Hà Nội đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt trên 35 nghìn tỉ đồng
Thông tin này vừa được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2022 của Sở Du lịch Hà Nội. Dự hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực và chịu thiệt hại nặng nề. Lượng khách du lịch giảm mạnh, trong năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (chỉ bằng 53% so với năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 23%, giảm 7% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỉ đồng (bằng 40% năm 2020 và đạt 23% kế hoạch đề ra).
Trước bối cảnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã kịp thời tham mưu UBND thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch, kịch bản phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô. Trong đó, tham mưu UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết mới về "Phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo"; tham mưu Thành phố ban hành, triển khai Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” năm 2022-2023; tham mưu UBND thành phố đề xuất định hướng phát triển du lịch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 vào các quy hoạch của Thành phố; tham mưu để Thành phố triển khai Quy chế phối hợp quản lý cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố...
Các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp du lịch đã xây dựng nhiều sản phẩm mới đáp ứng đa nhu cầu của du khách như: Tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá phố cổ Hà Nội và các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tăng sức hấp dẫn với du khách…
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ và các chương trình du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch… đều được ngành du lịch Thủ đô chú trọng, đầu tư và phát triển.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Du lịch Thủ đô thời gian qua trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, mục tiêu đặt ra cho năm 2022 đã thể hiện sự quyết tâm lớn, nỗ lực vượt khó, phát triển linh hoạt, an toàn, bền vững của Du lịch Thủ đô.
Tổng cục trưởng cho biết, 2 năm qua, Du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, đã có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt cho ngành Du lịch. Vì vậy, du lịch nhanh chóng hồi phục và phát triển trở lại một cách bền vững chính là nhiệm vụ mang tính cấp bách cần phải triển khai ngay từ bây giờ.
Trong năm 2022, ngành Du lịch Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy trình đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch. Tiếp tục tham mưu UBND Thành phố đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh. Ban hành, triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa. Với việc thí điểm đón khách quốc tế, Tổng cục trưởng kỳ vọng với những nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương tiếp theo triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin”. Bên cạnh đó, Du lịch Hà Nội cũng cần tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá.
Du lịch văn hóa, thiên nhiên là thế mạnh của du lịch Hà Nội. Trong ảnh: Khách du lịch tới Ba Vì mùa hoa dã quỳ
Về lâu dài, Du lịch Thủ đô cần chuẩn bị ngay từ bây giờ các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch có thế mạnh của Hà Nội như văn hóa, thiên nhiên… Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tạo thuận lợi cho du khách khi đi du lịch. Đặc biệt chuyển đổi số trong ngành Du lịch đang là xu thế tất yếu, vì vậy Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động du lịch liên quan đến chuyển đổi số, phát triển du lịch “không chạm”…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Du lịch Thủ đô tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó cần rà soát lại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển các khu, điểm du lịch chuyên đề ở khu vực nội thành và ngoại thành. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thủ đô cần tập trung cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư vào các dự án du lịch tiềm năng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông…
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2022, trước mắt, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế như: Lễ hội du lịch - văn hóa ẩm thực, Lễ hội quà tặng du lịch, Festival áo dài Hà Nội; tổ chức tuyển chọn đại sứ Du lịch Hà Nội và bài hát dành cho Du lịch Hà Nội…
ĐẶNG THÁI, ảnh THU THỦY