Lao động du lịch mất việc trong mùa dịch vẫn chưa nhận được hỗ trợ
Hàng chục nghìn hướng dẫn viên mất việc do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng phần lớn đến giờ chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Ảnh: ĐƯỜNG KHÔN
Để có thêm thu nhập trong thời gian khó khăn này, rất nhiều nhân viên khách sạn, nhà hàng, HDV du lịch buộc phải làm những công việc ngoài chuyên môn tạm thời để đợi du lịch hoạt động bình thường trở lại.
Anh Trần Xuân Thường, Trưởng phòng HDV du lịch tại Công ty CP du lịch quốc tế Vin Travel (Hải Phòng) cho biết: Do đặc thù, nghề HDV phụ thuộc hoàn toàn vào các hoạt động và thị trường du lịch, doanh thu chủ yếu có được từ công tác phí ngày tour và tiền tip của khách. Vào mùa du lịch cao điểm HDV làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không hết tour để đi. Nhưng từ ngày dịch bùng phát, hầu như cuộc sống của hàng ngàn HDV bị ảnh hưởng và đảo lộn, kể cả HDV thuộc công ty du lịch, hội viên HHDL hay hướng dẫn viên tự do”.
“Sau tết Nguyên Đán đến nay, hoạt động kinh doanh của công ty tôi gặp nhiều khó khăn, các tour nội địa và quốc tế hủy 100%, nhân viên ở nhiều bộ phận và HDV thất nghiệp. Để có thêm thu nhập trong thời gian này, đội ngũ HDV tại Hải Phòng đã tập trung vào bán online với các đặc sản, hoa quả, rau... của các địa phương, tuy nhiên đây cũng chỉ là những công việc để cầm chừng. Còn cá nhân tôi lại lựa chọn ở nhà phụ giúp gia đình, các chi tiêu cá nhân sẽ dựa vào số tiền tiết kiệm từ trước đó”, anh Trần Xuân Thường nói.
Là một HDV tự do, chị Phạm kiều Loan (28 tuổi) chia sẻ: “Khoảng thời gian này năm trước, bước vào mùa du lịch hè, công việc của tôi khá bận rộn, thu nhập ổn định. Thế nhưng, từ khi du lịch đình trệ bởi dịch Covid-19, tôi không nhận được hợp đồng dẫn tour nào, cuộc sống bị chao đảo, những chi tiêu trong gia đình giờ chỉ dựa vào tiền lương của chồng. Để có tiền trang trải cuộc sống, trong thời gian nghỉ dịch tôi có xin làm thu ngân tại tiệm tạp hóa gần nhà. Hi vọng tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt như hiện nay, sớm công bố hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường, hoạt động du lịch dần hồi phục, hướng dẫn viên như tôi được trở về với công việc công việc yêu thích của mình”.
Đối với những HDV tự do, họ sẽ nhận được thù lao sau mỗi tour, nếu không có tour cũng đồng nghĩa họ hoàn toàn không có thu nhập. Do đó, khi du dịch tạm ngừng hoạt động, họ phải sống bằng khoản tiền tích luỹ, dự phòng ngày trước, có người thì về quê ở hẳn một thời gian để cắt giảm chi phí ăn ở đi lại, thậm chí có người tìm kiếm công việc tạm thời trong giai đoạn khó khăn này.
Hiện cả nước có 26.750 hướng dẫn viên, cả nội địa và quốc tế. Phần lớn trong số này là hướng dẫn viên hoạt động tự do, không thuộc sự quản lý về nhân sự của một đơn vị lữ hành hay tổ chức xã hội nghề nghiệp nào. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách mua tour du lịch giảm mạnh, lượng khách du lịch quốc tế gần như bằng 0. Thị trường nội địa đã bắt đầu hồi phục dần nhưng vẫn rất ít người mua tour trọn gói, đi đoàn đông mà chủ yếu đi lẻ, theo nhóm nhỏ, tự đặt phòng khách sạn, tự lái xe và không có nhu cầu sử dụng hướng dẫn viên hay thông qua công ty lữ hành. Hầu hết hướng dẫn viên vẫn phải chịu cảnh thất nghiệp tạm thời nhưng chưa biết kéo dài đến bao giờ.
