Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030
Đến năm 2030 du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp vào GDP 15-17%
Quan điểm của Chiến lược này là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đồng thời, nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đã hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa đạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Mục tiêu đến năm đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm.
Về khách du lịch, phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.
Ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch
Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.
Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Triển khai các giải pháp đồng bộ
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra giải pháp hàng đầu là tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Theo đó, cần phải nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam.
Chiến lược cũng đề ra các giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; Ứng dụng khoa học, công nghệ; Quản lý nhà nước về du lịch.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao
Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch. Thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng…
Hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng
Về phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ. Nâng cấp, mở rộng, đẩy nhanh xây dựng mới các cảng hàng không; xây dựng cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dụng cho khách du lịch; cải thiện nhanh hạ tầng, chất lượng dịch vụ đường sắt để phát triển du lịch. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Tập trung hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm, mua sắm, thể thao, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại các khu vực động lực phát triển du lịch….
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch. Thường xuyên điều tra, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách; phát triển đa dạng thị trường khách quốc tế và phát triển mạnh thị trường khách nội địa.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng vùng, địa phương… Phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, giải trí; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, khai thác thế mạnh ẩm thực; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái, thể thao mạo hiểm. Tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm. Tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, phát huy sức mạnh truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Phát huy vai trò cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mở văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số thị trường trọng điểm.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về du lịch; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương; đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng về du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp….
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Chiến lược nhấn mạnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển du lịch: Quy hoạch phát triển du lịch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và du lịch. Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch và các chương trình, đề án phát triển du lịch chuyên đề về thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá.
Đặc biệt, cần tập trung huy động nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ đột phá. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới sân bay Long Thành, Chu Lai…; nâng cấp, mở rộng sân bay ở các địa bàn trọng điểm và tiềm năng, trước hết tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn…; đầu tư xây dựng một số cảng biển du lịch quốc tế và các tuyến đường bộ kết nối với các khu du lịch quốc gia.
Đa dạng hóa thị trường khách du lịch
Tạo thuận lợi nhất về thủ tục cấp thị thực cho khách quốc tế, áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế; cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch thông minh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ giao rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về du lịch để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/ thành trực thuộc trung ương triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên khác của Chiến lược…
THÚY HÀ