Không ngừng nuôi khát vọng cho chặng đường tiếp theo
Các sản phẩm du lịch mới như tour du lịch caravan bằng xe tự lái đến các vùng quê thôn dã, nơi thiên nhiên tươi đẹp đang thu hút khách du lịch mùa dịch Covid-19. Ảnh THỦY TIÊN
Ai nắm bắt được cơ hội người đó sẽ thành công
Để việc mở cửa lại sớm thị trường quốc tế, bên cạnh việc kiểm soát khách du lịch đã có hộ chiếu Covid-19 hay chưa thì việc cần làm là phải đảm bảo cho du khách và cộng đồng an toàn, điểm đến không có bệnh dịch. Các đơn vị, các tổ chức hay cá nhân làm việc cho công tác phục vụ đón khách tại các điểm đến phải đảm bảo việc tiêm phòng vắcxin và phải liên tục được kiểm tra hàng tuần để đảm bảo 100% không mang mầm dịch bệnh trong quá trình phục vụ khách du lịch. Các cơ quan ban ngành, từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp từ lữ hành, khách sạn đến kinh doanh dịch vụ tại điểm đến đều phải cùng nhau xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá điểm đến an toàn. Các doanh nghiệp lữ hành tạo ra nhiều các sản phẩm du lịch an toàn, nhằm hạn chế việc giao tiếp tập trung quá đông người. Trong đó, cần đẩy mạnh các tour du lịch caravan (du lịch bằng xe tự lái), motor tours hay bicycle tours với việc khám phá, trải nghiệm các cung đường, các địa điểm du lịch với những phương thức mới lạ sẽ hấp dẫn du khách …
Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch
Hiện nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có nền du lịch chậm phát triển hơn với một số nước trong Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia. Chúng ta cũng càng khó để so sánh với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc Quốc. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách mở cửa và kêu gọi đầu tư từ mọi cá nhân, tổ chức hay tập đoàn lớn trong và ngoài nước; dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao; cách làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp. Điều đó đã tạo ra sự thay da đổi thịt đáng kể cho ngành Du lịch nước nhà. Cùng với sự ổn định về chính trị và kinh tế, cảnh quan du lịch đặc sắc cả về tự nhiên và văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, dịch vụ hoàn thiện hơn... đã giúp cho Việt Nam dần trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Số lượng khách du lịch, tổng thu từ du lịch và những đóng góp của du lịch với ngành kinh tế đất nước cũng vì thế mà ngày một tăng. Năm 2019, Việt Nam còn được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới.
Thế nhưng việc phải duy trì một chất lượng dịch vụ ổn định và sẵn sàng đón du khách sau thời kỳ Covid-19 đang thực sự là một khó khăn không chỉ đối với Việt Nam và cho toàn bộ các nước trên thế giới. Sau hơn 2 năm bệnh dịch hoành hành thì số doanh nghiệp du lịch còn trụ lại không nhiều. Nếu có công ty trụ lại được thì cũng phải chuyển đổi phương hướng kinh doanh của mình và việc để họ có thể sẵn sàng trở lại phục vụ du khách thì không phải một sớm một chiều.
Dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với du lịch Việt Nam
Dịch Covid-19 là một "cú sốc" và ảnh hưởng một cách trầm trọng đối với ngành Du lịch. Bởi sau 4 làn sóng dịch bệnh ở nước ta, đến giờ chỉ còn 5% doanh nghiệp du lịch còn đang hoạt động. Vietfoot Travel nằm trong số các doanh nghiệp đang gắng gượng qua đại dịch này. Bên cạnh nguồn thu từ việc triển khai dịch vụ đón khách Việt kiều hồi hương, khách chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thu nhập chính của chúng tôi thời điểm này lại là từ việc cho thuê văn phòng, cho người nước ngoài thuê.
Để chống chọi với dịch Covid-19 quái ác, chúng tôi cũng đang phát triển kế hoạch dài hạn là xây dựng, hệ thống hóa lại tất cả sản phẩm outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài), làm lại toàn bộ trang web, thiết kế sản phẩm, chương trình, hệ thống hóa các đối tác tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Trong khi đó, tiếp tục phát triển, nâng cấp dịch vụ mảng inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) và mảng nội địa.
Các doanh nghiệp du lịch chỉ có thể khai thác mảng nội địa trong thời gian này do thị trường quốc tế chưa mở cửa trở lại
Dịch bệnh hiện đang khiến cho ngành Du lịch bị “đóng băng”. Nhưng tôi tin rằng, đây chỉ là một khoảng lặng trong một hành trình dài. Những doanh nghiệp nào sống sót và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không ngừng nuôi khát vọng cho chặng đường tiếp theo sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá. Bởi sau 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá của khách du lịch đang rất lớn. Lúc này, doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ thành công.
