khá dài; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; đề xuất giảm 80% tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành...

Bà Trần Nguyện, đại diện Tập đoàn Sun Group trao đổi tại toạ đàm

“Tuy nhiên, nguồn lực của đất nước đang khó khăn. Nhìn ra tình hình chung thế giới, nhóm chính sách về tài khóa và tín dụng là ưu tiên hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ phục hồi. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, ngành ngân hàng đề xuất các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian tới. Theo đó Bộ VHTTDL cũng đồng kiến nghị xem xét để có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Tôi tin rằng, khi Chính phủ ban hành chính sách đó, thì các doanh nghiệp du lịch sẽ “liệu cơm gắp mắm”, vay thế nào, vay bao nhiêu để có thể phục hồi… cần có chính sách và kế hoạch riêng của từng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Diễn giả Nguyễn Lê Hương (Vietravel) trao đổi tại toạ đàm

Ngoài ra, phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề. Lực lượng lao động này đã bắt đầu bỏ nghề và chuyển sang lao động khác. Khi thị trường mở cửa lại, ngành Du lịch lại hoạt động nhưng có lao động trở lại cũng có lao động chuyển hướng làm việc khác. Sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào? Bộ VHTTDL đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ LĐ,TB&XH có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm cho nhân lực để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.

Chuyên gia y tế Vũ Xuân Phú (Bệnh viện Phổi trung ương) trao đổi tại toạ đàm

Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, Bộ VHTTDL sẽ tập trung nghiên cứu lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động sâu sắc tới tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng của khách du lịch.

Diễn giả Phạm Hà (Lux Group) trao đổi tại toạ đàm

Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý du khách có sự thay đổi cơ bản. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông, tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ VHTTDL đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh, thành phải có 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm cần đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam, thắng cảnh…

Diễn giả Đức Anh (Chủ tịch CLB du lịch MICE) trao đổi tại toạ đàm

Bộ trưởng cho biết: “Hôm qua (14.10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL phải khẩn trương ban hành hướng dẫn về vấn đề du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc, không chỉ đơn lẻ ở từng tỉnh, được phép mở cửa thế nào, điều kiện an toàn ra sao, phương tiện giao thông phải được nhất quán…. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang gấp rút xây dựng hướng dẫn này theo tinh thần Nghị quyết 128 ngày 11.10 của Chính phủ”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ trưởng cũng khẳng định phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai trên toàn quốc nhằm đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức. Tinh thần là tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế xã hội của từng địa phương, góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh chúng ta đang khó khăn.

Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Như Hoan phát biểu bế mạc toạ đàm

Tại toạ đàm, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và các diễn giả đã tập trung thảo luận sâu nhiều nội dung như: Khó khăn của ngành Du lịch qua 4 lần bùng dịch Covid-19; cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.

THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...