Đề xuất khung cơ chế chính sách chung thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển
Du lịch nông thôn đang là xu hướng phát triển tất yếu
Sớm triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được Quốc hội và Chính phủ triển khai từ năm 2011. Đến nay, sau hơn 10 năm, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối thông suốt; cảnh quan môi trường nông thôn cũng được cải tạo một cách đáng kể. Công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng đã được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Trong điều kiện về cơ sở hạ tầng, về cảnh quan sinh thái, về giá trị văn hóa được khôi phục và bảo tồn, rất nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều mô hình về du lịch ở nông thôn trong 3 năm qua.
Ngay cả trong Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng có nhóm sản phẩm OCOP là điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, trên cả nước đã có 36 điểm du lịch cộng đồng được công nhận 3 - 4 sao OCOP.
Mặc dù chúng ta chưa có chủ trương, chưa có khung cơ chế chính sách nhưng các địa phương, các doanh nghiệp, chủ thể đã thấy được nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời tận dụng, phát huy những hiệu quả mà Chương trình MTQG xây dựng NTM mang lại trong việc từng bước phát triển DLNT.
Bộ NNPTNT cùng Bộ VHTTDL đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một chương trình về DLNT trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn, nhu cầu là rất lớn nhưng hiện nay phát triển chủ yếu tự phát
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, thực tiễn từ các địa phương cho thấy tiềm năng, nhu cầu mong muốn phát triển du lịch nông thôn từ những mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp… rất lớn và là xu thế tất yếu. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết những điểm DLNT đó đều phát triển mang tính tự phát. Do vậy, việc có một khung cơ chế, chính sách chung để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DLNT trong Chương trình MTQG xây dựng NTM là cần thiết.
“Chúng tôi mong muốn tạo được mối quan hệ hợp tác: nhà nước- doanh nghiệp và cộng đồng; lồng ghép các nguồn lực cộng với nguồn lực nhà nước để hỗ trợ phát triển DLNT. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng mới, phát triển sản phẩm vô hình.... để xây dựng NTM bền vững, tăng thêm thu nhập và đời sống của người dân nông thôn”, ông Nguyễn Minh Tiến nói
Tại Hội thảo, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) đã trình bày Dự thảo Chương trình phát triển DLNT gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng cần một khung cơ chế chính sách chung, tạo điều kiện để các địa phương phát triển du lịch nông thôn
Trong đó, việc phát triển DLNT sẽ mang lại những tác động tích cực đến cả 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển DLNT gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái ở các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.
Chương trình hướng đến mục tiêu cụ thể là phát triển, chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông thôn với ít nhất 1 điểm đến/tỉnh (thành phố) được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ DLNT được công nhận đạt chuẩn; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP; ít nhất 50% điểm DLNT được số hóa; ít nhất 80% sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm DLNT được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đẩy mạnh xúc tiến du lịch với 100% điểm đến DLNT được giới thiệu, quảng bá, 50% điểm DLNT áp dụng thương mại điện tử, ít nhất 50% chủ cơ sở DLNT được đào tạo, tập huấn, 70% lực lượng lao động DLNT đươc bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch (ít nhất 50% nữ), ít nhất 1 hướng dẫn viên thành thạo ngoại ngữ tại mỗi điểm DLNT; xây dựng hệ thống dữ liệu và bản đồ số các điểm DLNT trên toàn quốc.
Dự thảo cho biết Chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn khu vực nông thôn cả nước, tập trung tại các điểm DLNT do cộng đồng địa phương tổ chức, quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.
Bộ VHTTDL và Bộ NNPTNT phối hợp để trình ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Chương trình sẽ có 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn.
Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra 6 giải pháp thực hiện gồm: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển DLNT; huy động nguồn lực cho phát triển DLNT; phát triển nguồn nhân lực cho DLNT; thúc đẩy chuyển đổi số trong DLNT; Xúc tiến, quảng bá DLNT; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển DLNT.
