A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Nẵng: Thí điểm 15 mô hình du lịch nông thôn không có lưu trú

VHO-UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định triển khai Đề án thực hiện thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang, giao địa phương phối hợp, tổ chức xúc tiến các hoạt động về quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour du lịch quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.

Theo đó, Đề án thí điểm được triển khai với số lượng không quá 15 mô hình, hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Vang trở thành những điểm nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng; phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch, người dân đô thị, giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông; khôi phục hoạt động du lịch của Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19. 

Tại Đà Nẵng, mô hình du lịch kết hợp phát triển nông thôn có nhiều điều kiện để phát triển 

Các dịch vụ du lịch được triển khai thí điểm gồm dịch vụ trải nghiệm: tổ chức cho khách trồng, thu hoạch, đóng gói rau củ quả; thả lưới, câu cá, giáo dục trải nghiệm ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Dịch vụ ăn uống: chế biến các loại rau củ quả thu hoạch được và thủy sản đánh bắt được trong khu vực mô hình thí điểm; chế biến các món ăn địa phương; cung cấp dịch vụ ăn uống theo yêu cầu của du khách. Dịch vụ vui chơi, giải trí: cắm trại, thả diều, các trò chơi vận động, yoga, dưỡng sinh, chụp hình, hoạt động sân khấu quy mô nhỏ, chèo thuyền, cưỡi ngựa, chăm sóc gia súc, triển lãm mỹ thuật và các hoạt động khác phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam và mức độ tiếng ồn không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân cư khu vực xung quanh. Theo lộ trình, Đề án được thực hiện thí điểm từ năm 2022 đến năm 2025 dự trên nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày; các hạng mục cơ sở vật chất thực hiện phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung. Các mô hình thí điểm sẽ được triển khai tuy nhiên không được cung cấp dịch vụ lưu trú và không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. 

Tại Đà Nẵng trong nhiều năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp được tổ chức bài bản, trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách ở nhiều địa phương, đồng thời là một trong những giải pháp để xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Tuy nhiên, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu dịch vụ, chất lượng chưa cao, ngoài ra các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và chưa tạo được sản phẩm đặc trưng hấp dẫn du khách. Một số địa điểm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Theo các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, để phát triển du lịch nông nghiệp thì cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa các địa phương có thế mạnh về loại hình du lịch này với các nhà đầu tư, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững cần hình thành được 3 nhóm sản phẩm gồm: check-in theo xu hướng; tăng trải nghiệm cho khách và phải có được sản phẩm theo tuyến. Đà Nẵng có nhiều tài nguyên nhưng chưa tạo được các tuyến sản phẩm phù hợp với từng nguồn khách.

MINH CHÂU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...