Những giải pháp cấp bách để người dân yên tâm du lịch
Cần có ngay các giải pháp để du lịch hoạt động trở lại và người dân an tâm đi du lịch
Phát triển du lịch nội địa làm cơ sở duy trì ngành Du lịch
Các chuyên gia nhận định, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch trong nước sẽ tăng lên khá nhanh khi thu nhập bình quân đầu người vượt qua mốc 3.000 USD… Điều này sẽ dẫn đến người dân chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí. Ngoài ra, ngành Du lịch có tiềm năng thu hút 10 triệu người Việt Nam có xu hướng đi du lịch nước ngoài trước dịch Covid-19. Nhiều người Việt Nam sẽ ngần ngại đi du lịch nước ngoài vì lo ngại liên quan đến đại dịch và những lo ngại này có thể vẫn sẽ kéo dài trong thời gian sau đại dịch.
Một trong những điều kiện để phát triển du lịch trở lại là đảm bảo miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19. Vì thế cần ưu tiên tiêm chủng cho cộng đồng địa phương đón khách du lịch.
Đề xuất phát triển du lịch an toàn cho khách du lịch nội địa trong bối cảnh Covid-19, các chuyên gia cho rằng có những công việc cần ưu tiên thực hiện ngay; có việc thực hiện trong kế hoạch ngắn hạn và cả kế hoạch dài hạn. Trong đó, vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cụ thể là Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch rất quan trọng.
Trong thời gian vừa qua việc bùng phát dịch Covid-19 rất phức tạp, khó lường và diễn biến nhanh, điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần áp dụng các phương thức nhanh chóng hơn (như trực tuyến) trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp du lịch thực hiện hoạt động du lịch an toàn và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong du lịch.
Thực hiện các chiến dịch truyền thông có định hướng nhằm nâng cao nhận thức cho khách du lịch để họ có thêm sự tự tin và hứng thú khi đi du lịch. Truyền thông có định hướng cần thực hiện theo một chuỗi hoạt động theo kịch bản, nhờ vào những người có ảnh hưởng (KOL), có định hướng chứ không chỉ trấn an du khách.
Thị trường nội địa vẫn là cứu cánh cho ngành Du lịch khi du lịch quốc tế còn hạn chế và dịch bệnh vẫn tiếp diễn
Cập nhật và công bố rộng rãi số liệu thống kê du lịch vì hiện nay, có nhu cầu rất lớn về tìm kiếm số liệu thống kê du lịch. Đặc biệt, dữ liệu về du lịch nội địa rất khó khăn và thiếu cập nhật. Vì vậy các doanh nghiệp thường chỉ dựa trên các cuộc khảo sát nhanh với số lượng mẫu nhỏ, chưa khái quát được hết khả năng phân tích thị trường để có thể xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch và chiến lược kinh doanh phù hợp. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tổ chức thực hiện khảo sát thống kê du lịch và công bố kết quả rộng rãi trên trang web chính thức cho các bên có liên quan tham khảo.
Theo nhóm chuyên gia, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22.1.2020 khi chưa xuất hiện dịch Covid-19. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần cập nhật hoặc điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam bền vững cho giai đoạn trước mắt và lâu dài. Trong đó, cần lưu ý và phân tích tác động và hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như những khủng hoảng tiềm tàng khác và đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển bền vững cho Du lịch Việt Nam. Đồng thời điều chỉnh chiến lược phát triển nguồn nhân sự, chiến lược marketing, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch… phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.
Bên cạnh đó, cần cải thiện các văn bản pháp lý trong luật đầu tư có liên quan đến du lịch. Ví dụ như luật và cấp phép sở hữu căn hộ khách sạn condotel không được thực hiện đồng nhất ở tất cả các tỉnh. Một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này có thể giúp giải phóng một lượng lớn các nguồn lực tư nhân đang bị ràng buộc trong các khoản đầu tư đang chờ xử lý và có thể mở ra cánh cửa cho các khoản đầu tư khổng lồ khác. Chính phủ nên can thiệp để có một chính sách nhất quán trong việc xác nhận sở hữu cá nhân các sản phẩm căn hộ khách sạn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng.
Công bố các tiêu chí du lịch an toàn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia đăng ký cấp chứng nhận du lịch an toàn cho doanh nghiệp du lịch
Cần ban hành các quy định, tiêu chí, cẩm nang du lịch an toàn
Nhóm chuyên gia đề xuất Tổng cục Du lịch xây dựng một nền tảng trực tuyến chung như chuyên trang Covid-19 trên trang www.vietnamtourism.gov.vn , trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để phổ biến rộng rãi cho các bên liên quan chính, bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Trong đó có các văn bản: Quy định về du lịch an toàn (là các quy định để xác định 3 mức độ an toàn của một điểm đến du lịch. Các doanh nghiệp du lịch có thể dựa trên quy định này và Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp du lịch để xử lý hợp lý các chi phí phát sinh giữa các doanh nghiệp do bùng phát dịch.
