A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn viên du lịch nhận hỗ trợ Hồ sơ cần những gì?

VHO- Tính đến chiều 19.8, có gần 1.400 hướng dẫn viên trên cả nước đã được xét duyệt hồ sơ hoặc nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hướng dẫn viên nhận hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hàng nghìn hướng dẫn viên trên cả nước đã nhận kinh phí hỗ trợ

Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị này đang khẩn trương hướng dẫn và xem xét hồ sơ đủ điều kiện của các hướng dẫn viên du lịch gặp khó để giúp đối tượng này nhanh chóng nhận hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Lượng hồ sơ mà Sở Du lịch Hà Nội nhận được đến chiều 19.8 là hơn 40. Trong đó 36 hồ sơ đã thẩm định xong, 20 hồ sơ đủ tiêu chuẩn đã có quyết định nhận hỗ trợ theo quy định. Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, các cơ quan hành chính thực hiện làm việc trực tuyến, luân phiên nên lượng hồ sơ nộp chưa nhiều. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm cuộc điện thoại của các hướng dẫn viên liên quan đến việc này gọi đến Sở, đều được hướng dẫn, giải đáp cụ thể.

Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có những hướng dẫn trực tuyến trên website của Sở để các hướng dẫn viên dễ dàng hoàn thiện hồ sơ. Theo đó, các hướng dẫn viên cần nghiên cứu kỹ thủ tục hướng dẫn đã đăng tải trên website của Sở cũng như những yêu cầu của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để hoàn thiện đầy đủ và đúng hồ sơ. Điều này sẽ giúp cho việc thẩm định và giải quyết các chế độ chính sách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Cho biết đã có khoảng 300 hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng nói: “Sự hỗ trợ này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên của Nhà nước với đội ngũ những người làm du lịch trong lúc khó khăn hiện nay, giúp giữ chân lực lượng lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao. Hơn 3.000 hội viên của chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để nhận hỗ trợ”.

Rất nhiều tỉnh, thành khác như: Bình Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Cần Thơ, Sơn La, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bà Rịa- Vũng Tàu, Gia Lai… đã nhận hồ sơ, duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ cần phải có đủ điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa... Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 3.710.000 đồng/người bằng phương thức chi trả một lần.

Hướng dẫn viên du lịch không phải nộp các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là thủ tục hành chính cấp tỉnh mới ban hành trong lĩnh vực du lịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTTDL. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31.1.2022.

Nội dung cụ thể, trình tự thực hiện thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như sau:

Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/ Sở VHTTDL/ Sở VHTTTDL (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh) nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 1 năm 2022.

Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cách thức thực hiện: Gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Du lịch/ Sở VHTTDL/ Sở VHTTTDL

Thành phần, số lượng hồ sơ gồm: Giấy Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây:

1 bản hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ;

1 bản hợp đồng lao động với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ;

Thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch được thành lập theo đúng quy định của pháp luật còn thời hạn sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch còn thời hạn sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ.

Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch chưa được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ tại địa phương năm 2021.

Trường hợp không có đủ hồ sơ, người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động của địa phương

Liên quan đến vấn đề này, Bộ VHTTDL vừa biên soạn những nội dung hỏi đáp liên quan đến chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi đến Bộ Lao động - thương binh và xã hội để nghiên cứu, tổng hợp.

Những câu hỏi thường gặp mà Bộ VHTTDL biên soạn liên quan đến đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch.

Hỏi: Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm những giấy tờ gì?

Đáp: Hướng dẫn viên du lịch chỉ phải chuẩn bị hồ sơ gồn 2 loại giấy tờ: (1) Giấy đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; (2) Bản sao hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch không phải nộp các giấy tờ chứng minh bị ảnh hưởng, bị ngưng việc hoặc bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; không phải nộp các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Hỏi: Hợp đồng lao động là loại hợp đồng nào? Hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour, hợp đồng công tác veien có được hỗ trợ không? Nội dung hợp đồng không đầy đủ có được hỗ trợ không? Nội dung bảo hiểm xã hội có phải ghi trong hợp đồng lao động không?

Đáp: Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch là nghề có điều kiện, để được hành nghề, hướng dẫn du lịch, người lao động cần đáp ứng 3 yêu cầu sau:

  1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
  2. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;
  3. Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Điều 31 và Điều 33 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định hướng dẫn viên du lịch phải có hợp đồng lao động.

Bộ Luật Lao động không quy định mẫu hợp đồng lao động nhưng có quy định những nội dung chủ yếu phải có trong hợp đồng lao động (Điều 23 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13; Điều 21 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14):

  1. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  2. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD, CMTND hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.
  3. Công việc và địa điểm làm việc;
  4. Thời hạn của hợp đồng lao động;
  5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  6. Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  7. Thời giờ làm việc. thời gian nghỉ ngơi;
  8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
  9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp
  10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề

Bộ Luật Lao động cũng quy định người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết một trong các loại hợp đồng lao động:

Hợp đồng lao động ký trước ngày 1.1.2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18.6.2012 bao gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Việc ký hợp đồng lao động nào thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 22 Bộ Luật Lao động năm 2012.

Hợp đồng lao động ký từ ngày 1.1.2021 thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20.11.2019 bao gồm hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Việc ký loại hợp đồng nào thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ Luật Lao động năm 2019.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, hướng dẫn viên du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động thì đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Căn cứ các quy định trên: Các loại hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng theo chuyến tour, hợp đồng cộng tác viên có đủ nội dung theo quy định của Bộ Luật Lao động là hồ sơ hợp lệ để được nhận hỗ trợ. Nội dung bảo hiểm xã hội là nội dung bắt buộc ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và pháp luật hiện hành tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu hướng dẫn viên du lịch phải bổ sung thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài 2 loại giấy tờ trên, phải tích cực hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp không có đủ hồ sơ, người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động của địa phương.

THÚY HÀ, ảnh BÌNH THUẬN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...