A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp du lịch bàng hoàng khi được xin ý kiến về tăng phí tham quan vịnh Hạ Long

VHO- Ngày 22.10.2019, Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã gửi văn bản số 934/BQLVHL- KHTC cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch về việc xin ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Theo văn bản này, thực hiện nội dung văn bản số 7497/UBND- TM4 ngày 17.10.2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh và văn bản số 1912/SDL-KH ngày 22.10.2019 của Sở Du lịch Quảng Ninh về việc tiếp tục hoàn thiện lấy ý kiến đối với Đề án nói trên; căn cứ Điều 6, Nghị định số 120/2016/ NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Ban quản lý vịnh Hạ Long đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch tham gia ý kiến vào Dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (lần 2).

Văn bản này do Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà ký và đề nghị các ý kiến tham gia bằng văn bản đề nghị ghi rõ nhất trí hoặc không nhất trí hoặc có ý kiến khác gửi về Ban quản lý chậm nhất đến 16h30 ngày 25.10.2019. Tính đến giờ đó, ngày đó, nếu các đơn vị không có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về Ban quản lý coi như đã đồng ý với dự thảo Đề án. Tức là từ lúc văn bản được ký đến khi hết thời hạn góp ý, doanh nghiệp có 3 ngày để… suy nghĩ!

Còn trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu lưu trú trên vịnh Hạ Long đến 14h32 ngày 24.10.2019 mới nhận được văn bản. Những doanh nghiệp này có 1 ngày 2 tiếng để góp ý cho cái dự thảo Đề án mà nếu được thực hiện (từ tháng 1.2020 như trong dự thảo), nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp và đến quyền lợi của khách hàng. Cũng có thể, họ sẽ phải đền bù các hợp đồng đã ký với khách của mình. Các doanh nghiệp cũng nói thẳng quan điểm, kiểu xin ý kiến này chẳng khác nào ép doanh nghiệp “phải đồng ý”. Mà là “phải đồng ý” trên giấy trắng mực đen.

Cả làng doanh nghiệp lữ hành và tàu du lịch đang kinh doanh tour tuyến trên vịnh Hạ Long choáng váng và cho rằng đây không khác gì “Thông báo đóng cửa vịnh Hạ Long” vì mức tăng trong dự thảo quá sốc.

Trong dự thảo này, mức phí tham quan ban ngày (tàu rời bến tham quan từ 6h30 đến 16h30 cập bến) có mức tăng trung bình 22% (tỉ lệ tăng so với năm 2019); mức phí tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (thời gian lưu trú tối đa 1 đêm là 24 tiếng, thời gian lưu trú tối đa 2 đêm là 48 tiếng kể từ thời điểm xuất bến) có mức tăng trung bình là 63%.

Cụ thể là tham quan tuyến 2 và lưu trú 1 đêm tăng từ 550.000 đồng/ người/ đêm lên 950.000 đồng/ người/ đêm (tăng 73% so với hiện tại); tuyến 2 và lưu trú 2 đêm tăng từ 750.000 đồng/ người/ đêm lên 1.200.000 đồng/ người/ đêm (60%); tuyến 3, 1 đêm tuyến 4, 1 đêm, tăng từ 500.000 đồng/ người/ đêm lên 800.000 đồng/ người/ đêm (60%); tuyến 3, 2 đêm và tuyến 4, 2 đêm, tăng từ 650.000 đồng/ người/ đêm lên 1.050.000 đồng/ người/ đêm (62%).

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất bổ sung danh mục các mức thu phí theo văn bản số 1505/UBND-XD2 ngày 12.3.2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là tham quan vịnh Hạ Long ban ngày, khách được tham quan tuyến 1,2,3,4 và các điểm thuộc tuyến, mức thu 900.000 đồng/ lần/ người (chỉ thực hiện thu phí khi có đủ điều kiện phê duyệt cấp phép của cơ quan có thẩm quyền). Khách tham quan 2 ngày 1 đêm tuyến 2 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 2) thu 1.500.000 đồng/ lần/ người; tham quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 2 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 2) thu 1.700.000 đồng/ lần/ người; tham quan 2 ngày 1 đêm tại tuyến 3 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 3) thu 1.400.000 đồng/ lần/ người; tham quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 3 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 3) thu 1.600.000 đồng/ lần/ người. Mức tăng này không có ghi chú về việc thực hiện khi có đủ điều kiện cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

Các công ty du lịch đang bàng hoàng, nháo nhác hỏi thông tin từ nhau vì hiện nay nhiều công ty đã báo giá hết năm 2021 cho đối tác trong nước và nước ngoài rồi. Doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì lo sợ uy tín, công việc kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hình ảnh điểm đến của Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng vì kiểu quản lý như thế này.

Còn với khách du lịch Việt Nam, chắc sẽ không ai dám bán 2 tại thóc để mua vé tham quan vịnh Hạ Long cả”, ông Lê Văn Lên, Công ty LV Travel nói.

Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch cho biết sẽ có kiến nghị tập thể về việc tạm thời không tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long, nếu tăng cũng tăng ở mức hợp lý chứ không thể quá sốc như trong dự thảo được.

Hiện nay, chi phí vé tham quan vịnh Hạ Long đã rất cao, chiếm phần lớn trong cơ cấu giá tour và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút khách, lấp đầy buồng phòng trên tàu lưu trú, kể cả đang ở mùa cao điểm khách quốc tế. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, động thái này của Ban quản lý vịnh Hạ Long đi ngược lại quan điểm tạo môi trường kinh doanh thân thiện, uy tín; nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

THÚY HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...