Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao song hành quảng bá mở cửa du lịch quốc tế
Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao bàn về việc mở cửa du lịch quốc tế và đẩy mạnh quảng bá Du lịch Việt Nam
Tham dự Hội nghị còn có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và 13 Đại sứ, đại diện Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại các nước là thị trường du lịch trọng điểm của Du lịch Việt Nam.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất có thể để đón khách quốc tế trở lại
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mở lại thị trường du lịch quốc tế bằng hộ chiếu vắc xin đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã cơ bản đồng ý với kế hoạch này. Sau khi cơ bản được kiểm soát, để chuẩn bị cho việc khởi động lại thị trường trong nước, tiến tới sống chung với dịch bệnh, Bộ VHTTDL cũng đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp”.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, trong suốt thời gian qua, Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Công tác, hoạt động ngoại giao đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước.
Giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2015 - 2019, khách quốc tế đi du lịch Việt Nam đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Năm 2019 ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các Đại sứ, đại diện Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh quảng bá việc mở cửa đón khách quốc tế tới Phú Quốc và các điểm đến khác
Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: “Những kết quả đạt được nêu trên có phần đóng góp quan trọng của công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã luôn sát cánh phối hợp, ủng hộ Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch trong nhiều năm nay. Quy mô và chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục được cải thiện; đặc biệt ở các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam. Bên cạnh đó, quảng bá qua phương tiện truyền thông và tiếp thị điện tử (e-marketing) cũng từng bước được đẩy mạnh”.
Việt Nam cũng đã nhận được nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) như: Điểm đến hàng đầu châu Á tại ba hạng mục di sản, văn hóa, ẩm thực năm 2019 và 2020; Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019 và 2020; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 và Điểm đến Golf tốt nhất châu Á bốn năm liên tiếp từ 2017- 2020.
Tuy nhiên, từ năm 2020 tới nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy ngành Du lịch toàn cầu rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có, Du lịch Việt Nam không phải là ngoại lệ. Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chúng ta chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỉ đồng, giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, nhiều lao động buộc rời bỏ Ngành vì không có việc làm.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định sẽ luôn song hành cùng Bộ VHTTDL trong việc xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy mở cửa thị trường du lịch, đón khách quốc tế vào Việt Nam
Mặc dù vậy, hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến nhằm kết nối với khách và nhắc rằng, Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn và sẵn sàng chào đón du khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định. Chiến dịch quảng bá, truyền thông trên kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC được triển khai. Trong đó chương trình phát sóng “Why not Vietnam” trên CNN kéo dài 6 tuần, vào dịp chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ diễn ra sôi nổi, đã thu hút hàng triệu lượt người xem.
Bên cạnh đó, khi du lịch quốc tế bị đóng băng, chúng ta đã chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Nổi bật là 2 chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Bộ VHTTDL đã phát động chương trình và nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã liên kết; hợp tác công tư được đẩy mạnh; nhiều gói sản phẩm du lịch hấp dẫn được giới thiệu và du khách, nhân dân nhiệt tình đón nhận. Có thể nói kích cầu du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với toàn ngành, góp phần để du lịch Việt Nam sẽ có thể trụ vững trên đôi chân của mình.
Đại diện Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp nhiều thông tin và đề xuất xác đáng liên quan tới việc mở cửa thị trường quốc tế
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về việc triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó việc tăng cường truyền thông, quảng bá đối với các thị trường quốc tế trọng điểm được xác định là mắt xích quan trọng để phục hồi thị trường quốc tế - thị trường có vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong cấu phần tổng thu Du lịch Việt Nam.
Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao) xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn phù hợp với diễn biến tình hình và kết quả phòng chống dịch của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới.
Tình hình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam hiện nay khá khả quan với 30,4 triệu người đã tiêm, trong đó có 7,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, đặc biệt ở các trung tâm du lịch lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh…. tỉ lệ cư dân tiêm chủng mũi 1 cao hơn, có nơi đã đạt trên 80%. Đặc biệt, riêng Phú Quốc 100% cho cư dân, người lao động đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1; sẽ hoàn thành tiêm chủng mũi 2 trong tháng 11.2021, tạo điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng, sẵn sàng đón du khách quốc tế quay trở lại.
