Mở cửa du lịch: Vẫn khó trăm bề
Đoàn khách đầu tiên đi tour Hà Nội- Bắc Giang do Hanoitourist tổ chức ngày 23.10
Vẫn mỗi nơi 1 kiểu
Nhiều tỉnh, thành phố hiện nay đã sẵn sàng mở cửa như: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Giang… nhưng việc mở cửa lại không phải dễ dàng.
Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: “Ngày 23.10, chúng tôi đã tổ chức đoàn khách đầu tiên từ Hà Nội đi Bắc Giang theo hình thức tour khép kín mới được xây dựng nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đến đêm 22.10 đoàn vẫn chỉ được phép bố trí hành khách ngồi giãn cách một ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép để phòng chống dịch. Vì thế, đoàn 17 người chúng tôi vẫn phải bố trí xe 45 chỗ. Rất may, hành trình của đoàn diễn ra suôn sẻ, khách được trải nghiệm những hoạt động tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng... trong tiết trời mùa thu tuyệt đẹp của miền Bắc”
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang Lưu Xuân San cho biết: “Bắc Giang rất vui khi được đón đoàn khách đầu tiên từ Hà Nội, thị trường khách hàng đầu cả nước và tỉnh đang nỗ lực để tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn, an toàn nhằm thu hút khách trở lại sau một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Bắc Giang hiện nay đã là “tỉnh xanh” và mở cửa hoàn toàn để đón du khách cả nước. Chỉ người từ vùng cấp độ 4 cần phải xét nghiệm còn lại khách từ những địa phương khác đến Bắc Giang đều rất thuận lợi”
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Chi hội Lữ hành TP.HCM, Tổng giám đốc Saco Travel cho biết, đơn vị vừa thực hiện các chuyến du lịch tri ân y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch của TP.HCM đi Tây Ninh. Mọi công tác chuẩn bị được làm từ trước, du khách và nhân viên công ty du lịch xác nhận lịch trình, phương tiện, khai báo y tế, thông tin tiêm vắc xin… và được cấp 1 mã QR. Đến Tây Ninh chỉ cần dùng mã QR này trong suốt hành trình. Rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian của khách và đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn đề nghị, các tỉnh nên hình thành đường dây nóng cung cấp cho công ty du lịch và du khách để khách biết được hỗ trợ bằng cách nào, test Covid ở đâu, hướng dẫn cụ thể khi xảy ra sự cố, đặc biệt là đoàn khách có biểu hiện hoặc nghi nhiễm Covid-19, cách ly 1 người hay cả đoàn, cách ly tại cơ sở lưu trú đã đăng ký hay cách ly tập trung… Và hướng dẫn cụ thể xử lý đối với đoàn khách đó như thế nào? Các địa phương cũng cần cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc Sở quản lý du lịch để công ty du lịch biết địa phương nào mở, mở như thế nào, cần đạt tiêu chí nào… chứ bây giờ vẫn rất mông lung, thiếu thông tin và lúng túng trong xử lý các tình huống cụ thể.
Đoàn khách du lịch từ TP.HCM trên cáp treo Núi Bà Đen, Tây Ninh
Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng được như Bắc Giang, Tây Ninh, Tổng giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM chia sẻ: “TP.HCM là thị trường du lịch lớn nhất nước và cũng là trung tâm trung chuyển khách hàng đầu Việt Nam. Việc liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố trên cả nước được đánh giá là rất khả quan trong thời điểm hiện nay để phục hồi du lịch, phát huy được tiềm năng, lợi thế về giá trị, tài nguyên du lịch của các địa phương và đặc biệt là sự an toàn của các điểm đến. Nhưng đó là ý muốn chủ quan của người làm du lịch, thực tế có làm được hay không, làm thế nào còn nhiều việc phải giải quyết. 1 chương trình tour đi qua 3-4 tỉnh mà tỉnh nào cũng test Covid và khai báo y tế, lịch trình di chuyển từ đầu thì chắc khách sẽ không đi”.
Để triển khai các tour khép kín, hiện nay các công ty du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên đều được tiêm đủ vắc xin, xét nghiệm định kỳ, tập huấn thuần thục quy trình phục vụ khách an toàn… Khách du lịch tham gia các chương trình khép kín cũng được khảo sát kỹ thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển, thông tin tiêm vắc xin, xét nghiệm… của trước ngày khởi hành. Một số công ty cũng tặng thêm gói bảo hiểm Covid-19 cho khách du lịch. Nguồn khách của nhiều công ty cũng đã sẵn sàng, nhiều điểm đến cũng thông báo mở cửa.
Không phải cứ nói mở là đón khách được
Đây là tình trạng của nhiều địa phương hiện nay. Tại Talkshow "Dìu nhau vượt khó - khởi đà du lịch" do Chi Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tổ chức chiều 23.10, đại diện nhiều Hiệp hội Du lịch địa phương và các công ty du lịch đã phản ánh tình trạng mỗi nơi 1 kiểu, không thừa nhận kết quả test Covid của nhau, dù là vùng xanh nhưng nhiều nơi vẫn chưa sẵn sàng mở cửa hoặc sẵn sàng rồi nhưng chưa thể đón khách vì nhân viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Ông Tưởng Hữu Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, Phó chủ tịch VCTC cho biết, hiện nay Lâm Đồng đã rất sẵn sàng đón khách nhưng độ phủ vắc xin ở tỉnh này vẫn thấp, nhiều nhân viên tại các công ty du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên có thể phải đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 các cơ sở này mới đón khách được.
TPHCM và Tây Ninh kết nối du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19
Chia sẻ tình hình thực tế từ các địa phương, cách thức tiếp cận thị trường, định hướng kết nối, khai thác thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình hiện nay, Phó chủ tịch phụ trách Ban sản phẩm của VCTC, Giám đốc Hieu Tour (Cần Thơ) Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng: “Cần có sự nghiên cứu, phân tích kỹ từng thị trường, đối tượng khách, nhu cầu của khách để xây dựng sản phẩm cho phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, hãng hàng không và đơn vị cung ứng dịch vụ khác cần hợp tác chặt chẽ hơn để đưa ra những gói sản phẩm an toàn, hấp dẫn, giá cả hợp lý, điều khoản linh hoạt, quy định rõ trong hợp đồng… để thu hút khách”
Từ thực tế của địa phương, ông Hiếu cho biết, hiện nay việc đi lại giữa các tỉnh, thành vẫn đang rất khó khăn nên việc mở cửa du lịch cũng chưa mấy thuận lợi. Bên cạnh đó, hiện nay rất thiếu hướng dẫn viên tiêm 2 mũi nên theo ông Hiếu cần phải đẩy mạnh quá trình tiêm vắc xin, xem xét việc phân bổ vắc xin cho các địa phương, ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân lực ngành Du lịch nếu không sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn hướng dẫn viên.
Ngày 24.10, trao đổi với Văn Hóa, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch VCTC, Tổng giám đốc Vân Hải Xanh Travel cho biết: “Sau Talkshow của chúng tôi ngày 23.10, quả thực còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể mở cửa trở lại. Không chỉ với các doanh nghiệp của VCTC mà các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cũng đang gặp khó khăn như chúng tôi”.
Ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh: “Hướng dẫn số 3862 của Bộ VHTTDL hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã tạo cơ sở thuận lợi cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch lên phương án khôi phục hoạt động. Với Hướng dẫn này, việc thực hiện được thực hiện đồng bộ trên toàn quốc chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp du lịch, các điểm đến khôi phục hoạt động nhanh hơn, tránh tình trạng cát cứ, mỗi nơi 1 kiểu và cũng để khẳng định, các địa phương có muốn mở cửa, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa hồi phục kinh tế du lịch thật hay không. Thực tế vẫn mỗi nơi 1 kiểu, mở cửa e dè và quy định rối rắm, không thừa nhận kết quả test vắc xin lẫn nhau”
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel nhìn nhận, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã kịp thời thể hiện sự linh hoạt, giúp tháo gỡ ách tắc phần nào để người dân dần trở lại với nhịp sống bình thường mới. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai trong thực tế lại khá miễn cưỡng và dè dặt. Mỗi Bộ ngành đã đưa ra hướng dẫn cụ thể, nhưng đến địa phương có nơi vẫn “bảo thủ” với tiêu chí của mình. “Trong khi đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và mang tính liên vùng rất cao, muốn du lịch phục hồi thì bản thân từng ngành liên quan như vận tải, lưu trú, dịch vụ nhà hàng, địa điểm tham quan, mua sắm… tại từng địa phương cũng phải được đồng bộ, nhất quán đi vào hoạt động. Vì nếu thiếu hụt dịch vụ cung ứng thì du lịch khó có thể phục hồi. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán này một cách triệt để”, bà Khanh nhấn mạnh.
Theo bà Khanh, để đảm bảo Nghị quyết 128 nói chung và các Hướng dẫn tạm thời của các Bộ ngành nói riêng được thực thi thống nhất, xuyên suốt, kết nối từ Trung ương tới địa phương thì cần có một kế hoạch tổng thể. Việc mở cửa quan trọng nhất vẫn là an toàn, tỉ lệ tiêm vắc xin cao, tạo miễn dịch cộng đồng sớm. Vì thế, cần có kế hoạch bảo đảm vắc xin, ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân lực trong ngành Du lịch”
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Vina Group nhấn mạnh, cần thống nhất và công bố bản đồ số về cấp độ dịch hàng ngày của các địa phương để các doanh nghiệp có cơ sở xây dựng sản phẩm, quy mô tour được thuận lợi hơn. Ông Vũ lấy ví dụ, doanh nghiệp muốn xây dựng tour đưa du khách đến các điểm du lịch ở tỉnh Cà Mau, nhưng khi đến địa phận tỉnh Bạc Liêu bị đòi hỏi “giấy phép con” này kia thì doanh nghiệp rất khó tạo ra sản phẩm du lịch. Theo đó, cần sớm giải bài toán thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương để dần đưa hoạt động du lịch trở lại và thích ứng với tình hình mới.
NGUYỄN ANH- HOÀNG HẢI, ảnh: TẤN NGỌC