Du lịch Tây Bắc sẵn sàng đón khách sau kỳ “ngủ đông” quá dài
Lễ phát động kích cầu du lịch Tây Bắc tại Hà Nội thu hút đông đảo doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí
HHDL Việt Nam mong muốn, qua chương trình sẽ thúc đẩy việc khai thác tiềm năng to lớn về du lịch của Tây Bắc, góp phần từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc tại đây. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng trên thế giới nhưng đã được kiểm soát tốt ở Việt Nam, Chương trình kích cầu sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế các tỉnh Tây Bắc, lấy du lịch làm sinh kế mới cho người dân tại các tỉnh Tây Bắc.
Chương trình Kích cầu du lịch nội địa tại các tỉnh Tây Bắc cũng nhằm kêu gọi sự tham gia của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp du lịch cùng đồng hành để xây dựng các sản phầm du lịch độc đáo. Đối với vùng Tây Bắc, bên cạnh cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ, sự chân thành và mến khách của các đồng bào các dân tộc sẽ góp phần tạo ra nét riêng thu hút du khách trong và ngoài nước tới thăm quan và thưởng thức tại đây. Đồng thời Chương trình vận động các doanh nghiệp du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ tiếp tục thực hiện việc giảm giá nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để tạo điều kiện thu hút khách du lịch tới các vùng Tây Bắc.
Lãnh đạo TCDL, HHDL Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch của các tỉnh Tây Bắc, Ban Chỉ đạo hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ cùng với hơn 150 doanh nghiệp du lịch, báo chí trên cả nước đã tham gia lễ phát động.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng TCDL nhấn mạnh, khu vực Tây Bắc mở rộng là một vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Đây là nơi được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, sở hữu văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Việc khai thác tiềm năng to lớn về du lịch Tây Bắc, không những chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng mà còn góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc tại đây, lấy du lịch làm kế sinh nhai mới cho người dân.
Màu sắc văn hóa đa dạng là thế mạnh phát triển du lịch của vùng Tây Bắc
“TCDL đánh giá cao kết quả hợp tác liên kết phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong những năm qua và đặc biệt hoan nghênh sáng kiến của HHDL Việt Nam cùng các tỉnh Tây Bắc trong việc tổ chức Chương trình kích cầu du lịch nội địa này”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói
Cũng theo bà Hương, du lịch nội địa một lần nữa trở thành cứu cánh cho du lịch Việt Nam phục hồi. Để đảm bảo sự thành công của Chương trình chúng ta cần lưu ý đến nhu cầu, sở thích của khách du lịch nội địa cũng có những thay đổi sau dịch bệnh. Cụ thể khách du lịch ưu tiên lựa chọn những chuyến đi ngắn ngày, bằng phương tiện cá nhân, theo nhóm bạn bè hoặc gia đình, khám phá vẻ đẹp của đất nước ở những vùng đất hoang sơ là những xu thế, thị hiếu du lịch rất thích hợp tác với các tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Ông Nguyễn Văn Chương, phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cho biết: “Tây Bắc sở hữu cho mình một thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng. Đặc biệt nơi đây tập trung nhiều cảnh quan hấp dẫn, đa dạng như: Đỉnh Fansipan- Nóc nhà Đông Dương, thị trấn Sapa quanh năm mát mẻ, danh lam thắng cảnh Mù Cang Chải, khu di tích lịch sử Nghĩa Lộ, thung lũng Mai Châu... Đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển, đẩy mạnh các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó là những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc như Mường, Thái, Mông, Kinh, Tày, Hoa, Khơ Mú, Dao cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên là một tài nguyên quý giá của vùng”.
Tây Bắc đã hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19
“Các tỉnh Tây Bắc xác định, chương trình kích cầu lần này là một chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy du lịch của vùng. Hiện các cơ sở lưu trú, di tích lịch sử, các điểm tham quan của 8 tỉnh Tây Bắc đã mở cửa trở lại, sẵn sàng đón du khách. Ngoài việc đẩy mạnh truyền thông về các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, hầu hết doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều gói ưu đãi, khuyến mại, cam kết giảm giá, giữ vững chất lượng dịch vụ. Điều này thể hiện sự chung tay của các doanh nghiệp lữ hành nhằm từng bước vượt qua những khó khăn”, ông Nguyễn Văn Chương chia sẻ.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam cho biết: "Kích cầu du lịch nội địa thời gian này đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ của toàn ngành Du lịch, góp phần lớn khôi phục du lịch sau dịch Covid-19, hứa hẹn mang lại các kết quả tốt đẹp cho du lịch Việt Nam. Các tỉnh Tây Bắc là một khu vực còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng Tây Bắc là nơi giàu tài nguyên du lịch (cả thiên nhiên và văn hóa), vì thế, việc hồi phục, phát triển du lịch trở lại sẽ là một con đường nhanh nhất tạo động lực phát triển cho vùng đất này"
Ngay sau lễ phát động, lãnh đạo HHDL Việt Nam, HHDL TP.HCM, HHDL Đà Nẵng và hơn 150 doanh nghiệp du lịch cả ba miền Bắc- Trung- Nam, đại diện các cơ quan báo chí đã tham gia chương trình khảo sát, kích cầu du lịch các tỉnh Tây Bắc. Chương trình kéo dài từ ngày 12-16.6.
THÚY HÀ- ĐINH THAO