Nhà hàng nổi tự phát ở Hòn Khô vẫn "vô tư" hoạt động
Bất chấp lệnh cấm, các nhà hàng nổi tự phát tại Hòn Khô vẫn vô tư, thản nhiên hoạt động
Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm du lịch Hòn Khô vào những ngày này, rất đông du khách đến đây tham gia các hoạt động tắm biển, đi ca nô nước, lặn ngắm san hô, ăn uống tại các nhà hàng bè nổi. Tại bè đưa khách lặn ngắm san hô (bè trung chuyển du khách trước khi xuống biển lặn ngắm san hô) của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, ghi nhận bè có diện tích khoảng 70m2 nhưng trên bè có hơn 100 du khách chuẩn bị lặn ngắm san hô. Hầu hết du khách đều không mặc áo phao. Vị trí của bè nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô phía tây đảo Hòn Khô Nhỏ (12 ha) được TP Quy Nhơn giao quyền quản lý cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải.
“Vô tư” hoạt động
Cạnh bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải còn có hai bè đưa khách lặn ngắm san hô khác đang thực hiện việc đón khách để chuẩn bị cho các hoạt động lặn ngắm san hô. Diện tích mỗi bè này từ 50-70m2. Một số du khách đang có mặt trên bè không mặc áo phao. Cả hai bè này cũng nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ rạn san hô.
Nhiều du khách bơi lặn trực tiếp để ngắm san hô, một số ca nô nước tự do di chuyển trong khu vực này. “Khi lên bè lặn ngắm san hô tại đây, họ thấy nhiều người không mặc áo phao nên cũng không mặc và nhân viên cũng không bắt buộc phải mặc áo phao. Hơn nữa, số lượng áo phao cũng không đủ cho tất cả người trên bè, những du khách trực tiếp xuống biển lặn ngắm san hô mới được trang bị mặc áo phao đầy đủ”, một số du khách cho cho biết.
Tại khu vực đảo Hòn Khô Lớn có một dãy nhà hàng bè nổi nằm cạnh nhau. Mỗi bè có diện tích khoảng 200m2. Đây là nơi du khách nghỉ ngơi, ăn uống hải sản và tắm nước ngọt. Trên các nhà hàng bè nổi này, nhân viên nấu nướng, chế biến thức ăn tại chỗ để phục vụ du khách. Một số cây cầu tạm bằng gỗ được xây dựng để du khách đi lại. Nhiều dây neo được thả xuống biển để giữ bè không bị trôi. Đặc biệt, một nhà hàng bè nổi tại đây còn sử dụng máy bơm để hút cát biển dưới chân bè đổ lên đảo. “Đã làm nhà hàng bè nổi từ 6-7 năm nay, đến mùa du lịch mỗi ngày có khoảng 200 - 300 du khách đến ăn uống, nghỉ ngơi trên bè. Chủ nhà hàng bè nổi cũng đã cam kết với chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách, không xâm hại rạn san hô”, chủ nhà hàng nổi C.T cho hay.
Ngoài ra, phóng viên còn ghi nhận xung quanh khu vực đảo Hòn Khô Lớn, có trên 10 bè nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Các bè này cách đảo khoảng 50m và đang được thả nuôi tôm giống.
Ai sẽ chịu trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải (thuộc Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải) cho biết, khi TP Quy Nhơn giao cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích 12 ha mặt nước có nhiều rạn san hô tại khu vực phía Tây đảo Hòn Khô Nhỏ, Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhận nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô tại đây kết hợp với việc đưa khách lặn ngắm san hô.
“Đối với bè đưa khách lặn ngắm san hô của Tổ bảo vệ rạn san hô xã Nhơn Hải mà phóng viên ghi nhận vào sáng ngày 22.7, bè có sức chứa tối đa 150 khách, trên bè có đầy đủ áo phao, có bảng nội quy quy định du khách phải mặc áo phao và luôn có nhân viên để nhắc nhở du khách mặc áo phao đảm bảo. Qua hình ảnh phóng viên cung cấp, Tổ sẽ chấn chỉnh tình trạng du khách không mặc áo phao”, ông Sáng trình bày. Ông Sáng cũng giải thích, đối với hai bè đưa khách lặn ngắm san hô của hai hộ dân gần Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, đây là những bè hoạt động tự phát, không đảm bảo an toàn, không có đủ nhân viên hướng dẫn, cứu hộ, thiếu ao phao trang bị cho du khách. Do vậy, Tổ đã lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ thường xuyên bị hai hộ dân này đe dọa.
Được biết, hiện có 8 nhà hàng nổi (thường gọi bè du lịch) đang hoạt động kinh doanh tại điểm du lịch Hòn Khô. Đó là các nhà hàng: Kim Ngân, Hòn Khô, 5 Tùng, Biển Chiều, Cát Trắng, A Tư… Qua tìm hiểu, tất cả các nhà hàng nổi hoạt động kinh doanh nơi đây đều mang tính tự phát. Việc đăng ký, đăng kiểm chưa được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định đối với nhà hàng nổi trên biển và địa phương đang gặp khó trong công tác quản lý đối với các nhà hàng nổi. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải thừa nhận: “Đúng là vào năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo và các ngành chức năng TP Quy Nhơn yêu cầu cần chấm dứt các hoạt động kinh doanh của nhà hàng nổi tự phát tại điểm du lịch Hòn Khô nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái biển. Tuy nhiên, các nhà hàng bè nổi đem lại nguồn sinh kế cho người dân và hình thành trước khi tỉnh có văn bản cấm nên địa phương rất khó xử lý. Để tạo điều kiện cho người dân, xã đã lập biên cam kết với các hộ kinh doanh cho các nhà hàng nổi tự phát hoạt động trở lại và cần tuân thủ các quy định về giữ vệ sinh môi trường, an toàn tính mạng đối với du khách”.
Vậy nếu có xảy ra tai nạn, làm ảnh hưởng đến tính mạng của du khách từ hoạt động tự phát của nhà hàng nổi, ai sẽ chịu trách nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay: “Chắc chắn hộ kinh doanh nhà hàng nổi tự phát sẽ chịu trách nhiệm chính, còn chính quyền xã cũng liên đới trách nhiệm vì đã cho phép hoạt động”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Qua phản ánh và cung cấp hình ảnh của cơ quan báo chí về các nhà hàng nổi tự phát ở Hòn Khô, Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc kinh doanh, hoạt động du lịch của những nhà hàng nổi này”. Theo ông Thanh, vừa qua Sở cũng đã thành lập đoàn để thanh tra hoạt động du lịch tại xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Do hiện nay có một số cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú hoạt động tự phát dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, không đảm bảo các quy định về giá cả, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.
PHAN HIẾU