A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019: Việt Nam vẫn thua xa các nước top đầu trong khu vực

VHO- “Để thể hiện vai trò của Bộ VHTTDL là đầu mối chủ trì, điều phối, theo dõi các hoạt động nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh về du lịch, Tổng cục Du lịch phải có phân tích, đánh giá sâu, so sánh với các nước trong khu vực, chỉ rõ nguyên nhân về những chỉ số mà Việt Nam còn bị xếp hạng thấp và đưa ra giải pháp để cải thiện vị trí ở lần xếp hạng sau”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chỉ đạo.

Chỉ đạo trên được Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh tại cuộc họp hôm nay 12.11 tại Hà Nội với Tổng cục Du lịch về Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố. Báo cáo xếp hạng 2 năm 1 lần, năm nay, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 67/136 lên 63/140.

Dựa trên các số liệu về kết quả hoạt động năm 2017- 2018, báo cáo đánh giá, xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số (thang điểm từ 1-7) với 90 chỉ số thành phần theo 4 yếu tố chung cấu thành năng lực cạnh tranh du lịch: môi trường hoạt động, chính sách và điều kiện phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng và tài nguyên văn hoá và tự nhiên.

Mặc dù tụt hạng nhưng Singapore vẫn bỏ xa Việt Nam, đứng ở vị trí 17 (giảm 4 bậc so với năm 2017), Malaysia đứng ở vị trí thứ 29 (tụt 3 bậc), Thái Lan đứng ở vị trí 31  và Indonesia đứng ở vị trí 40.

Chỉ số được đánh giá tốt nhất của Việt Nam là sức cạnh tranh về giá (vị trí thứ 22/140) nhưng cùng chỉ số này, Brunei xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 5 và Indonesia xếp thứ 6.

Chỉ số tài nguyên văn hoá và dịch vụ công Việt Nam xếp thứ 29/140, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia (vị trí 24).

Chỉ số được cho là cải thiện khá nhiều là Mức độ mở cửa quốc tế (tăng 15 bậc), xếp thứ 58/140 nhưng vẫn không là gì so với khu vực khi Singapore xếp thứ 3, Malaysia xếp thứ 10 và Indonesia xếp thứ 16.

Hạ tầng hàng không tăng 11 bậc lên hạng 50/140 với việc gia tăng các hãng hàng không, các chuyến bay và số km vận chuyển nội địa và quốc tế, phản ánh tình hình sôi động của thị trường hàng không Việt Nam nhưng vẫn thua Singapore (vị trí 7), Thái Lan (22), Malaysia (25), Indonesia (38).

Các nhóm chỉ số của Việt Nam được đánh giá rất thấp là mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch (vị trí 100/140), hạ tầng dịch vụ du lịch (106/140), sự bền vững về môi trường (121/140). Trong đó, Chỉ số hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam có điểm số thấp nhất (2,8 điểm) trong 14 nhóm chỉ số và xếp hạng thấp nhất trong Đông Nam Á.

Có những việc có thể làm ngay để cải thiện xếp hạng, khắc phục điểm yếu, nâng cao khả năng cạnh tranh, cần phải có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương như: Chỉ số sự chặt chẽ, nghiêm ngặt của các quy định về môi trường (vị trí 126); hiệu lực, hiệu quả của các quy định về môi trường (114); tính bền vững trong phát triển du lịch (114); mức độ tập trung các hạt bụi đường kính (124); xử lý nước thải (115); thay đổi về mức độ che phủ rừng (113); chất lượng đường bộ (109); chất lượng hạ tầng hàng không (99); chỉ tiêu của Chính phủ cho ngành Du lịch (118); mức độ toàn diện của thông tin về du lịch hằng năm (112); chiến lược thương hiệu quốc gia (101)….

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng yêu cầu: “Tổng cục Du lịch chủ động hơn, tham mưu cho Bộ VHTTDL thực hiện tốt vai trò điều phối, đầu mối theo dõi các hoạt động, diễn biến, xu thế nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch trong bảng xếp hạng của WEF. Từ đó đưa ra những giải pháp, chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể: phải làm gì, ai làm, làm như thế nào… để khuyến cáo tới các Bộ, ngành liên quan, định hướng cho các địa phương, có kế hoạch trọng tâm, cải thiện vị trí ở từng nhóm chỉ số trong lần xếp hạng sau. Đồng thời, các cơ quan liên quan trong Bộ cũng cần phải nỗ lực, "gây sức ép" cho chính mình để khắc phục những hạn chế, cải thiện những vị trí bị xếp hạng thấp như cải thiện hiệu quả của marketing và phát triển thương hiệu thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động, truyền thông để thúc đẩy hoạt động du lịch và đầu tư; phát huy thế mạnh nổi trội về tài nguyên văn hoá và tài nguyên tự nhiên, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững”.

THUÝ HÀ; ảnh: MINH KHÁNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...