A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh Hòa: Sẵn sàng mùa lễ hội sôi động, thu hút du khách

VHO – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa. Theo ông Nguyễn Thanh Hà cho biết, hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp các đơn vị chuẩn bị các điều kiện tổ chức các hoạt động: Lễ hội Am Chúa; lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ giỗ tổ Hùng Vương và những chương trình biểu diễn nghệ thuật về Thánh mẫu Thiên Y A Na…

Hoạt động văn hóa tại di tích Tháp Bà Ponagar –nơi tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Theo kế hoạch năm 2022 Khánh Hòa sẽ có hơn 100 hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang chủ đề chung “Điểm đến an toàn - Nha Trang biển gọi” trải dài trong suốt cả năm. Điểm nhấn các hoạt động sẽ tập trung dịp lễ 30-4 và 1-5, gắn với lễ hội Tháp Bà Ponagar mang chủ đề Hành trình huyền thoại Mẹ xứ sở Thiên Y A Na.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Hiện nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong rất ít lễ hội truyền thống của địa phương thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa độc đáo về tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội vẫn được các tầng lớp nhân dân gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar được đánh giá cao trong việc thực hành các nghi thức, nghi lễ, bài bản. Theo kế hoạch đã được chuẩn bị năm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 23.3 Âm lịch, tại khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Việc tổ chức lễ hội được thực hiện trang nghiêm, chặt chẽ, đúng quy định, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống. Lễ hội được diễn ra với 9 nghi lễ gồm: Lễ thay y và nghi thức tắm tượng (lễ Mộc Dục); lễ thả hoa đăng (mới được đưa vào chương trình lễ hội từ năm 2010); lễ cầu quốc thái dân an; lễ khai mạc lễ hội Tháp Bà Ponagar; lễ thí thực; lễ cúng giờ Tý (thời gian Mẫu thăng thiên); lễ tế truyền thống Đình - Lăng Cù Lao; lễ khai diên, tôn vương; lễ cúng tạ. Trong mỗi nghi lễ nêu trên sẽ có những nghi thức, bài bản được thực hành theo trình tự, thời gian cụ thể.

Cũng trong dịp này, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức các Lễ hội Am Chúa; lễ giỗ tổ Hùng Vương...Bên canh đó, Thành phố biển Nha Trang sẽ chào hè với chuỗi hoạt động nổi bật như: Triển lãm ảnh nghệ thuật Nét đẹp quê hương rừng trầm, biển yến; các chương trình nghệ thuật văn hóa dân gian Khánh Hòa, Giai điệu biển xanh, Nha Trang biển gọi; cuộc thi Hoa hậu du lịch biển Việt Nam...

Ông Nguyễn Thanh Hà cho rằng, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội ngoài phục vụ người dân, thì đây là các hoạt động thu hút du khách thông qua những tour, tuyến du lịch. Mỗi du khách khi được hòa mình vào không khí các chương trình, hoạt động văn hóa, lễ hội sẽ hiểu thêm về bản sắc văn hóa, sự sáng tạo của người dân Nha Trang - Khánh Hòa. “Với những người làm hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chuỗi các chương trình trong năm mang đến nhiều điều kỳ vọng. Tinh thần chung là sẽ tạo ra cho khán giả, khách du lịch những ấn tượng đẹp để góp phần quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa”, ông Nguyễn Thanh Hà nói.

Tháp Bà Ponagar thu hút người dân, du khách đến tham quan

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Trong năm 2022 tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách (tăng 100% so với năm 2021), trong đó có 1,16 lượt khách nội địa và 40.000 lượt khách quốc tế. Toàn ngành phấn đấu doanh thu du lịch đạt 4.000 tỉ đồng, tăng 80% so với năm 2021. Tổng kinh phí dành cho chương trình hành động Du lịch Khánh Hòa năm 2022 gần 5,6 tỉ đồng. Các hoạt động văn hóa, lễ hội sẽ là điểm đến quan trọng để thu hút khách du lịch, đảm bảo ngành Du lịch hoàn thành mục tiêu đón khách trong năm.

XUÂN HƯỚNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...