Người nông dân sẽ là chủ thể chính để phát triển du lịch nông thôn
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết việc phát triển, đẩy mạnh yếu tố du lịch trong ngành Nông nghiệp được đánh giá là rất quan trọng. Thế nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa gắn kết chặt chẽ du lịch với nông nghiệp và phát triển còn manh mún, tản mát.
“Vì thế, chúng ta cần một khung cơ chế chính sách chung, tạo điều kiện để các địa phương phát triển DLNT, có sự thống nhất về quy mô, đối tượng, nội dung và định mức hỗ trợ, huy động các nguồn lực để phát triển DLNT gắn với NTM. Chúng tôi sẽ đề xuất hỗ trợ một số mô hình điểm đến, sản phẩm, đào tạo nông dân làm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ...”, ông Nguyễn Quý Phương nói.
Bộ VHTTDL đề xuất các hoạt động sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho du lịch nông thôn
Bộ VHTTDL đã đề xuất các hoạt động sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho du lịch nông thôn, trong đó nội dung hỗ trợ tập trung vào phát triển điểm đến du lịch nông thôn: Hỗ trợ phát triển làng, bản, thôn, xóm có văn hóa truyền thống tiêu biểu, làng nghề, khu vực sản xuất nông nghiệp truyền thống trở thành các điểm du lịch; kết nối điểm du lịch nông thôn; phát triển sản phẩm dịch vụ nông thôn gắn với đặc trưng vùng, miền; nâng cao năng lực tổ chức khai thác dịch vụ du lịch tại khu vực nông thôn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn với các thị trường gửi khách; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn; nâng cao năng lực quản lý du lịch nông thôn
Với các nội dung quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho du lịch nông thôn, Bộ VHTTDL đề nghị: Đối tượng hỗ trợ là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoan 2021-2025.
Nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, từ ngân sách Trung ương đề nghị bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình. Bổ sung cho các địa phương để triển khai các dự án trọng tâm của Chương trình; định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Các địa phương chủ động bố trí kinh phí cùng với kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình.
Việc lập dự toán, quyết toán các nội dung hỗ trợ du lịch nông thôn thực hiện theo quy định sử dụng ngân sách thuộc Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Nông dân, cộng đồng nông thôn sẽ là chủ thể của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp để trình ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thống nhất nội dung hỗ trợ, nguyên tắc, đối tượng, phương thức, liên quan đến việc phân bổ và quản lý nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất Bộ Tài chính đưa nội dung hỗ trợ du lịch nông thôn, các nguyên tắc và quy trình quản lý ngân sách sự nghiệp vào Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2020.
Đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn sử dụng ngân sách cấp trung ương tập trung vào các nhiệm vụ: Điều tra, khảo sát thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại 7 vùng trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn, đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu tại khu vực nông thôn; điều tra chi tiêu của khách du lịch tại khu vực nông thôn.
Hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh...
Nhiều mô hình du lịch cộng đồng hiện nay phát triển khá tốt ở các địa phương
Hỗ trợ nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch và tuyên truyền quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình khảo sát kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn với các doanh nghiệp lữ hành quy mô cấp vùng, cấp quốc gia.
Xây dựng, chuẩn hóa các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nghề du lịch cho người dân nông thôn.
Xây dựng chương trình đánh giá chất lượng điểm đến, chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn; bộ tiêu chí về công nhận điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; hướng dẫn địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ triển khai thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn quy mô cấp vùng, cấp quốc gia
Triển khai các hoạt động phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP: hướng dẫn, khai thác, đánh giá sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và hỗ trợ kết nối các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch.
Khẳng định việc phát triển DLNT không chỉ là con đường tất yếu trên nền tảng của sự phát triển NTM mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của người dân trong việc xây dựng NTM, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng mối quan hệ 2 chiều khi phát triển du lịch nông thôn sẽ giúp xây dựng NTM bền vững hơn, nâng cao chất lượng cũng như chiều sâu của NTM. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. Ngân sách sẽ tập trung hỗ trợ cho cộng đồng dân cư, người nông dân và chủ thể chính của Chương trình là người nông dân.
THÚY HÀ