A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch ĐBSCL: Tháo điểm nghẽn thế nào?

VHO- Điểm nghẽn của du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là gì? Giải quyết những điểm nghẽn đó như thế nào là vấn đề mà các đại biểu thảo luận và đề xuất các giải pháp khai thông tại Hội thảo giới thiệu sản phẩm du lịch ĐBSCL, diễn ra tại Cần Thơ ngày 30.11.

Lãnh đạo các Sở VHTTDL, HHDL đồng bằng sông Cửu Long cam kết cùng nhau xây dựng sản phẩm, liên kết phát triển du lịch

Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Cần Thơ 2019 do Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức. Hơn 300 đại biểu đại diện TCDL, thành phố Cần Thơ, Sở VHTTDL, Sở DL, HHDL các địa phương trên toàn quốc.

Sự kiện này nhằm xây dựng sản phẩm du lịch của khu vực ĐBSCL trên cơ sở khai thác các tài nguyên đặc trưng của các địa phương; tạo điều kiện để trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch của vùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời, quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ban Tổ chức hội thảo chọn “Sản phẩm du lịch” là 1 trong 3 vấn đề quan trọng của du lịch vùng ĐBSCL, bao gồm: phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và sản phẩm du lịch để thảo luận và tìm kiếm giải pháp khắc phục

ĐBSCL được đánh giá có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo. Vùng này không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển - đảo; du lịch hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP. Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê kông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng và TP.HCM đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh/ thành và các Bộ, ngành cũng đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã ký kết với nhau và với TP.HCM các chương trình hợp tác du lịch, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai thực hiện. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người ĐBSCL.

Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL còn chưa được đầu tư đúng mức, chưa được khai thác hiệu quả. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch mùa nước nổi…, dễ gây nhàm chán, phần lớn dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ, mạnh ai nấy làm.

Du lịch Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long đang đi hướng phát triển du lịch xanh, bền vững

Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch vùng chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch trong vùng ĐBSCL chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng, đặc biệt là những giá trị nhân văn, những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức.

Tại hội thảo, các Sở VHTTDL, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư du lịch vùng ĐBSCL cũng đã chia sẻ những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh mình và định hướng phát triển du lịch trong tương lai.

Doanh nghiệp du lịch và báo chí hiến kế cho du lịch ĐBSCL

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã làm rõ một số nội dung quan trọng sau: điểm nghẽn phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương và vùng ĐBSCL, rào cản nào cần ưu tiên tháo gỡ; phân tích, đánh giá về vấn đề liên kết du lịch, kết nối các sản phẩm du lịch giữa các địa phương với nhau, giữa 2 cụm du lịch phía Đông, phía Tây và vai trò trung tâm của các cụm, giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và các vùng miền khác như thế nào hiệu quả nhất, thiết thực nhất; những đề xuất, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ các điểm nghẽn, cụ thể là các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của các địa phương và vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Một số đại biểu cho rằng, không nên cố chấp để giữ cái không thể giữ được hoặc nó không còn đẹp như ban đầu nữa. Ví dụ như  chợ nổi Cái Răng, sản phẩm du lịch rất độc đáo của Cần Thơ và vùng sông nước ĐBSCL nhưng gần đây nó đã không còn nhiều hấp dẫn, việc mua bán tự nhiên của người dân không còn đông đúc như trước nữa. Trong khi đó, có thể phát triển những sản phẩm mới như việc khai thác điểm tham quan nhà công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm đàn ca tài tử Bạc Liêu, rừng chàm Trà Sư (An Giang), Khu du lịch Happyland Bến Lức Long An… Tất nhiên, những sản phẩm mới hoặc được nâng cấp phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, khai thác theo chiều sâu chứ không nên hời hợt, đại trà.

Khách du lịch tham quan nhà công tử Bạc Liêu

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền nên hoạt động du lịch của ĐBSCL đạt nhiều kết quả đáng mừng. Ước tính, năm 2019, du lịch ĐBSCL đón 47 triệu lượt khách quốc tế trong đó có 13,5 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu 40.000 tỉ đồng (tăng 6.000 tỉ đồng so với năm 2018). Tài nguyên của du lịch ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng có nét khác biệt nên là điều kiện thuận lợi để liên kết, phát triển du lịch với các địa phương khác. Việc liên kết, hợp tác phát triển là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa, thông qua hoạt động lần này, các tỉnh/ thành tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về cơ chế chính sách, mời gọi đầu tư, ổn định để phát triển du lịch nên những năm trở lại đây, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã kí kết nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh/ thành, khu vực trên cả nước. Đây cũng là điều kiện, cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến và sử dụng sản phẩm của nhau; các tỉnh/ thành phố tăng cường công tác quảng báo giới thiệu du lịch ở địa phương mình”.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực của HHDL Việt Nam cho rằng: “Việc liên kết giữa các địa phương là rất cần thiết nhưng nói gì thì nói, kết quả cuối cùng phải là lượng khách và doanh thu, tăng trưởng bền vững. Vì thế, trong các kí kết phải đặt ra mục tiêu rõ ràng là tăng bao nhiêu khách, các địa phương có gửi khách cho nhau không, có những ưu tiên gì với đơn vị kí kết? Các doanh nghiệp của địa phương kí kết có được gửi khách không và thể hiện vào công việc cụ thể cho các doanh nghiệp như thế nào chứ không thể kí kết một cách hình thức được”.

THÚY HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...