Phú Quốc đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón khách quốc tế trở lại
Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Kế hoạch xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch đến năm 2022 với mục tiêu nâng cao hiệu quả chương trình mở cửa đón khách quốc tế và kích cầu du lịch nội địa. Đối với thị trường quốc tế, Kế hoạch dự kiến chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu thí điểm tại Phú Quốc sau đó sẽ mở rộng mô hình sang một số địa phương và tiến tới mở cửa hoàn toàn.
Thúc đẩy sớm việc thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về hộ chiếu vắc xin
Bộ VHTTDL nhận định, giai đoạn mở cửa thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc sắp thực hiện và rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Ngành Du lịch mong muốn phối hợp với ngành Ngoại giao triển khai rộng rãi Chương trình truyền thông “Roam Phu Quoc”; mở đầu cho Chiến dịch xúc tiến, quảng bá phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021-2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”. Mục tiêu là quảng bá chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), chính sách du lịch hộ chiếu vắc xin; các quy định, biện pháp bảo đảm du lịch an toàn; chuẩn bị từng bước nhân rộng mô hình ra các điểm đến, địa phương an toàn trong cả nước.
Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao (cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài) tiếp tục hỗ trợ Du lịch Việt Nam trong các hoạt động thời gian tới để mở lại thị trường quốc tế hiệu quả, an toàn. Trước mắt là phối hợp để triển khai thành công Kế hoạch thí điểm mở cửa Phú Quốc đón khách quốc tế. Đề nghị Bộ Ngoại giao là đầu mối trao đổi thừa nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về hộ chiếu vắc xin (chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19); thống nhất với ngành Du lịch lựa chọn các quốc gia là thị trường trọng điểm để mở cửa Phú Quốc.
Đồng thời, đề nghị Bộ Ngoại giao và các Cơ quan ngoại giao ở nước ngoài hỗ trợ tuyên truyền thông tin về Kế hoạch mở cửa của Du lịch Việt Nam, các chính sách đảm bảo an toàn cho du khách tới nhân dân nước sở tại. Thông tin về cách thức, quy trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến các doanh nghiệp, khách du lịch, cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài.
Khách du lịch quốc tế sẽ đến Phú Quốc theo chương trình khép kín, bằng các chuyến bay charter, đăng ký tour trọn gói của các công ty lữ hành
Thông tin về tình hình du lịch tại các thị trường, nhu cầu của khách, các doanh nghiệp, đối tác quốc tế cũng như yêu cầu kết nối áp dụng hộ chiếu vắc xin cho khách du lịch. Tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp Du lịch Việt Nam với các đối tác quốc tế. Phối hợp, hỗ trợ tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá trực tuyến cho du lịch Việt Nam như webinar, tham gia Hội chợ trực tuyến… Tiếp tục đồng hành cùng Tổng cục Du lịch trong các hoạt động xúc tiến tại chỗ trong thời gian tới (khi điều kiện cho phép) như: tham gia hội chợ quốc tế, đón đoàn khảo sát, tổ chức chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo, Đại sứ, đại diện Cơ quan ngoại giao ở các nước đã thông báo khá chi tiết về tình hình kiểm soát dịch bệnh, kinh nghiệm khôi phục kinh tế, mở cửa du lịch… của các nước; đồng thời thúc đẩy việc hình thành hành lang xanh, bong bóng du lịch và thừa nhận hộ chiếu vắc xin với các nước. Đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch sớm gửi thông tin quảng bá chính thức để triển khai ngay việc quảng bá việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế tới du khách nước ngoài.
Đánh giá cao sáng kiến mở cửa du lịch quốc tế của Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định sẽ luôn song hành cùng Bộ VHTTDL trong việc xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy mở cửa thị trường du lịch, đón khách quốc tế vào Việt Nam.
Cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ tích cực của Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “12 ý kiến của các Đại sứ, đại diện Cơ quan ngoại giao ở nước ngoài đã phản ánh được rất sát tình hình phòng, chống dịch bệnh và mở cửa của các nước; đánh giá, đề xuất xác đáng về công tác chuẩn bị đón khách quốc tế của Việt Nam. Bộ VHTTDL xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý và trên cơ sở đó có bước chuẩn bị tiếp cho Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Bộ VHTTDL cũng sẽ sớm cung cấp thông tin đầy đủ về Kế hoạch này, Chiến dịch truyền thông kèm theo và mong muốn đại diện các Cơ quan ngoại giao ở nước ngoài tiếp tục phối hợp quảng bá để quá trình mở cửa quốc tế triển khai hiệu quả, an toàn”
Thúy Hà, ảnh Minh Khánh