Sản phẩm chủ đạo sẽ tạo ra cú hích
Du lịch biển đảo là thế mạnh của Việt Nam Ảnh: VNAT
Giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch cần được đánh giá, nhìn nhận lại để có được sự khôi phục nhanh nhất và bứt phá phát triển sau đại dịch. Trong đó, sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi để xem xét và thiết lập các hoạt động có liên quan.
Xây dựng hệ thống sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường
Để phát triển kinh tế du lịch chúng ta cần một hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường, sáng tạo để kích thích nhu cầu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế đúng với vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và xuất khẩu tại chỗ. Trong hệ thống sản phẩm du lịch tại mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần đánh giá và xác định sản phẩm chủ đạo để tạo ra cú hích phát triển du lịch, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thương hiệu du lịch, hiệu quả kinh tế và thúc đẩy các loại hình sản phẩm du lịch khác phát triển. Với những thế mạnh về tài nguyên và các nguồn lực khác, theo tôi, sản phẩm du lịch biển, đảo và du lịch văn hóa là sản phẩm chủ đạo cho phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Tại sao lại chọn du lịch biển? Với hơn 3.200 km bờ biển và nhiều đảo lớn nhỏ, những năm qua Du lịch Việt Nam đã tạo ra nhiều trung tâm du lịch biển và khu du lịch biển hấp dẫn khách nội địa và quốc tế. Ví dụ như: Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc... Hạ tầng du lịch biển được đầu tư rộng khắp, có khả năng đón lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, giao thông tiếp cận và di chuyển trong điểm đến du lịch biển ngày càng thuận tiện. Nhiều sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế đón nhiều loại máy bay đã xây dựng mới hoặc nâng cấp nhiều như: Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang, Nội Bài, Tân Sơn Nhất, sắp tới là sân bay Long Thành, Phan Thiết… Hàng nghìn km đường cao tốc nối các trung tâm đô thị, nhà ga sân bay với điểm đến du lịch biển và khu du lịch biển. Một số cảng biển quốc tế có thể đón tàu du lịch lớn với vài ngàn khách quốc tế cập cảng như: Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu, Nha Trang, Chân Mây (Huế), sắp tới là cảng Phú Quốc… Trong các khu du lịch biển đã có nhiều bến cảng phục vụ cho tàu chở khách tham quan du lịch, đầu tư về nhà ga, bến đỗ, tàu, thuyền và các dịch vụ liên quan khác.
Nhiều khu du lịch biển rất gần với các điểm du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch nông nghiệp, sân golf… là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch biển. Phần lớn các khu du lịch biển hiện nay đã được đầu tư lớn, đồng bộ với nhiều dịch vụ, kể cả vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách tại địa phương và tạo sức hút cho điểm đến.
Đô thị du lịch biển đã tạo cho hạ tầng của điểm đến du lịch thêm một sự lựa chọn lưu trú và các dịch vụ khác, mang đến hình ảnh mới mẻ cho điểm đến du lịch biển, thu hút mạnh khách du lịch. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đã trở thành thiết yếu. Mùa du lịch biển cho khách nội địa và quốc tế đã giúp cho nhiều khu du lịch biển khắc phục tính mùa vụ.
Sản phẩm cần có tính sáng tạo cao
Thiên nhiên đa dạng và cuộc sống của 54 dân tộc trên khắp cả nước đã tạo ra một nền văn hóa bản sắc, đa dạng và độc đáo được kết tinh qua tiến trình lịch sử lâu dài. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xếp hạng hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt và còn hàng vạn di tích khác phân bổ khắp cả nước.
Văn hóa ẩm thực có ý nghĩa vô cùng to lớn trong xây dựng hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam phong phú, đặc sắc, ngon và dễ thưởng thức phản ánh đời sống văn hóa của một đất nước có nền nông nghiệp cung cấp sản lượng lớn nông sản ra thế giới. Bữa ăn diễn ra hằng ngày với khách du lịch, đây là cơ hội để tiếp cận và truyền tải những đặc sắc về văn hóa ẩm thực và văn hóa địa phương tới du khách. Hướng tới mục tiêu khôi phục nhanh du lịch sau đại dịch, tăng nhanh lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, chúng ta cần tập trung đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc sắc của mỗi một địa phương và có tính sáng tạo cao.
