Ninh Thuận: Không tổ chức lễ hội Katê vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp
Tháp Po Klong Garai nơi diễn ra lễ hội Katê hằng năm
Theo đó, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu: Không tổ chức tất cả các hoạt động lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tại các đền, tháp Chăm, các cơ sở thờ tự, các tộc, họ và nơi công cộng trong thời gian lễ hội Katê năm 2021. Tại mỗi gia đình, chỉ thực hiện nghi lễ Katê trong phạm vi gia đình; không tập trung đông người; không tổ chức tiệc và mời khách tham dự, kể cả người thân trong gia đình từ nơi khác đến.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao, Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở VHTTDL thực hiện công tác truyên truyền, vận động Hội đồng Chức sắc Chăm Bà-la-môn, Ban Phong tục các đền, tháp Chăm trong việc triển khai, tuyên truyền đến các vị chức sắc, chức việc và bà con tín đồ không tổ chức lễ hội Katê năm 2021, chỉ thực hiện nghi lễ Katê trong phạm vi gia đình và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19; các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại các tộc, họ, nơi công cộng, khu dân cư và hộ gia đình và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra phát sinh dịch bệnh trên địa bàn quản lý do thiếu kiểm tra, giám sát hoặc kiểm tra, giám sát, quản lý không chặt chẽ…
Lễ hội Katê là một sự kiện văn hóa lớn của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn nói riêng và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận và cả nước nói chung. Điểm nhấn của lễ hội Katê là lễ cúng thần Cha Ngap padhi phuel bilan Katê và thần Mẹ Cambun. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở tháp Po Klong Grai.
Vào dịp lễ hội có đông đảo người dân vui hội Katê tại Ninh Thuận
Từ xa xưa, Katê là một trong những lễ hội quan trọng và mang đậm tính dân gian lớn nhất của người Chăm. Sau thế kỷ XIII, một bộ phận người Chăm tiếp nhận Hồi giáo (sau này thành đạo Bàni) nên tổ chức Lễ hội Ramưwan theo quy định của tôn giáo. Quá trình bản địa hóa các yếu tố văn hóa tôn giáo, hình thành nên hệ thống lễ hội, trong đó có lễ hội Katê mang đậm tính dân gian. Lễ hội Katê diễn ra hằng năm, cũng thu hút rất đông đảo người dân và du khách trong nước và quốc tế tới trải nghiệm, tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo trong lễ hội.
XUÂN HƯỚNG