Khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Ban tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2021 tại Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã họp rà soát công tác chuẩn bị
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2021 do Bộ VHTTDL và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp, chỉ đạo; Ban Quản lý Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Dân tộc và một số Ban, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các địa phương liên quan phối hợp tổ chức. Dự kiến Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2021 diễn ra từ ngày 18- 23.11 tại Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức cho biết: “Đến nay, mọi công tác chuẩn bị tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hoá Việt Nam” năm 2021 đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Ngay sau khi Kế hoạch tổ chức sự kiện này được phê duyệt, Ban tổ chức được thành lập, các kế hoạch chi tiết được xây dựng, triển khai; hoàn thiện kịch bản chương trình nghệ thuật khai mạc; chuẩn bị triển lãm Quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư; tiếp tục công tác quảng bá, truyền thông về sự kiện; hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác hậu cần, đối ngoại, an ninh, khánh tiết…”
Hoạt động điểm nhấn của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” là chương trình nghệ thuật khai mạc, dự kiến diễn ra ngày 18.11 tại sân khấu Đại đoàn kết, Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chương trình được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ VHTTDL đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đối với tình hình dịch bệnh cấp độ 2: Giảm 50% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với tình hình dịch bệnh cấp độ 3: Giảm 70% số lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ. Thực hiện các biện pháp khử khuẩn định kỳ theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Có bảng nội quy hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đối với tình hình dịch bệnh cấp độ 4: Dừng tổ chức các hoạt động.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt lưu ý quy mô tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” theo cấp độ dịch 2 nhưng phải theo sát diễn biến thực tế của dịch và tối đa chỉ 30% công suất đón tiếp, phục vụ khách của Làng
Ban tổ chức dự kiến tổ chức chương trình ở cấp độ 2, tuy nhiên, lượng khách mời dự kiến chỉ khoảng 500- 700 người (25-30% công suất), tất cả khách mời đều được tiêm 2 mũi hoặc test PCR âm tính, thực hiện nghiêm quy định 5K. Trong trường hợp xấu nhất, chương trình nghệ thuật sẽ vẫn được biểu diễn nhưng không có khán giả, được truyền trực tiếp trên các sóng VTV1, VTV4, VTV5 để phục vụ khán giả, bà con dân tộc trên cả nước.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2021 có chương trình thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào các dân tộc do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì. Triển lãm Quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra ngày 18.11 nhằm giới thiệu bản đồ quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các khu chức năng thuộc Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam; triển lãm một số hình ảnh các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Một số hoạt động khác của cộng đồng các dân tộc được tổ chức từ ngày 18- 23.11 và các hoạt động của cộng đồng 13 dân tộc đang hoạt động thường xuyên tại Làng, gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Thái, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Ê Đê, Khmer, Xơ Đăng. Trong đó, đồng bào tái hiện các nét sinh hoạt cộng đồng, dân ca dân vũ, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán tại chính không gian ngôi làng của dân tộc mình được xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội văn hóa dân tộc các vùng miền sẽ giới thiệu di sản văn hóa và lễ hội truyền thống; tái hiện Lễ hội Xuân (Nò Pê Chầu) và biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông tỉnh Nghệ An; tái hiện một số lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc được huy động về tham dự sự kiện; tổ chức cho du khách và đại biểu tham gia một số hoạt động trải nghiệm (thử mặc trang phục dân tộc, tham gia làm các món ăn dân tộc, các nghề thủ công truyền thống...).
Ban tổ chức mong muốn, thông qua các hoạt động của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc thiết thực chào mừng Ngày Truyền thống- Ngày Thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18.11); chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11). Đặc biệt, sự kiện này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Văn hoá toàn quốc (tổ chức ngày 24.11), được coi là sự kiện quan trọng, khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Phát huy sức mạnh đoàn kết trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức cho biết công tác chuẩn bị hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện
Góp phần tuyên truyền, giới thiệu về Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Ban tổ chức cũng đặt ra yêu cầu, nội dung các hoạt động phải phù hợp hướng tới gắn kết mọi cộng đồng dân tộc, khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Các hoạt động với chủ đề, nội dung phong phú, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện được không khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, phù hợp với bối cảnh mới; tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch theo định hướng chiến lược phòng, chống dịch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10 của Chính phủ. Các hoạt động tổ chức trang trọng, an toàn, thiết thực, chống lãng phí, không phô trương hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế.
Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam và các đơn vị phối hợp, đồng thời thống nhất với những nội dung đã và sẽ triển khai. “Việc tặng quà đồng bào các dân tộc thiểu số cần đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, đầm ấm, chung vui với bà con trong ngày hội. Một số hình ảnh các hoạt động của Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua tham gia Triển lãm Quy hoạch, giới thiệu các khu chức năng kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam và các hoạt động của MTTQ Việt Nam cần thể hiện rõ các hoạt động của MTTQ trong gần 2 năm qua, kêu gọi nhân dân đoàn kết phòng chống dịch, kêu gọi các nguồn lực phòng chống dịch trong nhân dân, việc xây dựng các chính sách liên quan đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Trương Thị Ngọc Ánh nói.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt lưu ý việc xác nhận của đại biểu khách mời và đơn vị tham gia. Quy mô tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” theo cấp độ dịch 2 nhưng theo sát diễn biến thực tế của dịch và số lượng khách chỉ tối đa 30% công suất đón tiếp, phục vụ của Làng. Đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch. Kiểm tra, tổng tuyệt, rà soát công tác chuẩn bị để việc tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” 2021 được tổ chức chu đáo, an toàn, ý nghĩa nhất.
ANH VŨ, ảnh PHẠM HƯƠNG