Nhìn ra các nước, chỉ xem xét một góc nhỏ về biểu diễn văn hóa nghệ thuật dành cho khách du lịch trong bộ sản phẩm du lịch văn hóa mà nhiều nước đã thành công mới thấy chúng ta đã bỏ phí nguồn tài nguyên văn hoá để khai thác du lịch như thế nào. Các chương trình nghệ thuật của Trương Nghệ Mưu ở Trung Quốc; các chương trình biểu diễn The Queen’s Banquet Show, Ba Silla, Pang Show, Jump Show (Hàn Quốc); Show Cookin’ Nanta, Bangkok Siam Niramit, Show Calypso Cabaret Bangkok, Show trình diễn Voi và Cá sấu tại Samphran, Show Muay Thái (Thái Lan)… đã thu hút rất đông khách nước ngoài, tạo nguồn thu lớn từ du lịch. Biểu diễn văn hóa nghệ thuật là loại hình có từ bao đời nay với nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên, sản phẩm du lịch gắn với biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam chưa nhiều, có thể kể đến rất ít chương trình có thể bán được cho khách quốc tế và một phần khách nội địa như: Rối nước Thăng Long, Ấn tượng Hội An, Tinh hoa Bắc Bộ, À ố show, múa cung đình Huế, áo dài Huế, Du ca đất Việt Nam, Làng tôi…
Tuy nhiên hiện nay, đa số các nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở quy mô nhỏ, chưa thu hút được khách du lịch. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là chúng ta chưa thực sự đầu tư cho các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Chủ trương thì có, tuy nhiên phương pháp chưa đồng bộ, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị văn hóa nghệ thuật và du lịch. Đã nhiều lần chúng ta nói với nhau, chương trình biểu diễn nghệ thuật có thể thu hút khách du lịch phải là thứ mà khách muốn chứ không phải thứ mà chúng ta có. Từ thực tế của mấy chục năm đón khách quốc tế và phục vụ khách nội địa, tôi cho rằng, sự sáng tạo cần có để hình thành các chương trình phù hợp với nhu cầu du lịch phải giải đáp được các vấn đề nêu ra sau đây: Chủ đề, câu chuyện về lịch sử và văn hóa; độ dài thời gian, điệu múa, trang phục, dụng cụ, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, công nghệ số; cách kể chuyện, cách truyền tải nhiều ngôn ngữ cho người nước ngoài, tính hài hước và giải trí, truyền tải qua ngôn ngữ cơ thể; sự tham gia của khán giả, kết hợp giữa động tác và đạo cụ, trải nghiệm và cảm xúc của du khách; vị trí địa điểm biểu diễn, tiện nghi cho người xem, không gian biểu diễn; marketing…
Văn hóa ẩm thực là một thế mạnh trong xây dựng sản phẩm du lịch Ảnh: NGỌC ĐỨC
Cần có giải pháp cụ thể
Để sự hợp tác giữa văn hóa và du lịch hiệu quả trong xây dựng sản phẩm, phát triển du lịch trong thời gian tới, cần có những giải pháp cụ thể. Trong đó, phải xây dựng chủ đề và nội dung biểu diễn hay tham quan phù hợp. Hợp tác xây dựng chủ đề và nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu mong đợi của khách du lịch đến tìm hiểu sự khác biệt và đặc sắc của địa phương. Trong bảo tàng hay di tích có nhiều nội dung câu chuyện, hiện vật khác nhau, việc hợp tác sáng tạo trong xây dựng các chương trình tham quan tại điểm phù hợp sẽ mang lại hiệu quả. Những lễ hội có thời gian dài, không gian lớn như lễ hội Đền Hùng, chùa Hương, Yên Tử… thông thường rất đông khách nên việc hợp tác với du lịch cần tập trung vào mùa vắng khách để nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng du lịch. Đối với các lễ hội khác tại các địa phương, để thu hút khách du lịch, cần có kế hoạch cụ thể về chương trình nội dung, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng chương trình tham quan tại địa phương, quảng cáo và tổ chức cho du khách tham gia lễ hội.
Cơ sở vật chất, tiện nghi dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng cần được đầu tư thường xuyên, cộng với việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung chương trình văn hóa nghệ thuật; đầu tư các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch tại điểm biểu diễn, điểm lễ hội, điểm tham quan; hợp tác quảng cáo và cung cấp dịch vụ chất lượng cho các đoàn khách du lịch. Tạo sự thuận lợi tiếp cận điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật. Ưu tiên vị trí các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật để khách tiếp cận thuận tiện, dễ dàng tìm được, không mất nhiều thời gian di chuyển, không gian phù hợp và hấp dẫn. Tổ chức mạng lưới giao thông thuận tiện kết nối các khu lưu trú của khách với điểm tham quan, di tích, lễ hội, điểm biểu diễn. Tổ chức tham gia phát triển kinh tế ban đêm với việc tạo ra hệ thống điểm tham quan, biểu diễn về đêm tại các trung tâm du lịch. Huy động nhiều bên tham gia vào hoạt động này như khách du lịch, người quản lý các điểm tham quan, di tích, bảo tàng, lễ hội, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân địa phương. Phát huy những sáng tạo của họ để tạo ra các chương trình văn hóa nghệ thuật đầy cuốn hút vào buổi tối.
Đồng thời, liên kết tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa bên văn hóa và các doanh nghiệp du lịch. Cần tạo môi trường liên kết bền vững cho sự hợp tác giữa văn hóa và du lịch nhằm phục vụ khách du lịch hiệu quả. Tạo cơ hội cho đại diện du lịch tham gia vào tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội và đưa ra các mục tiêu cụ thể trong việc hợp tác giữa văn hóa và du lịch.
PHÙNG QUANG THẮNG (Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist)