Mở cửa một cách thống nhất, bền vững để phục hồi du lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo du lịch 2021
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để không bị lỡ nhịp.
Báo cáo kết quả Phiên chuyên đề diễn ra sáng cùng ngày, Chuyên gia cao cấp Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết: “Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đại diện chính cơ sở đào tạo du lịch... thảo luận về các vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch. Đa số các đại biểu đều cho rằng, phục hồi kinh tế không thể không phục hồi du lịch và cần dũng cảm mở cửa đất nước, mở cửa kinh tế, mở cửa du lịch. Tất nhiên, phải tăng cường tiêm chủng ngừa vắc xin và áp dụng các biện pháp an toàn chống dịch tạo điểm đến an toàn. Nếu tiêm chủng rồi mà không mở thì sẽ chậm so với các nước. Chậm hơn các nước, ví dụ như Thái Lan là thua”
“Đồng thời, số hóa để hạn chế tiếp xúc, phát triển du lịch không chạm, đơn giản tối đa để mở cửa du lịch, tích hợp các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, cần có những chính sách tài khóa, tiền tệ, giải pháp thể chế và số hóa để hỗ trợ du lịch tồn tại, phát triển. Tính toán việc định hướng dài hạn và đầu tư thỏa đáng hơn nữa để phát triển du lịch”, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất.
Hội thảo có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và hơn 200 nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và các đại biểu nói nhiều đến việc mở cửa nhưng dù có mở thế nào đi chăng nữa mà không an toàn thì không ai đến. Ngay cả trong nước không an toàn thì du lịch nội địa cũng không phát triển được. “Vì thế, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch. Theo tôi, không nên quá nóng vội. Chúng ta mở cửa cho Phú Quốc, làm thật chắc chắn, kiểm soát thật tốt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. Trong thời gian đó, làm tốt công tác chuẩn bị, tự đổi mới mình, sẵn sàng cho tới khi an toàn thì tốt hơn là vội. Mở ra và đóng vào nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.
Ông nhấn mạnh việc cần thiết bây giờ là phải tổ chức tiêm vắc xin mũi 3 một cách nhanh nhất, gọn nhất. Bên cạnh đó, cần triển khai thuốc điều trị. Khách đến có thể bị lây nhiễm, nếu có thuốc, họ sẽ yên tâm hơn nên phải sẵn thuốc để điều trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận Hội thảo
Hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển”, Phó Thủ tướng cho biết: Du lịch là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. “Tôi cảm ơn tất cả các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, kể cả những gia đình làm du lịch cũng như những ngành phục vụ du lịch trong thời gian vừa qua đã vượt qua những khó khăn để vượt qua đại dịch. Mặc dù khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đồng hành với cả nước trong công cuộc phòng, chống dịch.
Để hồi phục và phát triển du lịch, lâu nay chúng ta đã chú trọng đến vấn đề vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến du lịch, visa, môi trường du lịch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, số hóa... và đã triển khai. Đặc biệt, ngay trong đại dịch, nhiều địa phương đã tổ chức liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành, liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng nhau tranh thủ những khoảng thời gian bình lặng giữa các đợt dịch để thúc đẩy.
Đại biểu tham dự Hội thảo du lịch 2021 tham quan các gian trưng bày du lịch
Phó Thủ tướng lưu ý đến hai vấn đề, đó là chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp lớn, gần 10 năm trở lại đây có sứ mệnh dẫn dắt rất tốt, có nhiều sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam luôn luôn hấp dẫn du khách quốc tế ở du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Vì thế, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch này bổ trợ cho sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch lớn, tạo sinh kế cho người dân và giúp họ tiếp cận các nền văn minh khác. Khách du lịch đến sẽ có sự trao đổi qua lại, giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới, đồng thời đem thế giới vào tận vùng sâu, vùng xa.
Để làm được điều này cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các thành phần cũng như sự vào cuộc của chính quyền, địa phương. Làm du lịch cộng đồng cần sự đầu tư, hướng dẫn, kết nối giữa các cộng đồng du lịch.
Việc số hóa, đặc biệt là số hóa nguồn tài nguyên về du lịch, nguồn tài nguyên về văn hóa cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa để tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo du lịch 2021
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ban tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.
Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022- 2023.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022- 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo du lịch 2021
Đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, sớm hoàn thiện và tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022- 2026, phù hợp với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022- 2023.
Đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch vào Chiến lược chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tới năm 2025, định hướng tới 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
THÚY HÀ, ảnh: TRẦN HUẤN