A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết là sức mạnh

VHO- Sau cơn càn quét của dịch Covid-19, có thể nói ngành Du lịch đã phải chịu những khoảng trống vô cùng lớn, để lấp đầy những khoảng trống đó cần có sự liên kết để tăng sức mạnh và cũng là để lấy lại uy tín, hình ảnh đẹp của ngành.

 

 

 Du lịch đưa khách Việt Nam ra nước ngoài cần được quan tâm hơn Ảnh: SONG HIỀN

Chính vì thế, sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ đạo, Hiệp hội Du lịch TP.HCM thực hiện ngày 8 - 9.8 tới đây sẽ bàn giải pháp cụ thể để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, phục hồi toàn diện ngành du lịch Việt Nam.

Chuẩn bị nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh cho biết: “Trong lần đầu tiên tổ chức, sự kiện kỳ vọng là bước khởi đầu mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM nói riêng, doanh nghiệp lữ hành như cả nước nói chung, hướng tới việc thu hút du khách từ thị trường quốc tế sau đại dịch. Điểm nổi bật trong sự kiện lần này là “Diễn đàn Lữ hành toàn quốc năm 2022” và hội thảo “Đào tạo nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho các khách sạn cao cấp trong giai đoạn mới”. Bên cạnh đó là nhiều chương trình khuyến mãi từ các doanh nghiệp”.

Chương trình du lịch tầm cỡ và quy mô lớn này diễn ra dưới hình thức một sự kiện giao thương, gặp gỡ, kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước và giữa ngành Du lịch các nước với nhau. Qua chương trình, các doanh nghiệp du lịch có thể giới thiệu các thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để chào bán, giới thiệu với các đối tác quốc tế hoặc có thể gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau đàm phán, định hướng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước khi trải nghiệm.

“Trong giai đoạn hiện nay sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp thêm sự phát triển thu hút khách quốc tế cũng như chuẩn bị cho những sản phẩm, nguồn nhân lực để đón khách quốc tế. Đồng thời, góp phần tích cực cho việc phục hồi và phát triển, đưa du lịch trở lại vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh. Ông Bình cho rằng, để thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành cần chuẩn bị tốt từ khâu đón tiếp, dịch vụ, sản phẩm để giới thiệu đến các đối tác nước ngoài.

Tại sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam”, các đơn vị du lịch sẽ đưa ra hàng trăm nghìn voucher chào bán tương tác tại sự kiện với 100 gian hàng đến từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc SacoTravel cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 10.000 voucher về Tây Ninh giảm giá 10-40%, voucher khách sạn 5 sao tại Quy Nhơn thấp hơn giá thị trường tới 60% trong hai ngày diễn ra sự kiện, như một cách để tri ân khách hàng chứ không phải kích cầu như giai đoạn trước. Nhiều chương trình về Mê Kông cũng được bán với giá ưu đãi. Tuy nhiên, tất cả đều được phục vụ với chất lượng không đổi”.

Các doanh nghiệp cam kết kết nối dịch vụ chất lượng

Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn ngành từ 15.3 đã tạo nhiều cơ hội cho ngành Du lịch phục hồi. Mặc dù số lượng khách nội địa tăng cao nhưng lượng khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp tự thấy không hài lòng với chất lượng, dịch vụ của ngành Du lịch hiện nay.

Một doanh nghiệp thông tin, hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chưa bao giờ tôi thấy chất lượng điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đáng lo ngại như hiện nay. Đặc biệt sau dịch Covid-19, những điểm yếu của ngành bộc lộ hơn bao giờ hết. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, trong giai đoạn phục hồi, du lịch đã nảy sinh những bất cập mà những người làm nghề có lòng tự trọng cảm thấy đáng buồn, đáng xấu hổ. Có những ngày, công ty tôi khởi hành 100 đoàn khách nhưng tôi không thấy một tour nào được trọn vẹn, như ý. Tất nhiên, từ phía chúng tôi, công ty lữ hành, chúng tôi luôn cố gắng để có những dịch vụ tốt nhất để kết nối. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Bát nháo, chất lượng dịch vụ kém, cạnh tranh không lành mạnh. Giá vé máy bay cao, liên tục các chuyến bay dồn chuyến, chậm giờ, khách vạ vật chờ đợi. Khách sạn hết phòng, tăng giá, có nơi gấp vài lần. Nhà hàng thiếu, khách ăn “cuốn chiếu”, đoàn này chưa ăn xong nhà hàng đã dọn để phục vụ đoàn khác... Nhiều lúc, khách đi du lịch mà chờ đợi, vật vờ như đi “hành xác” mà không biết phải làm thế nào.

“Trước dịch Covid-19, ngày nào tôi cũng hãnh diện về những chương trình tour công ty mình làm. Khách hàng không ngừng gửi lời khen. Ngày nào chúng tôi cũng up facebook. Bây giờ chúng tôi không dám up facebook, tiktok nữa. Làm đấy, cầm tiền của khách đấy mà thấy không vui, cứ lấn cấn trong lòng. Có những khách rất tế nhị, họ nói: “Lần sau nhớ tư vấn cho những hãng hàng không, dịch vụ chất lượng”. Chẳng thà họ mắng thẳng vào mặt mình còn đỡ day dứt”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Bên cạnh đó, tình trạng không đoàn kết, mạnh ai nấy làm vẫn tiếp tục diễn ra. Hàng không tăng giá cứ tăng, chậm giờ cứ chậm. Giao thông tắc đường cứ tắc, giá xe cao cứ cao. Khách sạn ôm phòng tăng giá cứ tăng. Nhà hàng thích phục vụ khách nào thì phục vụ... Thậm chí, có tình trạng, các “ông lớn” trong ngành Du lịch không ưa nhau. Danh tiếng của ai người ấy giữ. Danh tiếng của ngành thì “cha chung không ai khóc”. Sợ nhất là ai cũng vì lợi ích của mình mà có khi quên đi lợi ích của ngành và hình ảnh quốc gia. Nói chung, là cả một “mớ bòng bong” mà các doanh nghiệp muốn cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ, để thống nhất với nhau muốn ngành Du lịch tốt lên, chuyên nghiệp lên, phục hồi nhanh thì phải thế nào. Ai có sản phẩm gì, dịch vụ gì thì bày ra. Sau đó, sẽ đưa ra những sản phẩm chung, mức giá ổn định chung, tiêu chuẩn chất lượng chung và cam kết sẽ thực hiện theo đúng những gì đã bàn bạc, thống nhất thực hiện. 

 THÚY HÀ

 
 
 

Tags: Du lịch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...