Hé lộ "thực đơn" các tour "Du lịch xanh" chuẩn bị đón khách
Đẩy mạnh du lịch nội địa giữa các vùng xanh lúc này sẽ giúp doanh nghiệp du lịch hồi sinh. Ảnh MINH CHUYỂN
Hành trình xanh kết nối điểm đến xanh
Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Chủ tịch CLB Du lịch bền vững Vgreen: “Với mong muốn thúc đẩy du lịch nội địa, Chiến dịch Xanh- Xanh bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (hay còn gọi là "vùng xanh"). Trước mắt, khi các đường bay nội địa cũng chưa mở lại, Chiến dịch sẽ kết nối tour, tuyến đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. Chiến dịch gồm "5 xanh": thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Đây là các tour du lịch khép kín, được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Du khách và các cá nhân tham gia đều cần tiêm vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2”.
Các doanh nghiệp và địa phương cho rằng việc đẩy mạnh du lịch nội địa giữa các “vùng xanh” lúc này sẽ giúp doanh nghiệp “hồi sinh”, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch gần như đã kiệt quệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Phùng Quang Thắng nhận định: Chắc chắn thời gian tới hoạt động du lịch không thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát cùng các điều kiện để hoạt động. Tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch như: lữ hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… đều phải tuân thủ các điều kiện, tiêu chí này. Các cơ quan quản lý tại địa phương sẽ cấp phép và giám sát để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Hiện nay, Hội Lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp Hanoitourist, VietFoot Travel, Vietrantour, Asia Sun Travel đã xây dựng một số sản phẩm du lịch an toàn để thí điểm đón khách. Phương án tổ chức những sản phẩm du lịch này đã được gửi tới các địa phương và mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện chạy thử một số tour vào tháng 10, 11 tới. Trong đó, Hanoitourist giới thiệu 5 sản phẩm: tour caravan di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm - Làng cổ đất hai Vua (Hà Nội), Hoa Lư - Cố đô nghìn năm (Ninh Bình), Đông Tây Bắc - Tuyệt tác vùng cao và Sa Pa- Vừa quen vừa lạ; tour mùa thu đến Bình Liêu, Yoko Quang Hanh (Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La) hay Long Cốc và vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); du lịch MICE; dịch vụ homestay và dịch vụ khách sạn an toàn.
Các tour xe đạp vòng quanh Hà Nội hoặc tới các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc đã sẵn sàng phục vụ khách nội địa. Ảnh NGHĨA PHẠM
VietFoot Travel xây dựng và sẵn sàng khai thác tour đạp xe, phù hợp với mọi lứa tuổi và xu hướng du lịch gắn liền bảo vệ sức khỏe, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc VietFoot Travel cho biết: "Cụ thể sẽ có tour xe đạp vòng quanh Hà Nội kéo dài nửa ngày, tham quan các di tích, kiến trúc cổ nổi tiếng thành phố. Ngoài ra, Vietfoot Travel cũng sẽ khai thác các tour xe đạp đường dài đi Piềng Vế (Hòa Bình)- Pù Luông (Thanh Hóa); Hà Nội- Ninh Bình- Nam Định; Hà Nội- Hà Giang để du khách tham gia những cung đường xanh, rèn luyện sức khỏe và vượt qua những thách thức, khám phá giới hạn bản thân".
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội qua kinh nghiệm nhiều lần kích cầu cho rằng cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ, điểm đến, chính quyền và cơ quan quản lý, tổ chức hiệp hội thì sẽ tạo ra những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và đáp ứng nhu cầu của du khách. Mặc dù năm 2020, hàng loạt sản phẩm du lịch kết nối Hà Nội với Quảng Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ... đã được triển khai, cũng đã có các tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch, tuy nhiên việc phục hồi du lịch lần này không còn như trước nữa mà thay đổi.
"Trong giai đoạn mới này cần tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, an toàn với du khách an toàn, lộ trình di chuyển an toàn, lưu trú an toàn, vui chơi- giải trí an toàn. Cần phải sớm liên kết được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng này với nhiều gói sản phẩm để giới thiệu tới du khách. Những đơn vị, điểm đến không đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 sẽ không được phép hoạt động", ông Trần Trung Hiếu nói.
Với Chiến dịch Xanh- Xanh, ông Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo diễn biến dịch Covid-19, trong đó có hoạt động du lịch. Sở đã có chủ trương xây dựng điểm "lưu trú xanh" dành cho khách cách ly tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai việc kết nối các "điểm du lịch xanh" với sự tham gia của những "doanh nghiệp lữ hành xanh" để thực hiện "hành trình du lịch xanh" cho du khách đủ điều kiện về tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19.
