A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025: Đưa Việt Nam thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn

VHO- Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định 2292/QĐ-BVHTTDL ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch trong giai đoạn 2021- 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn

Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động

Chương trình hành động này nhằm cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20.5.2021 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực du lịch.

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch trong giai đoạn 2021- 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành Du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Nâng cao khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Yêu cầu đặt ra là việc triển khai Chương trình hành động phải quyết liệt, chủ động, thực chất và hiệu quả. Cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai Chương trình hành động. Căn cứ các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình này, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Đối với nhóm các nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VHTTDL chủ trì, Bộ sẽ tập trung thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển du lịch trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện.

Xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Du lịch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trình Chính phủ ban hành Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia trong năm 2021 và triển khai thực hiện sau khi được ban hành; hướng dẫn địa phương xây dựng quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch. Hoàn thành lập “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch.

Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia trong năm 2021 và triển khai thực hiện sau khi Nghị định được ban hành

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường và dịch bệnh tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch: kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn; tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm và một số loại hình du lịch mới.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; thống nhất, kiện toàn mô hình tổ chức quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp xúc tiến quảng bá du lịch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề xuất ban hành chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp du lịch và hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn, đảm bảo triển khai có hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Tổ chức khảo sát, sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vào năm 2025.

Chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Du lịch

Chuyển đổi số trong toàn ngành Du lịch

Đối với nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành Du lịch, Bộ VHTTDL chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại và số hoá tài nguyên Du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; thống nhất công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.

Xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch

Về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối của một số khu du lịch quốc gia tại các khu vực động lực phát triển du lịch. Các tỉnh/thành phố nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch có khu du lịch quốc gia chủ động đề xuất, bố trí nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển khu du lịch quốc gia.

Đề xuất Chính phủ chú trọng đầu tư hạ tầng kết nối giao thông quan trọng như hạ tầng đường bộ ven biển, đường biển; hạ tầng sân bay, kết nối các đường bay quốc tế, giờ bay phù hợp đến các tỉnh phát triển du lịch. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kết nối giữa các vùng và hạ tầng của một số vùng khó khăn như miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

Đề xuất Chính phủ và các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch để hình thành các cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát huy thế mạnh của các vùng, các địa phương

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng

Về phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao như: du lịch văn hoá; du lịch sinh thái, du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; thí điểm phát triển sản phẩm du lịch tới các đảo xa bờ.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch, đảm bảo kết nối với hệ thống sản phẩm du lịch của vùng và quốc gia. Đặc biệt, ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương, ưu tiên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lịch sử, truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững; chú trọng khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của từng địa phương, từng vùng để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của từng địa phương, từng vùng.

Hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch chăm sóc sức khoẻ; du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch đông khách du lịch; phát triển các loại hình du lịch thể thao có tiềm năng, thế mạnh phát triển tại Việt Nam.

Khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại các khu du lịch, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng

Về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch, Bộ VHTTDL sẽ đề xuất ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng (hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ…), chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển thị trường du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực du lịch; đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững: xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Việt Nam đến năm 2025.

Chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Xây dựng, triển khai Chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động nghề du lịch. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, nhân lực quản trị doanh nghiệp du lịch. Quan tâm giữ lực lượng lao động du lịch chuyên nghiệp, bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt lớn và chất lượng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phát triển du lịch nội địa, đồng thời nghiên cứu, đề xuất mở cửa lại thị trường quốc tế

Tập trung phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa

Để phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch, Bộ VHTTDL sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa; nghiên cứu kinh nghiệm các nước về áp dụng mô hình bong bóng du lịch, hộ chiếu vắcxin, đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác trao đổi khách quốc tế với các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh để dần phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế.

Xây dựng Chiến lược marketing Du lịch Việt Nam đến năm 2030; triển khai các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm phù hợp với xu hướng mới của thị trường. Đa dạng hoá các phương thức, công cụ xúc tiến quảng bá, chú trọng triển khai các hoạt động e-marketing. Hỗ trợ các địa phương tiếp cận đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch trên các kênh truyền thông quốc tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết, ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch; tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam là thành viên để phát triển du lịch. Tập trung triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch trong ASEAN về quản lý du lịch an toàn, hỗ trợ phục hồi du lịch trong tình hình mới; triển khai các dự án hợp tác phát triển du lịch và tranh thủ khai thác các nguồn lực quốc tế để phát triển du lịch.

Hỗ trợ các địa phương tiếp cận đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch trên các kênh truyền thông quốc tế

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện, Chương trình hành động cũng đặt ra các nhiệm vụ Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện, triển khai.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp thực hiện Chương trình hành động, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.

Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Sở VHTTTTDL trên cơ sở những nhiệm vụ và nội dung trong Chương trình hành động này, căn cứ điều kiện thực tiễn và tình hình cụ thể của địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình hành động; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về  Bộ VHTTDL (qua Tổng cục Du lịch) trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.

Tổng cục Du lịch có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm, tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện trình Bộ trưởng.

NGUYỄN ANH, ảnh HOÀNG HÀ, PHẠM HÀ, THUẬN BÙI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...