Những khó khăn trong thời điểm hiện tại không chỉ là câu chuyện riêng cho những ai làm tại công ty lữ hành, hay HDV du dịch tự do mà còn là bức tranh mô tả cuộc sống của hàng ngàn lao động đang làm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách sạn.
Khi hỏi về cuộc sống hiện tại, Anh H.T.T nhân viên khách sạn Moon View (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Do ảnh hưởng bởi Covid-19, các điểm du lịch tạm ngừng hoạt động, lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Điều đó, khiến cho những người làm việc trong ngành dịch vụ du lịch như tôi không có việc làm, tác động trực tiếp đến cuộc sống cũng như những khó khăn về cơm áo gạo tiền. Gần 3 tháng nghỉ việc, tôi xin đi giao hàng cho một cửa hàng hoa quả. Tuy nhiên đây chỉ là công việc tạm thời, khi nào du lịch hoạt động trở lại, tôi sẽ tiếp tục với công việc chuyên môn của mình”.
Chị Phạm Hồng Hoa (35 tuổi), quản lý một khách sạn tại quận Hoàn Kiếm do biết chút về làm đồ ăn vặt nên trong thời gian nghỉ dịch, chị quyết định chuyển hướng sang làm bán online để kiếm thêm đồng ra đồng vào trong lúc khó khăn. “Ban đầu đăng bán, đa phần là chị em, bạn bè mua ủng hộ, giờ thì ngoài khách quen còn có cả khách văn phòng. Lượng khách mua ngày càng đông, một mình làm không xuể, tôi có rủ thêm chị em cùng chỗ làm hỗ trợ, đồng thời cũng giúp họ có thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi. Thật may mắn khi công việc bán hàng online thuận lợi đã giúp tôi và gia đình phần nào vượt qua khó khăn về tài chính giữa mùa dịch. Tôi không làm thủ tục để nhận hỗ trợ thất nghiệp, mà để cho những người khó khăn hơn”, chị Hoa nói.
Đa số lao động thất nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, lữ hành khi được hỏi đều khẳng định sẽ không bỏ nghề và tin rằng đại dịch sẽ được dập tắt, ngành Du lịch sớm được “hồi sinh” trong thời gian tới.
Các điểm du lịch đến nay vẫn vắng khách, hướng dẫn viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn trên cả nước phần lớn vẫn tiếp tục nghỉ việc, không có thu nhập từ hoạt động du lịch
Nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/ người/ tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ 1.4 và không quá 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/ người/ tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 4-6.2020.
Tại quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng đã quy định điều kiện hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch.
Trước những khó khăn chung, Bộ VHTTDL đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Trong đó có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch (đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19).
Tuy nhiên, đến nay đã tròn 1 tháng nhưng hầu hết các HDV, nhân viên mất việc, có giao kết hợp đồng lao động hay không đều chưa nhận được hỗ trợ này của Chính phủ. Trong khi đó, việc không có khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch tạm đóng cửa, khách sạn cũng tạm ngừng hoạt động ở rất nhiều nơi thấy rất rõ.
Để các HDV, nhân viên nhà hàng, khách sạn nhận được hỗ trợ kịp thời trong lúc khó khăn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng vừa đề nghị Chính phủ bổ sung hai loại lao động tự do trong ngành Du lịch là HDV và Đầu bếp du lịch được hưởng trợ cấp 3 tháng 4- 6.2020 theo chế độ người lao động không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Hai đội ngũ này hành nghề trong cả nước, việc kê khai và xác nhận ở địa phương cư trú của họ là rất khó. Theo quy định điều kiện hành nghề trong Luật Du lịch, Hướng dẫn viên không thuộc các doanh nghiệp du lịch phải là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp, do vậy chỉ cần quy định các lao động tự do có xác nhận của Hiệp hội Du lịch và có nộp thuế cá nhân là có thể được hưởng trợ cấp này.
HÀ THAO