A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc

VHO- Tối 23.10, UBND tỉnh Sơn La đã khai mạc chương trình "Sắc màu Sơn La- Tây Bắc" tại khu vực nhà Bát Giác và Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các sở, ngành thành phố Hà Nội, Sơn La và một số địa phương; đông đảo người dân, doanh nghiệp đã tham dự chương trình.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và tỉnh Sơn La tham quan các gian trưng bày sản phẩm trong chương trình "Sắc màu Sơn La Tây Bắc" tại thủ đô Hà Nội. Ảnh THÀNH QUYÊN

Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km, Sơn La có  vị trí địa lý tương đối thuận lợi và nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh Sơn La đã có 21 nông sản, thực phẩm được bảo hộ thương hiệu; 147 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Sơn La cũng đã xây dựng được hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng với nét văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc... để phục vụ du khách. Năm 2019, Sơn La thu hút được hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 113 nghìn lượt khách quốc tế, tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt hơn 1.900 tỷ đồng.

Tại sự kiện này, các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản sạch đặc trưng của các tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang đã được giới thiệu ở 30 gian hàng; trưng bày 50 ảnh đẹp du lịch Sơn La nhằm quảng bá tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa Sơn La.

Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch "Trải nghiệm sắc màu Sơn La" nhằm đẩy mạnh liên kết du lịch tỉnh Sơn La với các công ty lữ hành Hà Nội và hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch lần 2.

Đánh giá Sơn La có nhiều tiềm năng điểm đến hấp dẫn du khách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cho biết, bước đầu tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của mình như: Du lịch cộng đồng, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm...

Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch Sơn La là liên kết tour, tuyến giữa Sơn La với các tỉnh chưa hiệu quả. Cơ sở hạ tầng vào khu, điểm du lịch, bản du lịch còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được sự phát triển và nhu cầu đi lại của du khách. Sản phẩm du lịch đang trong giai đoạn hình thành nên đến giờ tỉnh Sơn La chưa có một khu, điểm, bản du lịch nào hoàn thiện, đủ điều kiện  đạt chuẩn theo qui định. Nguồn nhân lực còn thiếu rất nhiều và chưa chuyên nghiệp, thiếu nhiều nhất là hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn...

Các đơn vị ký cam kết hợp tác du lịch giữa Hà Nội và Sơn La. Ảnh THÀNH QUYÊN

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2020 của tỉnh bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng phải ngừng hoạt động.

Để từng bước khôi phục sau đại dịch và phát triển trong thời gian tới, tỉnh đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đầu tư phát triển các khu, điểm, bản du lịch, nhà hàng, khách sạn; hình thành hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp, khác biệt, đẳng cấp và tinh hoa. 

Đẩy mạnh liên kết phát triển các tour, tuyến liên tỉnh mà tỉnh có thế mạnh như: Hà Nội - Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - thành phố Sơn La - Biển hồ Thủy điện Sơn La - Mường La - Yên Bái; Hà Nội - Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu - thành phố Sơn La - Biển hồ Thủy điện Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái; Hà Nội - Yên Bái - thành phố Sơn La - Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Hà Nội...

Nhiều sản phẩm nông sản của Sơn La thu hút du khách Hà Nội. Ảnh HỮU THẮNG

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV (2020-2025) cũng đã xác định phát triển du lịch là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Đề án phát triển Du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển du lịch Sơn La trong những năm tới, với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập quốc tế. Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành đều khẳng định Sơn La là vùng đất có nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, độc đáo, riêng biệt nhưng việc khai thác du lịch hiện nay chưa xứng tầm, liên kết trong phát triển du lịch chưa hiệu quả. Để hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Sơn La chuyên nghiệp hơn, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, tăng tính kết nối giữa các đơn vị lữ hành và điểm đến... Đồng thời, tập trung vào các giải pháp liên kết, kết nối, xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới… để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của Sơn La và các địa phương trong vùng và toàn quốc. 

Sau thảo luận tại Hội nghị, Sở VHTTDL Sơn La với Sở Du lịch Hà Nội; Hiệp hội du lịch Sơn La với Hiệp hội du lịch Hà Nội; Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội với UBND các huyện, thành phố của Sơn La và các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Sơn La đã ký cam kết hợp tác du lịch nhằm đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc.

NGUYỄN ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...