A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khám phá Tây Nguyên hùng vĩ: Bài 3- Giải pháp nào đưa giấc mơ phát triển du lịch huyện KBang thành hiện thực?

VHO- Mặc dù có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng thực tế hiện nay là khách du lịch chưa biết nhiều về Kbang (tỉnh Gia Lai) và những giá trị văn hóa nổi bật, những cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc của mảnh đất này. Cộng đồng dân cư bản địa chưa được hưởng lợi nhiều từ “ngành công nghiệp không khói” và rất ít người dân tham gia làm du lịch.

Người dân chưa biết cách làm và được hưởng lợi nhiều từ du lịch

Vậy làm sao để địa phương và người dân khai thác, sử dụng và đưa các di sản, các danh lam thắng cảnh đặc sắc hiện có ra giới thiệu với khách du lịch một cách hiệu quả, phát triển kinh tế du lịch tương xứng với giá trị tài nguyên nhân văn và tài nguyên thiên nhiên mà huyện Kbang đang nắm giữ?

Trải nghiệm du lịch ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Giai đoạn 2017- 2020, khách du lịch đến Gia Lai tăng trung bình 18,2%/ năm tổng thu du lịch bình quân đạt 7,1%/ năm, các chỉ tiêu này không đạt so với kế hoạch đề ra là đạt 20- 25%/ năm. Sự sụt giảm này một phần do ảnh hưởng dịch Covid-19 năm 2020. Ở huyện Kbang, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện, trong 2 năm kể từ khi triển khai kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện đã có trên 670 đoàn khách, trong đó có 186 đoàn khách có đăng ký tham gia các tour tham quan, du lịch, còn lại là các đoàn khách tự do với số lượng khoảng 15.000 người/ năm.

Sau 2 lần tổ chức Ngày hội du lịch đã có trên 35.000 lượt người đến với Kbang, trên 150 sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu và bán cho du khách tại Ngày hội, hơn 28.000 lượt người đến tham quan, dã ngoại tại các điểm du lịch... doanh số các sản phẩm bán ra trên 4,8 tỉ đồng. Sau Ngày hội du lịch lần thứ I năm 2018, các HTX nông nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, các trang trại sản xuất nông nghiệp được hình thành, đầu tư và phát triển; sản phẩm được đa dạng về mẫu mã, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm thu hút khách du lịch làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Mô hình làng du lịch cộng đồng được hình thành, các nghề truyền thống được khôi phục như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề làm rượu cần... được đồng bào dân tộc địa phương quan tâm, cộng đồng người dân tộc Bahnar biết sử dụng sản phẩm truyền thống của dân tộc mình để mua bản tăng thu nhập cải thiện đời sống.

Hiện nay, du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn toàn tỉnh, huyện Kbang cũng đã đưa ra kế hoạch số 260 /KH – UBND ngày 18.3.2020 về việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 – 2025. Đây là một kế hoạch tổng hợp mang tính chất là kim chỉ nam để huyện Kbang đầu tư phát triển du lịch một cách đồng bộ gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của cả nước mà huyện Kbang là một huyện điểm trong chương trình này.

Thác K50, nàng thơ giữa đại ngàn Tây Nguyên ở Kbang

Để phục vụ du lịch, huyện Kbang đã hoàn thành các tuyến đường giao hoa Vườn Mít- cánh đồng Cổ Hầu, Khu căn cứ cách mạng- Khu 10, xã Krong, Làng kháng chiến Stơr, đường giao thông đến thác hang Dơi, thác 50 Kon Chư Răng... đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.

Kbang cần xây dựng những chương trình, mô hình du lịch cơ bản và đặc trưng

Huyện cũng đã triển khai và cụ thể hóa kế hoạch phát triển du lịch thành các kế hoạch thành phần như: “Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang giai đoạn 2016-2020”, “Kế hoạch xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, “Kế hoạch lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn địa lý đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện Kbang”, “Kế hoạch tổ chức quản lý, khai thác du lịch tại Làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung" để bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, làm cơ sở để xây dựng môi trường du lịch an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng các nhà sàn truyền thống của dân tộc Bahnar phục vụ khách dừng chân tại trung tâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các làng: Stơr (xã Tơ Tung), làng Mơ Hra (xã Kong Long Khơng), làng Lok (xã Nghĩa An), làng Chiêng (thị trấn Kbang).

