A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch golf- lợi thế mới để Việt Nam thu hút khách quốc tế

VHO- Tọa đàm “Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” do Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn FLC phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 23.11 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, khách mời.

Sân golf FLC Hạ Long, 1 trong 3 sân golf đẹp nhất thế giới

Tham dự Tọa đàm, về phía cơ quan ban ngành trung ương có Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Hà Văn Siêu; đại diện tỉnh thành phố, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh; ông Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng. Về phía đại diện các Hiệp hội có ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Phó chủ tịch Hội Golf Việt Nam, Chủ tịch Hội Golf Quảng Ninh. Về phía FLC có ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC kiêm Tổng giám đốc FLC Biscom, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways...

Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang khởi động lại việc đón khách quốc tế, những giải thưởng, danh hiệu danh giá dành cho golf Việt Nam được xem là nguồn động lực góp phần đưa du lịch Việt Nam nói chung và những điểm đến golf nổi tiếng như Quảng Ninh, Bình Định… phục hồi tích cực sau giãn cách.

Quảng Ninh cũng đang được xem là một trong những điểm du lịch golf hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam nhờ hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế có thể kể đến: FLC Golf Club Ha Long (thuộc quần thể FLC Hạ Long; sân golf Tuần Châu…

Tọa đàm du lịch golf đã nêu và đề xuất nhiều giải pháp phát triển du lịch golf

Cùng với đó, Quảng Ninh quy tụ nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn và đa dạng sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch du thuyền vịnh Hạ Long, du lịch MICE… Các sản phẩm này khi kết hợp cùng tour golf được kỳ vọng sẽ tạo thành lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Quảng Ninh, đặc biệt trong bối cảnh địa phương là một trong 5 tỉnh, thành được lựa chọn để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn 1.

Tuy nhiên, nhiều bài toán liên quan đến du lịch golf vẫn còn bỏ ngỏ. Sản phẩm du lịch golf cần thiết kế ra sao để thu hút du khách và đánh trúng những lợi thế khác biệt của du lịch Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung? Lộ trình đón khách chơi golf cần lưu ý điểm gì để vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa phù hợp với nhu cầu của du khách quốc tế? Đâu sẽ là thị trường trọng yếu cho du lịch golf tại Việt Nam và chiến lược kích cầu du lịch golf tại những thị trường này được tiến hành ra sao?...

Những nội dung nói trên đã được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm “Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” thông qua góc nhìn của lãnh đạo cơ quan quản lý, lãnh đạo các Hiệp hội; các chuyên gia về du lịch, golf cùng nhiều doanh nghiệp uy tín trong các lĩnh vực lữ hành, hàng không, quản lý và vận hành sân golf…. trên toàn quốc.

Tại phiên một, các chuyên gia tập trung phân tích làm rõ tiềm năng của du lịch golf đặt trong bối cảnh hậu giãn cách thông qua các yếu tố như lợi thế tự nhiên, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ sẵn có… Những thị trường tiềm năng và thị hiếu của du khách cũng được nhận diện để định hướng các chương trình kích cầu cho du lịch golf.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Tại phiên hai, lộ trình đón khách du lịch quốc tế và du lịch golf, đặc biệt tại điểm đến Quảng Ninh là nội dung được thảo luận. Cùng với đó là những kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp về vấn đề này. Khi Việt Nam đang cần một chiến lược hồi phục hiệu quả ngành Du lịch để không lỡ nhịp trong làn sóng du lịch toàn cầu.

Đề xuất phát triển du lịch golf Việt Nam, Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom Đỗ Việt Hùng nêu ý kiến: Với golf tour nói riêng và du lịch sử dụng hộ chiếu vắc xin nói chung, đại diện FLC mong muốn Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, đẩy nhanh chính sách mở rộng giai đoạn 2 các tỉnh được đón khách quốc tế. Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, đón khách an toàn.

