A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước

VHO- Trong bối cảnh doanh nghiệp ngành Du lịch đang nỗ lực chuyển đổi số, cố gắng cầm cự, cần những “cú hích thông hành”, những giải pháp quyết liệt đảm bảo đủ an toàn, đủ mạnh để có thể tái khởi động guồng máy trong bối cảnh mới.

Hiện nay chỉ còn rất ít các công ty du lịch duy trì hoạt động. Ảnh VIỆT THẢO

Kinh tế du lịch tiếp tục bi đát

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Đối với các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chỉ có chưa đến 20% các nhà máy còn hoạt động với công suất thấp trong điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, việc hoạt động cũng không mang lại hiệu quả cao khi thực hiện điều kiện “3 tại chỗ” này khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng đáng kể.

Tình hình dịch kéo dài, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và các biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể duy trì, như chính sách hỗ trợ về tín dụng, chính sách giãn, hoãn tiền thuế… Với Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính ước tính số tiền hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 115 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ hiệu quả của các chính sách này khá hạn chế, trong đó nhiều chính sách ban hành với thời gian ngắn hạn, chưa thể đáp ứng được điều kiện phục hồi doanh nghiệp. Về các chính sách về thuế, các chính sách đa phần mang tính chất giảm thu, chưa tập trung vào tăng chi cho doanh nghiệp, khi giảm thu chỉ mang lại hiệu quả một phần cho các doanh nghiệp còn doanh thu, trong khi rất nhiều doanh nghiệp không còn nguồn thu nhưng vẫn phải gồng gánh chi phí để duy trì. Chưa kể một số chính sách hỗ trợ chỉ ở mức giãn và hoãn, không phải giảm.

Đối với doanh nghiệp du lịch và hàng không là 2 ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên việc đánh giá khả năng phục hồi vẫn còn thấp ảnh hưởng đến việc tiếp cận các gói hỗ trợ vay tài chính từ các ngân hàng. Hiện nay, cần đánh giá các tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ về tài chính với  tính lan tỏa (tác động từ ngành được hỗ trợ đến các ngành khác), lao động (tạo công ăn việc làm) và khả nặng phục hồi sau dịch cao (theo nghiên cứu của NEU và JICA). Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc phục hồi du lịch và hàng không sẽ là nền tảng hỗ trợ và kéo theo sự phục hồi của các ngành khác, chưa kể đến sức nén thị trường trong thời gian dài giãn cách cũng là yếu tố cho thấy khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch.

Cần tiếp tục phổ rộng diện tiêm phủ vắc xin cho người dân ở các điểm đến và người lao động ngành Du lịch. Ảnh VIỆT THẢO

Quy định “con” khiến du lịch không thể phát triển

Tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó, phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Tất cả đều thống nhất an toàn là điều kiện ưu tiên số 1 nhưng hiện nay thủ tục hành chính giữa các địa phương cũng rất nhiều, phức tạp. Giữa các vùng, địa phương, đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm, hạn chế di chuyển diện rộng, ban hành các quy định “con” không ít trong số đó trái với quy định, chỉ đạo của Trung ương. Nếu vẫn duy trì tình trạng thế này, rõ ràng du lịch không thể phát triển. Cần có chính sách đánh giá hạn chế các vùng đỏ nhỏ nhất tại từng địa phương các vùng còn lại được phép mở ra hoạt động bình thường đó là điều kiện cần để du lịch phục hồi. Phải thống nhất tuân thủ chỉ đạo chung xuyên suốt của Chính phủ.

Để khôi phục các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành nhanh việc tiêm vắc xin đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành Du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1322/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tập trung cho công tác phục hồi giao thông vận tải vì du lịch không thể phục hồi phát triển nếu đi lại khó khăn, giao thông không thông suốt và đây là điều kiện cần tiên quyết. Nếu áp dụng các tiêu chí phân loại nguy cơ như chúng ta đang thực hiện thì nơi nào cũng là "vùng đỏ", rất khó mở cửa bầu trời, trong khi không chỉ có địa phương du lịch mà các địa phương cũng cần nhà đầu tư, chuyên gia, lao động cũng như sự giao lưu về các hoạt động đầu tư, thương mại. Phục hồi du lịch mà các doanh nghiệp lữ hành không đưa được khách di chuyển thuận lợi thì làm sao phục hồi và phát triển du lịch trở lại chừng nào vẫn quy định ranh giới, vùng xanh, vùng đỏ, chừng đó du lịch không thể phát triển.

Phục hồi giao thông vận tải là điều kiện tiên quyết để khôi phục và phát triển du lịch. Ảnh MINH THUẦN

Nhìn từ bài học các nước thì thấy hiện tại việc đình trệ vận tải hàng không một thời gian trước đây phải trả giá quá đắt, đặc biệt với hàng không nội địa. Họ không thể tiếp tục vận hành xã hội, nền kinh tế mà thiếu sự phục hồi của ngành vận tải hàng không.

Do vậy, chúng ta không thể gắn việc khởi động ngành hàng không nội địa vào việc vùng này còn dịch hay vùng kia hết dịch. Việc mở lại đường bay cho hàng không còn khó khăn vậy thì nói đến mở các hoạt động vận tải khác rủi ro hơn nhiều, bởi mở cửa hoạt động này dễ dàng hơn nhiều so với việc mở lại các hoạt động vận tải trên mặt đất và hoàn toàn có thể kiểm soát được mặt dịch tễ. Toàn bộ nhân lực từ phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất... đã được tiêm đủ vắc xin. Máy bay cũng giới hạn đối tượng tiếp cận. Vấn đề quan trọng nhất hiện giờ là đảm bảo kiểm soát hành khách đi máy bay an toàn. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng "hộ chiếu vắc xin" để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế. Chúng ta cũng cần sớm có chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước.  Học tập kinh nghiệm của du lịch một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore chia ra ba mức ưu tiên khác nhau để tiếp nhận khách quốc tế là: Mở cửa đơn phương, bong bóng du lịch và làn xanh đối ứng.

Triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam là giải pháp hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa… để dần phục hồi các hoạt động kinh tế nước nhà. Ở nhiều quốc gia trong liên minh EU, Philippines... luật về thẻ thông hành xanh hoặc gần như vậy còn được Quốc hội thông qua nhằm ưu tiên giải quyết tính pháp lý. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm đó. Ngành Du lịch nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước do một Bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm.

Thực tế hiện đang có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế và ứng dụng PC Covid xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi di chuyển. Tuy nhiên, để đồng bộ dữ liệu và thuận tiện cho quản lý, theo chuyên gia của Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu, hợp nhất Cổng tiêm chủng quốc gia và các nền tảng ứng dụng, để người dân đi đâu chỉ cần có mã QR.

NGUYỄN QUỐC KỲ

(Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...