A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc: Kết nối hai miền Tổ quốc

VHO- Nhằm phát huy lợi thế tiềm năng về du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; đồng thời, thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, ngày 20.11, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị Liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh yếu tố an toàn trong hồi phục và phát triển du lịch

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký; lãnh đạo các Bộ, ngành, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các tỉnh/ thành trong liên kết vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh); đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện Hiệp hội du lịch các địa phương trong liên kết, các hãng hàng không và hơn 300 đại biểu đại diện các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư và cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Không nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn, không chờ đợi

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Hội nghị quan trọng này nhằm tăng cường liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Bắc để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử và tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; đồng thời, thúc đẩy hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Đặc biệt, đây còn là hoạt động rất có ý nghĩa khi liên kết đã được khẳng định là một trong những “chìa khóa” giúp ngành Du lịch “như chiếc lò xo bị nén bật lên mạnh mẽ” trong trạng thái bình thường mới”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị phân rõ vai trò của địa phương dẫn dắt và phụ trợ để đồng hành, phát triển

Từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, UBND TP.HCM đã nâng tầm liên kết hợp tác phát triển du lịch lên cấp chính quyền, cụ thể đã tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với UBND 13 tỉnh/ thành Đồng bằng sông Cửu Long, với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 và đã đạt được một số kết quả nhất định từ những liên kết này.

Lần này, với nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, phục hồi ngành Du lịch sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.HCM mở rộng liên kết với các tỉnh thuộc hai vùng “Đông - Tây” của Bắc Bộ cùng với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc được tổ chức vẫn với chủ đề “Kết nối tinh hoa”, đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh/ thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các vùng, tập trung vào các nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.

Cụ thể là TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần triển khai chương trình du lịch an toàn; nổ lực phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trước những tác động của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quan tâm, chỉ đạo các đầu tàu kinh tế lớn như: TP.HCM, Hà Nội tăng cường liên kết với các địa phương để từng bước phục hồi, phát triển du lịch bền vững. Sau Đại hội Đảng các tỉnh/ thành, trong đó các địa phương đều đặt vấn đề phát triển bền vững, trọng tâm là du lịch và chú ý đến dư địa phát triển du lịch”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch, ẩm thực và đặc sản của các địa phương

Chia sẻ việc mình và nhiều lãnh đạo các địa phương, trước những tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát triển ở địa phương mình mà chưa có cách nào phát triển bứt phát, mang lại nguồn lợi kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết rất tâm tư, trăn trở. “Sống ở vùng đất Quảng Trị có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng nhưng các hoạt động du lịch cũng chỉ theo đợt, theo vùng, theo mùa vụ. Hơn ai hết, chúng tôi luôn đồng hành và chia sẻ với các địa phương về những kỳ vọng, ao ước, quyết tâm để phát triển du lịch bền vững. Trong quá trình tìm tòi để phát triển đó, chúng tôi ý thức được rằng không được nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn, không thể chờ đợi. Cần đi đến một nhận thức chung khi chúng ta nhìn thấy du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng lại mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Vì thế, nó không bị bó hẹp trong không gian nào. Muốn phát triển phải có sự liên kết”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề: “Liên kết không phải vấn đề mới. Tại sao trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt ra vấn đề liên kết, phát triển vùng nhưng chủ trương có rồi khi thực hiện vẫn gặp khó khăn? Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Và trong khâu này, Bộ VHTTDL cũng có một phần trách nhiệm. Nhận thức được điều đó, cũng có nghĩa là phải hành động ngay, không còn độ trễ nữa. Muốn phát triển thì phải đồng hành. Liên kết là một xu thế tất yếu. Qua đó, tạo ra sức mạnh tổng hợp, từ sức mạnh của mỗi địa phương, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh đến vai trò dẫn dắt, nhạc trưởng của cuộc chơi. Trong liên kết đó, có người giữ vai trò trọng yếu, cũng có người giữ vai trò phụ trợ nhưng không có nghĩa là phụ trợ là yếu thế hơn mà phụ trợ là để tôn lên điểm nhấn và động lực. Ngược lại, cái động lực sẽ tác động cho phụ trợ phát triển mạnh mẽ hơn.

