A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch nông thôn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đón đầu xu thế mới

VHO- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong lĩnh vực du lịch là “Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch”. Trong đó, hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch chăm sóc sức khoẻ; du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại các đô thị, trung tâm du lịch, các khu du lịch, điểm du lịch.

Sau dịch Covid-19, du lịch nông thôn sẽ trở thành xu thế tất yếu. Ảnh DUY DOANH

Du lịch nông thôn là xu thế tất yếu

Theo tôi, nhiệm vụ này rất sát với tình hình hiện nay khi du lịch nông thôn, nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước. Trong quá trình đô thị hoá và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở vùng đô thị. Rất nhiều, nếu không muốn nói là đa phần tài nguyên du lịch hiện nay nằm ở nông thôn và gắn với nông nghiệp, từ rừng, núi, sông, hồ đến sản xuất nông nghiệp và các làng nghề. Việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) phù hợp chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã lấy thông điệp Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và Phát triển Nông thôn” với mong muốn phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỉ USD. Tỷ lệ tăng hàng năm từ 10- 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan thư giãn, vui chơi giải trí, kinh doanh, hội họp) tăng trung bình 4%/năm.

Bản du lịch cộng đồng Pả Vi ở Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh MINH THUẦN

Hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng “tích hợp đa ngành”. Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM sẽ là xu thế tất yếu, trong mối quan hệ hữu cơ, có tác động tương hỗ lẫn nhau.

Du lịch nông thôn và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Ảnh MAI CHÂU

Trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững. Du lịch nông thôn có tác động tích cực trở lại đối với xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng.

Có thể chỉ ra một số tác động cụ thể của phát triển du lịch với việc thực hiện chính sách xây dựng NTM: Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về NTM ở nước ta đặc biệt là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, góp phần hình thành lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề… Du lịch tạo ra các nguồn thu đa dạng cho hộ nông dân bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Thông qua cung cấp dịch vụ “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng lao động sản xuất” cho du khách, người dân địa phương đã có thu nhập và được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Du lịch sẽ tạo ra việc làm “tại chỗ” cho lao động nông thôn, cả trực tiếp cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch và gián tiếp đến các hộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho du lịch, đặc biệt là cả các nhóm có khả năng khó tiếp cận thị trường việc làm như phụ nữ, người cao tuổi, người yếu thế tại nhiều vùng nông thôn Việt Nam...

Du lịch nông thôn đã tạo sinh kế cho hàng triệu người dân. Ảnh MINH THUẦN

Du lịch nông thôn còn kéo thế hệ trẻ quay về quê nhà bằng tình yêu, sự tự hào với quê hương, sống có trách nhiệm vì cộng đồng. Thông qua phát triển du lịch và tiếp xúc với du khách, người dân nông thôn được nâng cao năng lực như các kỹ năng về du lịch và giao lưu trao đổi với du khách, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết, khi khách du lịch đến thưởng thức tại vườn thì nông dân phải sản xuất khác trước, sạch hơn, an toàn hơn, trách nhiệm hơn. Tại các điểm phát triển du lịch, người dân có ý thức cao hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo lối sống văn minh, lành mạnh và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng được tốt hơn.

Du lịch và nông nghiệp phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch nông thôn tạo điều kiện khai thác các vật phẩm sản xuất tại địa phương thành hàng hóa để phục vụ du khách, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì ngành nghề truyền thống, bảo tồn các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh. Phát triển du lịch nông thôn đã tác động đến ý thức xây dựng môi trường cảnh quan văn minh, sạch sẽ; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (khôi phục lễ hội, khai thác ẩm thực, trang phục, nghệ thuật truyền thống), góp phần giao lưu văn hóa giữa các vùng, các địa phương và giữa các quốc gia; cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn được thay đổi đáng kể, trở thành những “vùng quê đáng sống”.

Du lịch nông thôn phát triển với sự tham gia của cộng đồng. Ảnh QUẢNG HÀ

So với đô thị, nông thôn không có lợi thế để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn với quy mô lớn… nhưng hoạt động du lịch đã góp phần thu hút đầu tư vào nông thôn với quy mô nhỏ, hoạt động ổn định. Để khai thác du lịch, nhiều hộ dân đã tự nâng cấp, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất sẵn có để có thể phục vụ khách du lịch. Nhiều địa phương, cá nhân, tổ chức đã đầu tư cho sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn đang từng bước trở thành một trong những nội dung cốt lõi của xây dựng NTM bền vững trong giai đoạn 2021-2025. Việc định hướng ưu tiên phát triển du lịch nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Cần cơ chế, chính sách tổng thể thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển

Đón trước xu hướng của thế giới, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững, các định hướng giải pháp phát triển du lịch nông thôn phải đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triền bền vững và có trách nhiệm. Các mô hình phát triển du lịch nông thôn phải phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.

Du lịch nông thôn giúp bảo tồn và phát huy văn hóa địa, đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương. Ảnh NGHIÊM HÙNG

Trong thời gian tới, phát triển du lịch nông thôn cần tập trung vào một số định hướng quan trọng: chính sách phát triển, tổ chức không gian, quản lý du lịch nông thôn, huy động nguồn lực, phát triển thị trường khách, phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn…. Trong đó, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch về không gian du lịch, chú trọng tới phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng. Xây dựng bản đồ du lịch nông thôn, chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền, từng địa phương trên cơ sở liên kết hình thành tuyến

Quy hoạch không gian du lịch cần chú trọng tới phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng. Ảnh TÔ BÁ HIẾU

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời, cần đánh giá và xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn như: nhà nước, cộng đồng, hộ có cung cấp dịch vụ du lịch và hộ không cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp,…

Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hạ tầng du lịch, khôi phục văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, và các tổ chức phi Chính phủ… Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa. Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP.

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp và sự quan tâm của du khách vào sản phẩm du lịch nông thôn. Ảnh QUẢNG HÀ

Tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và các doanh nghiệp du lịch đối với loại hình sản phẩm du lịch nông thôn. Xác định thị trường khách du lịch mục tiêu phù hợp với từng loại hình du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn để thành một nghề được đào tạo bài bản cho lao động nông thôn, tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện…

Trong dự thảo Chương trình hành động, ở phần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cũng chỉ rõ việc triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ NTPTNT và Bộ VHTTDL đã ký kết. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, nếu thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy phát triển nông thôn mới bền vững đồng thời góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

NGUYỄN MINH TIẾN

Cục trưởng, Chánh văn phòng Nông thôn mới Trung ương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...