Liên kết 3 miền để phát triển du lịch bền vững
Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được đánh giá là đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của các vùng.
Theo đó, nội dung liên kết tập trung vào 4 nội dung chính, gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch. Các tỉnh/ thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng để tăng tỉ lệ khách du lịch, góp phần phục hồi toàn ngành.
Thông tin này vừa được đưa ra trong buổi họp báo tại Hà Nội về Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung do Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114km2, có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông, đường bộ, đường sắt, hàng không và biển; địa hình đa dạng, trải dài gần 600km bờ biển, hơn 228km2 biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào. Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát); 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội); nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp có hạ tầng tốt; sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh.
Khu nghỉ dưỡng phức hợp HOIANA, nơi được chọn để tổ chức Diễn đàn
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, tiềm năng du lịch nổi trội, cảnh quan thiên nhiên rạng rỡ. Trong đó, tiềm năng du lịch biển, đảo là thế mạnh có sức cạnh tranh của vùng so với các vùng miền khác. Đặc biệt vùng này có chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới, và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản lớn khi vùng này sở hữu tới 3/5 di sản văn hoá vật thể thế giới ở Việt Nam. Đây cũng là nơi giao thoa nhiều nền văn hoá thế giới, tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng. Ngoài ra toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em- những chủ nhân đã và đang xây dựng lên một bảo tàng văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.
Dự kiến, tại Diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế; Thỏa thuận hợp tác giữa các Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways) và Hiệp hội Du lịch 7 tỉnh/ thành phố liên kết; các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong liên kết.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thế mạnh rất lớn về du lịch biển đảo
Ngoài ra, trong khuôn khổ Diễn đàn còn có các hoạt động khác, như: Diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm tìm kiếm các góp ý, giải pháp phát triển du lịch từ du khách, chuyên gia và bạn đọc đã diễn ra từ đầu tháng 11; Chương trình Không gian kết nối doanh nghiệp du lịch “Business Matching”, nơi gặp gỡ trực tiếp, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, mua bán, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp cung ứng du lịch ưu tú tại các tỉnh miền Trung với các doanh nghiệp du lịch/lữ hành tại hai đầu đất nước; Chương trình chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến mới giữa các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết; Trưng bày, triển lãm giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong liên kết.
Tại cuộc họp, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: Thông qua liên kết, các địa phương sẽ tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch và các nét độc đáo, khác biệt riêng của mỗi địa phương để đưa các tiềm năng du lịch trở thành các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của địa phương mình. Đồng thời tạo ra các sản phẩm liên kết vùng đặc sắc, có chất lượng nhằm chuẩn bị cho việc đón du khách quốc tế quay trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, đại diện địa phương Chủ tịch hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2020 cho biết: Diễn đàn lần này sẽ đánh dấu một bước liên kết mới giữa 3 miền Bắc- Trung- Nam nhằm mở rộng phạm vi liên kết hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.
THÚY HÀ