Khai thác sản phẩm du lịch làng chài
Xương mành (vá lưới)
Ông Huỳnh Văn Lành, một ngư dân lâu năm ở làng chài Mân Thái cho biết: “Mỗi năm người dân chài làm xương mành (xương nghề) một lần vào đầu năm. Tôi đi biển từ năm 12 tuổi, tới giờ hơn 60 tuổi vẫn còn đi đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Cha ông đều mưu sinh trên biển rồi truyền lại cho con cháu, nên lúc nào tôi cũng thèm được theo nghề lắm. Những người có tuổi trong làng thì đánh bắt gần bờ, còn những người còn sức khỏe vẫn muốn đi xa".
Những người dân chài làng Mân Thái
Ký ức về những ngày lên đênh trên biển cứ đau đáu trong tâm trí của những người đàn ông từng bám biển. Những người đã da mồi tóc trắng, vả cả những người tóc mới pha sương cũng đều nói rằng, đối với họ những công việc này có thể “làm đi làm lại, mãi mà không chán”. Bởi vì nó không chỉ là ký ức, mà đã ngấm da thịt, chảy trong từng mạch máu, chạm đến là thấy nhớ rưng rức.
Hào hứng tham gia
Hoạt động tái hiện đời sống, lao động, sinh hoạt quen thuộc của bà con làng chài. Họ là những người dân biển chất phác, hồn hậu, “ăn sóng nói gió”. “Ai cũng nói người dân biển ăn to nói lớn, nguyên nhân là do suốt ngày chúng tôi lênh đênh trên thuyền, tiếng sóng quá lớn nên người này không nghe được tiếng của người kia, phải nói, phải hét thật to...”, ông Nguyễn Ôn, dân làng Mân Thái nói.
Lão làng tóc trắng, mắt mờ vẫn tình nguyện góp sức
Tham gia vào quá trình phục dựng đều là các lão làng người Mân Thái, có kinh nghiệm và kinh qua nghề biển từ lâu đời. Nhìn họ là thấy hình ảnh người dân chài dầm mưa dãi nắng, đội gió phơi sương. Ai cũng mang tiếng cười hào sảng, phóng khoáng như những cơn sóng lớn, vui sướng khi lại được làm nghề quen thuộc đã mất từ 15 năm nay.
Gài sợ nhợ vào ghim
Phơi mành (phơi lưới)
Mọi người tái hiện nghi thức “Uế phà” (tẩy uế cho phà/thuyền). Thủ tục này có ý nghĩa xua đi những rủi ro, bất trắc. “Có những người gia đình gặp khăn trắng (tang gia), hoặc đang gặp nhiều điều xui rủi họ vô tình có hành động tiếp xúc như chạm, dựa, cầm vào nghề, theo quan niệm của người đi biển là không may mắn. Chính vì vậy phải làm nghi thức “Uế phà” để xua đuổi sự đen đủi, mang lại điều lành cho ngư dân trong chuyến đánh bắt khơi xa”, các lão làng giải thích.
Tẩm dầu hỏa vào đuốc
Dụng cụ “uế phà” gồm có ngọn đuối, chai dầu hỏa và lửa. Người ta đổ dầu hỏa vào đầu đuốc có cuốn vải cho thật ngấm, sau đó một người ngậm dầu hỏa trong miệng rồi phun thật mạnh đồng thời châm ngọn lửa bùng lên, mọi người đồng thanh hô “Uế phà!”. Ngọn lửa nóng sẽ xua tan u ám, bão giông, mang đến điềm lành cho trời quang mây tạnh.
Nghi thức "Uế phà" nhờ ngọn lửa xua tan sự rủi ro
Từ tháng 3 năm 2021, anh Huỳnh Văn Mười đã phục dựng các hoạt động như “Mẹ gánh đôi bầu đi bán mắm; Đẽo cháng; Gọt phao; Cột dây kình; Trét dàu rái vào đôi bầu, thúng đựng cá... Mơ ước của anh là phục dựng được tất cả những hoạt động của cha ông làng Mân Thái để ghi hình làm thành một bộ phim giới thiệu đến bạn bè, khách du lịch, biến những tư liệu này thành “sản phẩm du lịch làng”, đồng thời mong muốn lưu truyền lại cho thế hệ kế cận cái nhìn thấu hiểu về nguồn cội, làng nghề.
Người dân chài làng Mân Thái cho biết, tâm nguyện của họ là mong thành phố tạo điều kiện để đưa nét đẹp, độc đáo của văn hóa làng biển lan tỏa đến bạn bè, du khách quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa làng từ bao đời nay.
NGỌC HÀ