Du lịch caravan bằng xe tự lái, đi theo đoàn có kiểm soát được cho là rất thích hợp thời điểm này. Ảnh QUẢNG HÀ
Cần sự vào cuộc của các địa phương
Hiện nay, sau khi người dân được tiêm vắc xin tăng cao, nhu cầu du lịch trở lại của người dân cũng tăng cao nên việc tổ chức các chương trình du lịch theo đường bộ từ Hà Nội tới các địa phương đang là "vùng xanh" sẽ thành công, nếu có sự hỗ trợ và đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố.
Nhiều công ty lữ hành tại Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và sản phẩm để bắt đầu cho chiến dịch và giai đoạn du lịch an toàn mới. Nhân sự đã tiêm vắc xin, sản phẩm đã được xây dựng cùng phương án tổ chức an toàn. Với diễn biến phức tạp của đợt dịch này, các đơn vị kinh doanh du lịch xác định hoạt động du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn và cần tìm giải pháp phù hợp trong bối cảnh tình hình mới khi dịch có thể vẫn kéo dài, còn xuất hiện những ca F0 và sống chung là cách duy nhất để tồn tại.
“Tuy nhiên du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quy định giãn cách, phòng, chống dịch quan trọng là địa phương nào sẵn sàng đón khách. Bên cạnh đó, trên các tuyến du lịch giữa các vùng xanh có thể phải đi qua vùng đỏ hoặc có những vùng xanh chưa đón khách vì vậy rất cần sự chính quyền tại các vùng xanh, vùng đỏ có cơ chế hỗ trợ khi đoàn đi qua" - ông Phùng Quang Thắng nói.
Hội Lữ hành Hà Nội cũng đề nghị sau khi hoàn thiện sản phẩm, tour du lịch thì các địa phương sẽ chủ động quảng bá tới người dân, khách du lịch vì doanh nghiệp du lịch đến nay không còn nguồn lực nữa, khó khăn trong việc quảng bá chương trình mới. Các địa phương cũng cần có cơ chế linh hoạt trong ban hành chính sách, thiết lập kênh thông tin nhanh chóng, chính xác tới doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh thay đổi liên tục như hiện nay.
Hà Giang sẵn sàng đón khách từ tháng 10. Ảnh T.L
Nhấn mạnh vai trò của các địa phương, bà Lê Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty Asia Sun Travel cũng nêu ý kiến, các địa phương không nên chờ đợi mà cần chủ động trong chiến dịch đón khách an toàn, doanh nghiệp du lịch lúc này khó có thể “tự bơi” vì nguồn lực đã cạn kiệt. Theo bà Thảo, các địa phương có du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động du lịch, nhân viên các đơn vị cung ứng dịch vụ, nhân viên tại các điểm đến du lịch để hoạt động du lịch khởi động an toàn khi được phép.
Từ phía địa phương, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: “Việc khôi phục hoạt động du lịch cần thí điểm một số tour tại một số địa phương và do Bộ VHTTDL đứng ra chủ trì, ban hành các tiêu chí chung cho doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, lưu trú…, nếu không sẽ vướng rất nhiều rào cản. Ví dụ, du khách có thể bị cách ly khi đến địa phương khác hoặc quay về nơi cư trú nếu dịch bệnh bất ngờ bùng phát. Những chuẩn bị của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội là cơ sở để địa phương cân nhắc thêm phương án phối hợp, phục hồi du lịch”
Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang đề xuất, các bên liên quan cần thống nhất về một kịch bản mới để phục hồi du lịch. Ngành Du lịch Hà Giang đã xác định tập trung thu hút khách nội địa và tập trung xây dựng sản phẩm cho thị trường này. Dự kiến, Hà Giang sẽ đón khách nội địa đủ điều kiện vào tháng 10 này. Chúng tôi cũng đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch trong tỉnh rà soát, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn để sẵn sàng đón khách. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội và cả nước đưa khách tới Hà Giang. Tương tự, các địa phương muốn thu hút du khách thì cũng phải đặt ra các tiêu chí, mục tiêu cụ thể và quyết tâm làm.
Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách cụ thể hơn trong việc liên kết, công bố danh sách những đơn vị cung cấp dịch vụ tại điểm đến được phép đón khách để thuận tiện trong việc kết nối, hợp tác xây dựng sản phẩm, phục vụ khách, tạo sự yên tâm cho du khách.
NGUYỄN ANH