A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ phá vỡ thị trường lao động du lịch

VHO- Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động đa chiều lên tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch của Việt Nam và thế giới, đặc biệt là việc thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động du lịch.

Du lịch phát triển khiến nhu cầu về nguồn lao động du lịch chất lượng cao tăng mạnh

Nhận định này được TS Nguyễn Văn Lưu (nguyên phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL) đưa ra tại Hội thảo Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức tại Hà Nội, ngày 20.8.

Mặc dù hoạt động du lịch rất khó cơ giới hóa và tự động hóa nhưng 5 công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ thay thế dần lao động sống, nhất là lao động thủ công trong toàn bộ dây chuyền của hoạt động du lịch, máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động năng lực thấp ngày càng giảm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động du lịch Việt Nam- một trong các quốc gia phát triển, sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng thất nghiệp.

CMCN 4.0 có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động du lịch. Khi tự động hóa thay thế con người trong hoạt động du lịch, lao động du lịch sẽ dư thừa và làm trầm trọng khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và sức lao động. Tuy nhiên, công việc an toàn và thu nhập du lịch cao hơn có thể gia tăng khi công nghệ thay thế dần con người.

Trong tương lai gần, nguồn nhân lực du lịch, chứ không phải nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố cốt lõi, quyết định của nền kinh tế du lịch. Điều đó tạo nên sự gia tăng trong thị trường việc làm du lịch và thị trường lao động du lịch phân hóa thành 2 nhóm: Nhóm năng lực thấp thì lương thấp và nhóm năng lực cao thì lương cao. Viễn cảnh này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong thị trường lao động du lịch và xã hội.

Lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của Du lịch Việt Nam

Lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt CMCN 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động du lịch trình độ thấp mà ngay cả lao động du lịch có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới- kỹ năng sáng tạo cho du lịch.

Từ trước tới nay, Du lịch Việt Nam hoạt động vẫn dựa vào việc sử dụng lao động du lịch giá rẻ và khai thác tài nguyên du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa có sẵn. Năng lực thực hiện của nguồn nhân lực du lịch nói chung và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nói riêng chưa cao. Và đây chính là thác thức lớn nhất khi Du lịch, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn phải đối diện với cuộc cách mạng này. Phải thẳng thắn thừa nhận, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Các điểm yếu này bộc lộ rất rõ đối với lực lượng nhân lực chất lượng cao trong cuộc CMCN 4.0.

Theo Tổng cục Du lịch, cả nước hiện nay có trên 1,3 triệu lao động du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp), chiếm 2,5% tổng lao động cả nước, trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo ngành nghề khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được đào tạo tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao thì vừa thiếu, vừa yếu còn số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại rất lớn.

Một trong những điểm yếu của lao động du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Philippines… là sử dụng ngoại ngữ kém hơn. Chỉ có 60% lao động du lịch biết sử dụng ngoại ngữ, trong đó chủ yếu tiếng Anh (42%), còn lại tiếng Trung (5%), tiếng Pháp (4%) và một vài ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, số lao động du lịch có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 15%), chủ yếu là bộ phận hướng dẫn viên và lễ tân khách sạn. Cũng có khoảng 60% lao động du lịch biết sử dụng máy tính phục vụ công việc nhưng chủ yếu chỉ đáp ứng các công việc đơn giản.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đến năm 2025 nhu cầu nhân lực du lịch là 4.590.000 người (trực tiếp 1.530.000 người) và năm 2030 là 7.020.000 người (trực tiếp 2.340.000 người). Có thể thấy, số lao động du lịch hiện có so với số lao động cần trong tương lai có khoảng cách khá lớn. Nếu không chú trọng đào tạo, việc thiếu nguồn nhân lực lao động du lịch sẽ càng ngày càng trầm trọng.

Du lịch thực tế ảo, du lịch thông minh phát triển mạnh trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Nguyễn Văn Lưu cũng cho rằng, định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa cụ thể, còn manh mún và thiếu đồng bộ. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, mang tính dài hạn cho phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, của Hiệp hội nghề nghiệp du lịch, các viên nghiên cứu phát triển du lịch và liên quan đến du lịch, doanh nghiệp du lịch… cũng hạn chế.

Cơ cấu giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch theo ngành, nghề, trình độ, vùng miền, độ tuổi, giới tính chưa được quy hoạch lâu dài. Các cơ sở đào tạo về du lịch không đủ thông tin về cung- cầu trên thị trường lao động du lịch nên không khỏi mò mẫm trong xây dựng chương trình cụ thể cho ngành, nghề, xác định chỉ tiêu và trình độ đào tạo hằng năm sát với thực tế.

Hiện tượng “chảy máu chất xám”, mất nhân tài du lịch, “nhảy việc” xảy ra ngày càng nhiều vì việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực du lịch chưa theo nguyên tắc đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, đãi ngộ người tài…

Vì thế, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn diện và tác động sâu sắc của cuộc CMCN 4.0. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức về CMCN 4.0; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực; đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế về phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trước tiên là áp dụng tiêu chuẩn lỹ năng nghề du lịch trong đào tạo theo tiêu chuẩn ASEAN và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; tăng cường hợp tác công- tư; đẩy mạnh liên kết Nhà nước- Nhà trường- Doanh nghiệp du lịch trong phát triển nguồn nhân lực; số hóa quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch….

THÚY HÀ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...