Thu hút “đại bàng” nhưng đừng quên “chim sẻ”
Trước những thực tế của dịch bệnh và cuộc sống hiện nay, chúng tôi cho rằng sẽ không còn cách nào khác là phải tính chuyện chung sống an toàn với dịch bệnh, đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng và tiêm vắcxin, sử dụng hộ chiếu vắcxin. Chỉ có cách khống chế dịch bệnh được sớm, hoàn thành việc tiêm vắcxin thì mới mong sự sẵn sàng vào cuộc của các tổ chức, các doanh nghiệp. Nếu không Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với các nước đã phát triển trong khu vực và đang đi trước chúng ta việc tiêm vắcxin, sử dụng hộ chiếu vắcxin để mở cửa thị trường quốc tế trở lại.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tham gia đầu tư, kinh doanh du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội và có đóng góp lớn cho nền kinh tế của các địa phương cũng như đất nước. Các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh và các tập đoàn kinh tế du lịch lớn đang đóng một vai trò quan trọng và tiên phong, kéo theo, dẫn dắt, thậm chí định hướng phát triển của cả một vùng miền. Do vậy việc tạo môi trường và hành lang pháp lý thật tốt, an toàn để cho các tập đoàn du lịch đầu tư luôn là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, có “đại bàng” cũng nên quan tâm đến “chim sẻ”, bên cạnh đó cần phải có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể cùng nhau phát triển hài hòa và bền vững, tránh những xung đột quá lớn về lợi ích giữa các bên. Có như vậy mới tạo ra được môi trường phát triển du lịch lành mạnh, bền vững; góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác trong vùng, miền, địa phương cùng phát triển. Bởi du lịch là một ngành kinh tế có vai trò vô cùng quan trọng, tạo động lực cho việc phát triển của các nền kinh tế khác, làm thay đổi bộ mặt các vùng miền, tạo sự phát triển bứt phá cho các địa phương.
Có thể nói, mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh…, ngành Du lịch là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng là ngành hồi phục nhanh nhất. Do vậy việc khai thông mọi chính sách, cơ chế, giải pháp tạo hành lang để khuyến khích phát triển du lịch nói chung, hình thành các tập đoàn lớn nói riêng giúp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tháo gỡ những điểm nghẽn của của du lịch hiện nay chính là mục tiêu phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Du khách có xu hướng tìm đến những điểm đến có phong cảnh thiên nhiên đẹp, vắng vẻ, an toàn
Sau thời kỳ Covid-19 kéo dài, du khách sẽ có xu hướng tìm đến các quốc gia giàu tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và nhân tạo, những nơi có điểm đến an toàn, con người thân thiện. Trong số đó, với những lợi thế của mình, Việt Nam sẽ là một lựa chọn không thể nào thiếu cho các du khách mỗi khi nghĩ đến Đông Nam Á. Vì vậy chúng ta cần bảo vệ, tích cực truyền thông hình ảnh quốc gia, điểm đến Việt Nam đến du khách khắp nơi trên thế giới ngay từ bây giờ, khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra. Trước tiên để du khách luôn nhớ đến Việt Nam, sau đó có thể có thông tin để lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến đi của mình sau khi mở cửa quốc tế trở lại.
Chúng tôi mong muốn Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các ban, ngành liên quan có giải pháp truyền thông điểm đến sớm để du khách có thời gian và cơ sở để tìm hiểu điểm đến Việt Nam. Đảm bảo việc quản lý dịch bệnh bên cạnh với việc ưu tiên mở cửa nhiều hơn nữa, đơn giản hóa mọi thủ tục visa và ưu tiên miễn visa cho các du khách các nước phát triển, các nước trong khu vực khi được đến du lịch Việt Nam.
Chuyển đổi số để phát triển cần được phát triển nhanh hơn nữa và có sự định hướng rõ ràng
Trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030 trong lĩnh vực Du lịch đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và phát triển du lịch trong 5 năm tới.
Hơn ai hết, chúng tôi mong du lịch sớm hồi phục nhưng trước hết cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắcxin toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cụ thể cho từng vùng miền; đưa ra nhiều các gói kích cầu kinh tế, du lịch và phải đảm bảo các doanh nghiệp du trong đó có du lịch tiếp cận được các nguồn vốn này.
Giai đoạn hiện nay, tăng trưởng phát triển kinh tế và du lịch cần phải chuyển đổi số càng nhanh càng tốt. Không còn độ trễ cho việc này nữa. Việc chuyển đổi số để phát triển hiện nay cũng rất đang mơ hồ, nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào cho hiệu quả và lúng túng trong cách thực hiện, đầu tư. Trong khi đó, Chính phủ số, nền kinh tế số nói chung và du lịch số nói riêng là tất yếu và đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết. Cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp du lịch cần phải được quản lý vận hành và số hóa một cách đồng bộ, dựa trên cơ sở vững chắc. Có như vậy mới mong cách doanh nghiệp của mọi ngành kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững, đuổi kịp các nước đi trước và đạt được tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, đưa Việt Nam trở thành “con rồng” của châu Á.
PHẠM DUY NGHĨA
Giám đốc Vietfoot Travel