Chuyển đổi số nhanh để không bị “thua trên sân nhà”
Hội thảo chương trình giới thiệu “Chuyển đổi số trong ngành Du lịch”
Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh của Việt Nam
Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các địa phương, đại diện các ngành liên quan như: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, công nghệ, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm tham quan, các hiệp hội du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, hướng dẫn viên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, các cơ quan truyền thông, báo chí... đã tham dự chương trình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trải nghiệm thực tế việc sử dụng các sản phẩm thông minh; thảo luận sâu việc hỗ trợ hoạt động quản lý, kinh doanh để đẩy nhanh sự phục hồi ngành Du lịch.
Giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số trong ngành Du lịch, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Ông Hòa nhấn mạnh: “Chuyển đổi số còn là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng, hành vi của người tiêu dùng chuyển sang sử dụng nhiều hơn các sản phẩm du lịch có ứng dụng công nghệ”.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao. Riêng đối với ngành Du lịch, ngày 30.11.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, những năm qua, Tổng cục Du lịch đã từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể khác nhau trong ngành du lịch như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến, khách du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu cụ thể và trải nghiệm thực tế về những sản phẩm công nghệ như: hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; cơ sở dữ liệu ngành du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở du lịch; ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn dành cho khách du lịch; ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp; Thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Từ thực tế tại đơn vị mình, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Tập đoàn công nghệ VIETSENS, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát triển được hệ thống bán vé điện tử, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 4.2022. Việc này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch giao dịch theo hướng “không chạm”, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời giúp khu di tích quản lý hiệu quả hơn hoạt động bán vé.
Để không còn thua ngay trên sân nhà
Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty GOTADI Ngô Minh Đức cho rằng: Những kết quả được trình bày ngày hôm nay đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Tổng cục Du lịch đối với công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Cho biết Công ty GOTADI là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số nhưng sau rất nhiều bài học, kinh nghiệm thương trường, ông Đức nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi nguồn lực và sự kiên trì. Việc phát triển những nền tảng số của người Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về làm chủ công nghệ, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí trong quá trình ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin của của Du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp của chúng ta nói riêng đang ở mức thấp so với thế giới. So với ngành hàng không cũng vậy, vé điện tử hàng không có từ gần 20 năm nay rồi”.
Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện Sở quản lý du lịch các địa phương nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch
Ông Ngô Minh Đức đánh giá cao việc Tổng cục Du lịch quyết tâm chuyển đổi số vì nếu không làm việc này sớm chúng ta sẽ chúng ta sẽ lạc hậu, khó cạnh tranh. Hiện nay chúng ta đang thua, thua ngay trên sân nhà. Những người chủ khách sạn rất đau khi trả đến 30% hoa hồng cho các công ty nước ngoài khi bán qua Agoda hay Booking.com.
“Một trong những cái tiên quyết là chúng ta phải làm chủ được công nghệ, từ đó ngành Du lịch mới có thể phát triển được, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh được”, ông Đức nói
Ông Đức cho rằng, phải liên kết, phải chuyển đổi số cùng nhau thì chúng ta mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, người dùng thông minh, điểm đến thông minh và không còn thua ngay trên sân nhà. Qua việc cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau nâng cấp hệ thống của người Việt, chúng ta sẽ thường xuyên nâng cấp, tăng số lượng các nhà cung cấp, mở rộng đối tượng sử dụng, áp dụng các loại thẻ Việt, thẻ du lịch Việt ở mọi nơi, không phụ thuộc vào các nhà trung gian nước ngoài nữa.
Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên mong muốn chương trình chuyển đổi số của ngành Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch; phát triển các sản phẩm công nghệ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, giảm chi phí, rủi ro, quản lý tốt nhân sự.
NGUYỄN ANH