Công bố các tiêu chí du lịch an toàn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia đăng ký cấp chứng nhận du lịch an toàn cho doanh nghiệp du lịch cùng với tỉ lệ trên 80% nhân viên tiêm vắc xin. Chứng nhận là một văn bản có kèm theo mã QR và đường dẫn truy cập nhanh để có thể công bố, giới thiệu cho khách du lịch và cơ quan quản lý nhà nước quản lý trực tuyến.
Cẩm nang du lịch an toàn để các bên liên quan tham khảo, trong đó nêu những kinh nghiệm tốt trong nước và thế giới để các khách sạn, hãng hàng không, sân bay, các ga tàu hỏa và bến xe áp dụng nhằm bảo vệ nhân viên, du khách và cộng đồng khi dịch bệnh bùng phát. Giới thiệu điển hình doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động hiệu quả trong bối cảnh Covid-19.
Cần có khảo sát nghiên cứu hành tiêu dùng của du khách, đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch an toàn
Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn cần được bổ sung tính năng. Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn hiện nay đang có tích hợp bản đồ du lịch, hỏi đáp dành cho khách du lịch và các tiện ích khác. Để ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đối tác khác nhau, các tiện ích nên được chia 2 nhánh: Nhánh 1 dành cho khách du lịch và Nhánh 2 dành cho cơ quan quản lý nhà nước du lịch, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Các chuyên gia cũng đề xuất bổ sung thêm “Bản đồ số du lịch an toàn”.
Triển khai chứng nhận Thẻ thông hành an toàn (hay còn gọi là Chứng nhận kỹ thuật số vắc xin hoặc hộ chiếu vắc xin). Ứng dụng này cùng với chiến dịch tiêm chủng hiện nay có thể làm tăng sự tin tưởng của người dân vào sự an toàn dịch bệnh, nhu cầu đi lại và du lịch sẽ sớm trở lại.
Tiêm phòng vắc xin Covid-19, kiểm soát an toàn dịch bệnh và hợp nhất các ứng dụng khai báo y tế. Hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại khá nhiều ứng dụng khai báo y tế. Bộ VHTTDL cần kiến nghị việc hợp nhất và thống nhất sử dụng một ứng dụng duy nhất để khai báo y tế, đồng thời tích hợp trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (hiện nay đã có trên ứng dụng này) để thuận tiện cho người dân và khách du lịch khai báo y tế khi đi du lịch.
Tiêm phòng cho người lao động trong ngành Du lịch cũng là giải pháp cần làm ngay để người lao động yên tâm phục vụ trong các doanh nghiệp du lịch. Ngược lại doanh nghiệp có trên 80% người lao động được tiêm chủng và đáp ứng các quy định an toàn dịch bệnh đối với doanh nghiệp thì sẽ được cấp chứng nhận doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn và sẽ được khách du lịch ưu tiên lựa chọn.
Theo các chuyên gia, các hỗ trợ cho ngành Du lịch cần thực hiện ngay là gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động; chính sách về tín dụng, tài khóa; xử lý khủng hoảng khi bùng phát dịch; xây dựng niềm tin, sự yên tâm cho doanh nghiệp và khách du lịch; quan hệ công chúng và truyền thông... Chính quyền địa phương cần có những kênh khác nhau để tiếp nhận ý kiến của khách du lịch, cũng như của doanh nghiệp du lịch như số điện thoại đường dây nóng, mạng xã hội (Zalo, Facebook)…
Về lâu dài nên thúc đẩy chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cải thiện quản lý điểm đến; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến
Doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch giữ chân đội ngũ nhân lực nòng cốt để tạo nguồn đào tạo lại cho các nhân viên mới khi doanh nghiệp phục hồi kinh doanh du lịch; xem xét việc áp dụng chương trình duy trì mức lương phù hợp. Trong trường hợp doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, có thể hỗ trợ lực lượng lao động tìm kiếm công việc tạm thời trong các lĩnh vực kinh doanh khác như bán hàng tại siêu thị, chuyển phát thư, chăm sóc sức khỏe… Phát triển kỹ năng làm việc nhóm và an toàn cho đội ngũ nhân viên.
Về sản phẩm du lịch cần có khảo sát nghiên cứu hành tiêu dùng của du khách, đánh giá, điều chỉnh và xây dựng sản phẩm, xây dựng sản phẩm du lịch an toàn và sản phẩm du lịch ngách.
Trong ngắn hạn, tổ chức các chuyến khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, Khuyến khích du lịch xanh, du lịch an toàn, điều tiết hoạt động du lịch của điểm đến theo không gian và thời gian, tổ chức sự kiện phù hợp với tình hình bình thường mới; xây dựng và triển khai chiến lược quảng bá xúc tiến điểm đến, chú trọng và đẩy mạnh tiếp thị kỹ thuật số, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn, có lộ trình, rà soát và cập nhật quy định, chính sách...
Về lâu dài, cần thúc đẩy thực hiện: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; cải thiện quản lý điểm đến; đầu tư và sáng tạo nội dung; giữ gìn hình ảnh, chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến...
QUẢNG HÀ, ảnh MINH THUẦN, BÌNH THUẬN