Trên cơ sở các tài nguyên du lịch sẵn có, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương để phục vụ khách du lịch như phát triển các nghề truyền thống, hình thành các tổ ẩm thực, tổ văn hóa văn nghệ, tổ sản xuất nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc...) tại các làng văn hóa kiểu mẫu, làng nông thôn mới, phát triển các dịch vụ ẩm thực đặc trưng của địa phương (Cơm lam, gà nướng, thịt heo nướng, ốc đá, rau dớn, măng le, đọt mây...); đầu tư phát triển các dịch vụ như: cho thuê xe máy tại Kon Chư Răng, dịch vụ lưu trú homestay tại Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, các dịch vụ văn hóa như biểu diễn cồng chiêng, các hoạt động trải nghiệm về văn hóa truyền thống... tại các điểm du lịch và các làng văn hóa kiểu mẫu.

Bà con dân tộc ở làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch

Đến nay, cơ bản mỗi làng đều có từ (1-4 đội cồng chiêng, trong đó có 1 đội cồng chiêng nhỏ tuổi làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa truyền thống tại địa phương, phát triển các đội văn nghệ dân gian để phục vụ du khách khi có nhu cầu. Huyện đã triển khai kế hoạch và bố trí trên 764,5 triệu đồng từ ngân sách huyện để đầu tư xây dựng củng cố và phát triển các đội cồng chiêng trong các làng đồng bào Bannar; duy trì việc tổ chức liên hoan cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ và trình diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc hàng năm nhằm gìn giữ và bảo tồn giá trị của cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng và các loại hình văn hóa truyền thống gắn liền với việc tổ chức Ngày hội du lịch hàng năm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển du lịch của huyện.

Đầu tư phát triển mô hình các vườn cây ăn trái, các vườn dược liệu, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ quý tại các địa bàn phù hợp, hình thành các HTX dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, mua sắm cho du khách, tăng cường quảng bá thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp sạch cho du khách trong và ngoài tỉnh.

Dưới góc độ của những nhà làm du lịch chuyên nghiệp, huyện K’Bang nên tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch, kể cả nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước về du lịch một cách đồng bộ và nhất quán. Đồng thời, tập trung xây dựng những chương trình, mô hình du lịch cơ bản và đặc trưng nhất, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương và quan tâm, đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm đến đã chọn lọc. Tránh đầu tư dàn trải làm phân tán nguồn lực và khó tập trung xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc trưng, nổi bật. Và qua mô hình này (nếu thành công) sẽ làm nhân tố điển hình và kiểu mẫu để các địa phương trong huyện học tập kinh nghiệm và xây dựng sản phẩm của địa phương với phương châm “Mỗi làng (xã) một sản phẩm” tránh trùng lắp và cạnh tranh lẫn nhau.

Làng văn hóa kiểu mẫu Stơr- Quê hương anh hùng Núp

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, có bộ phận chuyên trách về xúc tiến quảng bá, marketing du lịch; phân bổ ngân sách phù hợp, đáp ứng được cơ bản hoạt động marketing du lịch. Tổ chức các hội nghị xúc tiến du lịch trực tiếp để thông tin đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành trên các thị trường trọng điểm về chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển du lịch của địa phương; kết hợp tổ chức famtrip cho các doanh nghiệp du lịch, báo chí để khảo sát, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tại địa phương và qua đó quảng bá bán sản phẩm thu hút khách du lịch đến với Kbang.

Đầu tư cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ sung, dịch vụ vui chơi giải trí trên cơ sở nguồn lực hiện có để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Có cơ chế, chính sách phù hợp và thực sự hấp dẫn để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư đến hoạt động kinh doanh trên địa bàn, làm nhân tố xúc tác để tăng cường kinh nghiệm và tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Vận động các doanh nghiệp du lịch tại địa phương: cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch… tham gia các chương trình kích cầu, khuyến mãi, nâng cao giá trị sản phẩm dịch vụ để huyện có những chương trình đồng bộ quảng bá, quảng cáo thu hút khách du lịch.

Huyện nên chọn ra một số sản phẩm đặc trưng của địa phương để làm quà lưu niệm và bán cho khách du lịch với phương châm “lấy số lượng bù giá” để giải quyết công ăn việc làm cho người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Kbang rộng rãi tới khách du lịch.

“Con người nào sẽ tạo ra sản phẩm đó”, vì thế, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; không ngừng nâng cao ý thức du lịch cho cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện phải tạo ra được sản phẩm du lịch xanh – sạch – đẹp và thân thiện, gần gũi với du khách dựa trên bản sắc đồng bào các dân tộc tại đây.

Luôn giữ gìn và phát huy việc toàn dân bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và tạo ra cảnh quan sạch, đẹp để gây sự bất ngờ và thiện cảm đối với du khách. Thông qua họ như là một sứ giả để quảng bá hình ảnh địa phương tới du khách trong và ngoài tỉnh theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” hay phương thức “Marketing kể chuyện – truyền miệng”.

TRẦN VĂN QUANG, ảnh MINH CHÂU, TRẦN HÓA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...