A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai trương hai làng du lịch sinh thái cộng đồng ở miền Trung

VHO- Làng Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Ta Lang (huyện Tây Giang) và Làng Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng A Nôr (huyện A Lưới) vừa được UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; Sở VHTTDL Quảng Nam, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Dự án Trường Sơn Xanh thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ khai trương và Hội thảo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện hoạt động “Xây dựng Kế hoạch và chiến lược du lịch sinh thái vùng; Mô hình thí điểm tại các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế”.

Khai trương Làng Du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Từ tháng 5.2018- 12.2019, Dự án Trường Sơn Xanh của USAID đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế xây dựng thành công Kế hoạch phát triển Du lịch sinh thái (DLST) vùng Quảng Nam- Thừa Thiên Huế. Kế hoạch này được xây dựng nhằm mục tiêu thiết lập mạng lưới các điểm DLST, có tính đột phá trong việc tạo ra lợi ích, bảo tồn đa dạng sinh học, thiên nhiên và văn hóa, đặc biệt là các điểm đến DLST đặc thù tại các Khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia của khu vực Trung Trường Sơn thuộc tỉnh QN và TT Huế. Quan trọng nhất là đạt được các mục tiêu cải thiện sinh kế, phát huy tối đa lợi ích cho cộng đồng, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách du lịch và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học thông qua giáo dục và hiểu biết về môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương.

Khai trương Làng Du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang (huyện Tây Giang, Quảng Nam)

Nhằm đánh giá tiềm năng của mô hình sinh kế này, Dự án cũng đã lựa chọn và hỗ trợ triển khai tại mỗi tỉnh một mô hình DLST cộng đồng thí điểm. Với những đặc trưng về vị trí địa lý và văn hóa kết hợp với định hướng phát triển DLST từ chính quyền địa phương, Dự án Trường Sơn Xanh của USAID tài trợ đã lựa chọn thôn Ta Lang, xã Bhalêê, huyện Tây Giang là mô hình thí điểm DLST dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam và thôn A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới là mô hình thí điểm DLST dựa vào cộng đồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo nghiên cứu và khảo sát thực tế, cộng đồng địa phương tại thôn Anôr sinh sống rất gần rừng là vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền còn thôn Ta Lang sinh sống trong khu vực vùng đệm của Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam. Sinh kế chính của người dân chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng khiến cuộc sống bếp bênh và dễ bị tổn thương trước thiên tai, kết hợp với tập quán canh tác kém bền vững như phát rừng làm rẫy, khai thác gỗ và săn bắn thú rừng, tạo ra nhiều tác động tiêu cực lên hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học trong khu vực.

Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được cho là phù hợp với làng Ta Lang và các làng ở vùng núi cao Quảng Nam

Chính vì thế DLST cộng đồng là một mô hình có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội dựa trên sự tham gia của cộng đồng địa phương, duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, đồng thời góp phần giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, rất phù hợp để phát triển tại các khu vực vùng đệm của các Khu bảo tồn và vườn quốc gia.

Trong khoảng thời gian từ tháng 8- 10.2019, Dự án Trường Sơn Xanh của USAID đã phối hợp cùng đối tác là Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tổ chức 5 khóa tập huấn và một chuyến thăm quan học tập nhằm trang bị, nâng cao toàn diện hiểu biết và kỹ năng liên quan đến dịch vụ du lịch cho ban lãnh đạo và các thành viên thôn Ta Lang và thôn A Nôr.

Bà con của làng A Nôr bắt đầu làm du lịch cộng đồng

Khoảng 60 học viên (50% nữ giới) là cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn và thành viên Ban Quản lý mô hình DLST cộng đồng của 2 làng nói trên đã tham gia vào các lớp tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng và kỹ năng quản lý, vận hành điểm du lịch cùng với một chuyến thăm quan học tập tại Quảng Bình. Kết hợp với đó, các tổ nhóm chuyên trách như tổ Dịch vụ và trải nghiệm; tổ Nghệ nhân và sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tổ An ninh trật tự và vệ sinh môi trường) trong đó, nữ chiếm khoảng 60% cũng được trau dồi các kỹ năng về dịch vụ du lịch. Sau khi được tập huấn các kỹ năng trình diễn văn nghệ truyền thống, kinh doanh lưu trú tại nhà dân (homestay), tiếp đón khách, kỹ năng hướng dẫn du lịch và kỹ năng marketing du lịch, quảng bá điểm đến, đảm bảo các nhóm DLST cộng đồng có thể tự vận hành sau khi hoàn thành mô hình thí điểm.

Góp sức với những nỗ lực của Dự án Trường Sơn Xanh của USAID và VCTC, chính quyền địa phương huyện Tây Giang cũng đã đầu tư 300 triệu đồng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông và cột điện, và nhà Gươl của thôn, Ta Lang đã trông khang trang và sạch hơn để sẵn sàng đón tiếp các du khách đến trải nghiệm và khám phá.

Trong khi đó, trong năm 2019, xã Hồng Kim, huyện A Lưới đã đầu tư 3,2 tỉ đồng vào hạng mục xây dựng, nâng cấp đường giao thông và bãi để xe, hình thành cơ sở hạ tầng thuận tiện hơn để đón khách du lịch.

Theo kế hoạch phát triển DLST vùng, mô hình thí điểm tại làng A Nôr và Ta Lang sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, góp phần nâng cao khả năng nhân rộng thành công của mô hình này ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

ANH VŨ; ảnh: MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...