Dấu tích xưa ở Căng Bắc Mê
“Căng” là từ được phiên âm từ chữ Canseme trong tiếng Pháp, nghĩa là đồn binh, trại lính. Bắc Mê theo tiếng địa phương là Pắc Mìa, có nghĩa là cửa ngòi, nơi nước chảy ra sông. Căng Bắc Mê nằm ở sườn núi Rồng theo tiếng Tày địa phương gọi là “Phù Luồng”, thuộc địa phận thôn Cốc Phát, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê. Cách thành phố Hà Giang 64 km về phía Đông, Căng Bắc Mê nằm ở vị trí trọng yếu, xung quanh là núi cao, rừng già, nó được thực dân Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến đường độc đạo nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.
Thời kỳ đầu, Căng Bắc Mê là đồn binh của Pháp. Năm 1939, khi phong trào cách mạng của nước ta phát triển mạnh mẽ thì thực dân Pháp đã biến khu vực đồn trú thành nhà tù giam giữ những tù nhân chính trị bị đưa từ Sơn La, Hoả Lò, Phú Thọ lên. Sau khi chuyển đổi từ đồn binh thành nhà tù, thực dân Pháp đã cho mở rộng, xây dựng thêm nhà ở, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân, củng cố thêm nhà bang tá (cơ quan hành chính địa phương).
Căng Bắc Mê không kiên cố, không như Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo nhưng với địa thế hiểm trở, rừng thiêng nước độc, các tù nhân chính trị ở đây hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, khó ai có thể thoát ra ngoài mà còn sống sót. “Sông kia ai gọi sông gầm. Để cho nước thét ầm ầm canh khuya. Bến kia ai gọi bến Mê. Để người chìm nổi ê chề hỡi ai?”. Hay như những vần thơ của Xuân Thủy: “Ai đưa ta đến Bắc Mê. Núi cao vời vợi, nước khe rì rầm. Chân non cuồn cuộn sông Gâm. Sườn non, con hổ nó gầm tự nhiên. Cỏ tranh dày đặc bốn bên. Muỗi rừng, vắt đá lại thêm dĩn, mòng. Đồn Tây nghiêm ngặt canh phòng. Một khu biên giới bịt bùng vào ra…”
Trong khu vực khuôn viên Căng có 2 bốt gác, 2 dãy nhà giam, 1 phòng giam đặc biệt, 1 nhà làm việc trung tâm, nhà trực, nhà ở của đồn trưởng, nhà bếp, nhà kho chứa lương thực và vũ khí đạn dược, nhà thông tin điện đài, nhà ở của lính kiêm bốt gác và công trình phụ. Quân số của Căng Bắc Mê khi ấy khoảng 1 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương.
Khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng 300 người, trong đó có những nhà cách mạng nổi tiếng như: Hoàng Quốc Việt, Xuân Thuỷ, Lê Giản, nhà văn Nguyên Hồng, Khuất Duy Tiến, Vọng Bình, Hoàng Hữu Nam, Hà Kế Tấn, Trần Cung, Dương Công Hoạt,..., có nhiều đồng chí sau này giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư tỉnh ủy Bắc Thái và một số chức vụ quan trọng khác.
Một số tù chính trị thực dân Pháp coi là đặc biệt nguy hiểm, bị giam ở phòng tối, còn lại hầu hết tù nhân ở đây bị bắt lao động khổ sai như: xúc cát sỏi, phá đá, nung vôi, làm gạch ngói để xây dựng nhà cửa, bốt gác, phòng giam để giam giữ chính mình. Những người tù chính trị kiên trung của chúng ta trước sự giam cầm hà khắc của giặc Pháp và thời tiết miền Bắc khắc nghiệt đã không hề nhụt trí. Các đồng chí đã thành lập một chi bộ trong nhà tù do đồng chí Trần Hiệu làm Bí thư. Chi bộ đã vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hoá để bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, đồng thời tranh thủ giác ngộ quần chúng trong và ngoài Căng. Bắc Mê trở thành một trong những cái nôi cách mạng ở Hà Giang.
Cuối năm 1942, thực dân Pháp phải giải tán Căng Bắc Mê. Từ năm 1943 tới tháng 8.1945, Căng Bắc Mê trở lại là đồn biên phòng. Năm 1992 Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử- văn hoá cấp quốc gia.
Trải qua nhiều năm tháng, Căng Bắc Mê đã bị xuống cấp và đã được trùng tu lại nhiều lần. Tuy thế, nơi này vẫn còn nguyên những giá trị lớn lao về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, sẵn sàng hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của các nhà cách mạng yêu nước. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng để thế hệ trẻ tìm đến, nhớ về những ngày tháng gian khổ của các thế hệ cha ông và không bao giờ quên những quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc.
Đến Hà Giang những năm gần đây, bên cạnh những địa danh quen thuộc như cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pí Lèng, dinh thự họ Vương, vực Tu Sản, những vạt núi bạt ngàn hoa tam giác mạch..., di tích Căng Bắc Mê rêu phong cổ kính và dòng sông Gâm xanh trong của Bắc Mê cũng là những điểm đến quen thuộc của du khách. Huyện ủy, UBND huyện Bắc Mê cũng đã chủ động đưa Căng Bắc Mê vào danh sách điểm đến trong các tour, tuyến du lịch trong huyện, kết nối với các điểm đến khác trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, di tích này cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích, các giá trị lịch sử cũng sẽ dần mai một nếu không kịp thời bảo tồn, tôn tạo, tìm ra hướng đi mới để khai thác.
Trở lại Căng lần này, tôi gặp một đoàn khách từ miền Nam ra. Họ không thể ngờ trên vùng rừng núi này lại có những nơi như thế này. Nếu không vì có dịch Covid-19, xu hướng du lịch khám phá những vùng đất còn nhiều tiềm năng lên ngôi, khách du lịch nội địa được quan tâm, ngành Du lịch phát động chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt" thì có lẽ họ cũng chưa biết tới nơi đây. Cô gái trẻ trong đoàn khách ấy đứng lặng yên nhìn những bức tường nhà tù đổ nát nói với tôi: "Giờ đoàn em đi lên Bắc Mê còn thấy khủng khiếp vì đường đi quá khó và xa xôi. Không hiểu ngày ấy các bác tù chính trị phải khổ sở thế nào khi bị giam cầm, tra tấn ở đây chị nhỉ?". Cô thắc mắc cũng đúng thôi, đã từng có câu "Thứ nhất Su Phì, thứ nhì Bắc Mê" để nói về sự xa xôi, cách trở, đường đi khó ở vùng núi cao của Hà Giang.
Đi dưới những tán cây cổ thụ ở trong Căng, trong buổi chiều bình yên, mới cảm nhận hết được cái giá của độc lập, tự do mà các thế hệ cha ông đã đổ bao xương máu mới giành được đắt như thế nào.
THÚY HÀ