Chỉ 3,5% tổng số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đến Việt Nam
Trung Quốc là thị trường nguồn của du lịch thế giới. Ảnh AFP
166 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài trong năm 2019
Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018), tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế ở châu Á và Thái Bình Dương trong năm 2018 đạt tổng cộng 349 triệu lượt, tăng 7%, chiếm ¼ trong tổng khách du lịch thế giới. Châu Á đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất về lượng khách quốc tế trong giai đoạn 2000 đến 2018, phần lớn được cung cấp bởi Trung Quốc, thị trường nguồn hàng đầu thế giới.
Liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu (GTERC), năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỷ usd (tăng 5,2% so với năm 2017), chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới.
Đáng lưu ý, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 usd/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong top đầu các nước thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 usd/ chuyến) và Singapore (2.440 USD).
Dự kiến khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài đạt 166 triệu lượt trong năm 2019, tăng 11% so với năm 2018. Với số lượng lớn và mức chi tiêu hàng đầu thế giới, khách du lịch Trung Quốc đang được coi trọng thu hút, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đến hầu hết các điểm đến ở châu Á và toàn thế giới.
Tập đoàn Trip.com, một trong những hãng du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc dự báo: “Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến du lịch ngắn ngày ưa thích của người Trung Quốc”.
Báo cáo Outlook du lịch Trung Quốc năm 2020 của tập đoàn Trip.com cho thấy: Số lượng khách du lịch nước ngoài của Trung Quốc đa phần là từ các thành phố lớn hàng đầu như: Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến. Phần còn lại chủ yếu là phân bổ các thành phố như: Nam Kinh, Hàng Châu, Thành Đô, Thiên Tân, Vũ Hán, Trùng Khánh, Tây An, Hạ Môn, Phúc Châu, Vô Tích, Hợp Phì, Côn Minh, Ninh Ba, Trường Sa, Tô Châu và Thẩm Dương.
Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1 trong số những thị trường đưa khách đến Việt Nam đông nhất. Việt Nam cũng là 1 trong 10 điểm đến được du khách nước ngoài ưa thích, lựa chọn. Năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, con số 5,8 lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam cũng chỉ bằng 3,5% tổng số 166 triệu lượt khách Trung Quốc ra nước ngoài. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng từ nguồn khách Trung Quốc là rất lớn và Việt Nam có biết cách để khai thác thị trường này hay không thôi.
Mức chi tiêu của khách Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay cũng còn thấp. Theo điều tra năm 2017 (chưa có thống kê mới hơn- P.V) của Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 897,4 USD/chuyến đi Việt Nam, trong đó khoảng 32% chi cho lưu trú (chưa bằng 50% so với chi tiêu bình quân trên 1 chuyến đi của người Trung Quốc năm 2019) dù mỗi năm đều có xu hướng tăng lên.
Khách Trung Quốc là thị trường số 1 của du lịch Việt Nam
Hiện nay, với vị trí thị trường nguồn hàng đầu thế giới, nhiều quốc gia rất coi trọng và áp dụng các chính sách nhằm thu hút khách Trung Quốc. Do đó, cạnh tranh điểm đến để thu hút thị trường khách này giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt, đặc biệt tại khu vực hcâu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tour du lịch giá rẻ cũng đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết triệt để.
Để khai thác hiệu quả thị trường hàng đầu thế giới này và quản lý chặt chẽ việc đón khách Trung Quốc qua tour giá rẻ đòi hỏi cần tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch tới những thành phố lớn của Trung Quốc, tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi ích giữa công ty lữ hành với các nhà cung ứng dịch vụ, tạo ra các sản phẩm du lịch có mức giá cạnh tranh. Việc phát triển du lịch vừa phải đảm bảo tăng trưởng về số lượng và mục tiêu lớn hơn là tăng chi tiêu của khách du lịch, phát triển bền vững. Cần có chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam để thúc đẩy tăng tiêu dùng tại chỗ của du khách, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh lữ hành. Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành Du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm mới cần sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, công an, quản lý lao động… để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong hoạt động du lịch và liên quan đến bán hàng kém chất lượng, trốn thuế, lao động bất hợp pháp, bán hàng bằng ngoại tệ…
Du lịch hiện nay là ngành kinh tế xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới
Theo đánh giá của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế tăng thêm 4% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2019.
Tăng trưởng du lịch tiếp tục vượt xa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tiềm năng to lớn du lịch mang đến cơ hội phát triển trên toàn thế giới nhưng cũng là thách thức về phát triển bền vững.
Số liệu mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, các điểm đến trên toàn thế giới đã nhận được 1,1 tỷ lượt khách du lịch quốc tế cho đến hết 9 tháng đầu năm 2019 (tăng 43 triệu so với cùng kỳ năm 2018). Dự kiến, tăng trưởng cả năm về du lịch toàn cầu đạt từ 3- 4%.
Trong khi đó, suy thoái kinh tế thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng, căng thẳng chính trị và bất ổn kéo dài xung quanh vấn đề Brexit đè nặng lên du lịch quốc tế.
Du lịch đã tạo doanh thu 1,7 nghìn tỷ usd tính đến hết năm 2018. Nhờ đó, du lịch quốc tế vẫn là ngành kinh tế xuất khẩu lớn thứ 3 sau nhiên liệu (2,4 nghìn tỉ USD ) và hóa chất (2,2 nghìn tỈ USD). Trong các nền kinh tế tiên tiến, hiệu suất vượt trội của du lịch sau nhiều năm tăng trưởng bền vững đã thu hẹp khoảng cách với xuất khẩu sản phẩm ô tô.
Du lịch quốc tế chiếm 29% xuất khẩu dịch vụ của thế giới và 7% xuất khẩu tổng thể. Ở một số vùng, tỷ lệ này vượt quá mức trung bình của thế giới, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi nơi du lịch chiếm hơn 50% xuất khẩu dịch vụ và khoảng 9% tổng xuất khẩu.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép du lịch trong các chính sách xuất khẩu quốc gia để mở rộng dòng doanh thu, giảm thâm hụt thương mại và đảm bảo phát triển bền vững về lâu dài.
Trong số 10 nước có thu nhập hàng đầu thế giới cho thấy kết quả hỗn hợp trong các khoản thu du lịch quốc tế đến tháng 9 năm 2019 tăng cao, cụ thể: Australia (tăng 9%), Nhật Bản (tăng 8%) và Italia (tăng 7%)... Trong khi đó Trung Quốc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ lại ghi nhận sự sụt giảm. Các điểm đến Địa Trung Hải là một trong những nơi có hiệu suất mạnh nhất về thu nhập, cả ở châu Âu và Trung Đông và khu vực Bắc Phi cũng có những thu nhập đáng kể.
Tăng trưởng lượng khách đến trong 9 tháng đầu năm 2019 được dẫn đầu bởi Trung Đông (tăng 9%), tiếp theo là châu Á- Thái Bình Dương và châu Phi (tăng 5%), châu Âu (tăng 3%) và châu Mỹ (tăng 2%) )
Năm 2019, mức tăng trưởng khách quốc tế của Việt Nam đạt 16,2%, là mức tăng rất cao so với khu vực và thế giới.
THUÝ HÀ