Ông Hùng cũng đề nghị Hiệp hội golf Việt Nam cần hỗ trợ quảng bá kết hợp các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà còn cả khách du lịch trong nước, để tạo thêm trải nghiệm cho golfer. Với tỉnh Quảng Ninh, FLC đề xuất và mong muốn tỉnh có bộ hướng dẫn chi tiết cho các công ty lữ hành đón khách quốc tế theo chuẩn.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tuần Châu Ông Đinh Hữu Chung cũng kiến nghị Quảng Ninh cần phân loại luồng xanh du lịch, linh hoạt trong việc đón khách từ các vùng khác vào Quảng Ninh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh, hiện nay, các công ty lữ hành chỉ quan tâm nhiều tới du lịch đơn thuần, chưa đi sâu vào du lịch golf dù sân golf là tổ hợp là vui chơi, giải trí, ăn uống... và nguồn nhân lực hiện cũng bị hạn chế. Các đơn vị lữ hành cũng chưa thực sự phối hợp với nhau mà chỉ nghĩ tới cạnh tranh.

Theo ông, muốn golf vào được Việt Nam, cần giảm thuế và vai trò quyết định là của các công ty lữ hành. Bởi khâu kết nối của công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... rất quan trọng. Hiệp hội đang thí điểm chọn 1, 2 công ty lữ hành để làm công việc kết nối này. Tiếp theo, chúng ta cần phải có các giải golf với giải thưởng đủ hấp dẫn với các golfer.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, nhu cầu đi du lịch của xã hội sau thời gian dài giãn cách xã hội tăng cao, do đó, vấn đề được bàn thảo tại tọa đàm rất kịp thời. Ông đánh giá cao nỗ lực sáng kiến của FLC cùng tỉnh Quảng Ninh khi tổ chức sự kiện này.

“Du lịch golf ở Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển. Chúng ta đang có cơ hội để tái cơ cấu, làm mới ngành Du lịch trong đó, du lịch golf là sản phẩm rất hấp dẫn. Những năm qua, số lượng người du lịch, khách du lịch chơi golf khá cao. Du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại du lịch an toàn, hiệu quả và có lợi thế mà Việt Nam cần được khai thác”, ông Hà Văn Siêu nói.

Dù còn một số hạn chế về chính sách, nhận thức, điều kiện phát triển... nhưng sau buổi Tọa đàm này, Phó tổng cục trưởng cho rằng những hạn chế với du lịch golf sẽ từng bước được tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần truyền thông về du lịch golf để mọi người hiểu hơn, chơi golf và có sáng kiến, ý tưởng phát triển hình thức này.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC kiêm Tổng giám đốc FLC Biscom

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng dù trước hay sau Covid-19, sự kết nối giữa điểm đến, sân golf, hãng hàng không... là rất quan trọng. Ông ghi nhận kiến nghị của các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, cần có chính sách để thu hút khách du lịch golf đến với Việt Nam nói chung và Quảng Ninh, Hải Phòng... nói riêng.

Đối với Quảng Ninh, sau khi lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, lữ hành, hiệp hội du lịch golf... Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh cần có phương án, lộ trình, kế hoạch để kết nối với địa phương sớm và an toàn nhất. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp vào cuộc, đồng hành với chính quyền để cùng hành động, cùng tiếng nói, cùng nhau giải bài toán trong bối cảnh du lịch mới. Các doanh nghiệp cần có sự đồng hành, kết nối với nhau.

Ông Hà Văn Siêu mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông sẽ cùng ngành Du lịch, các địa phương thực hiện tốt truyền thông du lịch quốc tế, truyền thông mạnh mẽ, sâu đậm hơn về du lịch golf.

Trong khuôn khổ Toạ đàm diễn ra Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa FLC Biscom và sân golf Tuần Châu.

Việt Nam vừa tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới" do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đạt danh hiệu này, sau lần đầu tiên vào năm 2019. Vượt qua các điểm đến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, điểm đến golf tại Việt Nam với hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút và nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng.

 

 

NGUYỄN ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...