Muốn du lịch hồi phục vững chắc thì nhất định phải an toàn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Du lịch và các địa phương cần tận dụng tối đa công nghệ để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch thông minh, tạo điều kiện đơn giản nhất, số hóa tài nguyên, sản phẩm du lịch, nhà hàng, sản phẩm nhà hàng, hiện vật trong bảo tàng…. “Cần nhanh chóng kết nối các công ty du lịch, dịch vụ du lịch thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, không cần mua vé, chỉ cần điện thoại thông minh là người dân có thể du lịch được. Những thị trường tiếng hiếm, chúng ta có những bài thuyết minh tự động. Việc này chúng ta phải làm, làm thật nhanh”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Hiệp hội du lịch, lữ hành, khách sạn để sự liên kết phát triển du lịch TP.HCM và vùng Đông Bắc đi vào thực chất, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bên. “Lâu nay chúng ta đã nói đến kinh tế vùng, vùng kinh tế trọng điểm nhưng đều thiếu cơ chế, cách thức vận hành hiệu quả. Vì vậy, dù có nhiều thế mạnh phát triển kinh tế, du lịch nhưng các địa phương còn cần phải nỗ lực, cố gắng trong phối hợp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn qua các liên kết về du lịch giữa TP.HCM và các vùng với nhau, nhằm tận dụng thế mạnh, bổ trợ cho nhau, không chỉ trong nội vùng mà cả khi có sự tham gia của “đối tác bên ngoài”, tạo ra sức mạnh mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành với TP.HCM trong liên kết với các vùng, miền cả nước không chỉ trong phát triển du lịch mà còn thúc đẩy, sự phối kết hợp một cách thực chất giữ các địa phương”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc ký kết hợp tác du lịch

Để du lịch hồi phục vững chắc thì nhất định phải an toàn. Tất cả các cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cập nhật đầy đủ định kỳ theo thời gian thực lên bản đồ chống dịch (www.antoancovid.vn). “Dịch COVID-19 còn kéo dài , ít nhất 1 năm nữa. Hết dịch này thì có thể sẽ còn những dịch bệnh khác, đây là lúc chúng ta phải siết lại việc đảm bảo an toàn, không phải chỉ làm cho bây giờ mà cho cả đời sau”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tin tưởng: “Từ sáng kiến liên kết của TP.HCM, các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng…, đặc biệt là Bộ VHTTDL sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn. “Người dân cho nụ cười, chính quyền tạo môi trường thật tốt cho doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, kinh doanh thì du lịch nói riêng, kinh tế nói chung sẽ phát triển”

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thảo luận, ký kết Thỏa thuận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020- 2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020- 2021. Đồng thời, trong Hội nghị cũng sẽ diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Bắc với các Hãng hàng không; ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc.

Lễ ký kết hợp tác giữa HHDL TP.HCM, HHDL các tỉnh Đông Bắc và các hãng hàng không

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra các hoạt động chào mừng đoàn du khách hưởng ứng chương trình du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc; chương trình khảo sát điểm đến tại tỉnh Quảng Ninh; tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch, ẩm thực và đặc sản của TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc. Gian hàng của các Hãng hàng không như Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Trong dịp này, Diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển liên kết du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc do Sở Du lịch TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Sở VHTTDL/ Sở Du lịch các tỉnh Đông Bắc và Báo Tuổi Trẻ tổ chức nhằm tìm kiếm các góp ý, các giải pháp phát triển du lịch từ du khách, chuyên gia và bạn đọc.

Nhằm giảm bớt ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đối với ngành Du lịch, TP.HCM đã chủ động nâng tầm liên kết phát triển du lịch lên cấp địa phương, ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh/ thành Đồng bằng Sông Cửu Long; 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 8 tỉnh Đông Bắc và sắp tới là các tỉnh trọng điểm kinh tế miền Trung.

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp dịch vụ du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc

Qua đó, TP.HCM đã hình thành một chuỗi các hoạt động liên kết phát triển du lịch từ Bắc tới Nam để tạo nên một khối sức mạnh tổng thể từng bước đưa ngành Du lịch nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế còn chưa mở cửa thì việc liên kết hôm nay sẽ là “cơ hội vàng” để du lịch nội địa gặt hái được nhiều trái ngọt. Bởi lẽ, TP.HCM với dân số hơn 9 triệu người, là đô thị hiện đại - sống động với hơn 300 năm tuổi, là một nơi mà mọi du khách đều mong muốn khám phá khi du lịch tại miền Nam. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, mua sắm, giải trí sẽ mở ra những cơ hội đầu tư lý tưởng cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc ký kết hợp tác

Trong khi đó, 8 tỉnh Đông Bắc với quy mô dân số hơn 7,7 triệu người, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng đối với du lịch phía Bắc. Thế mạnh của 8 tỉnh Đông Bắc là phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa vùng miền. Ngoài ra, lãnh thổ 8 tỉnh Đông Bắc có phía Đông và phía Bắc giáp Trung Quốc, với nhiều cửa khẩu quốc tế lớn như: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng) tạo thành cửa ngõ của nước ta với các nước Đông Bắc Á và thế giới. So với trước đây, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Bắc đã cơ bản rút ngắn việc di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh Đông Bắc, tạo sự thuận tiện đi lại cho du khách, đây là một yếu tố thuận lợi để du khách ưu tiên lựa chọn hành trình khi khám phá vùng Đông Bắc.

THÚY HÀ; ảnh: BÌNH THUẬN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...