Phát huy tối đa tiềm năng du lịch TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long
Báo cáo của Hội đồng liên kết vùng cho biết, 6 tháng qua, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả nhiều chương trình thảo thuận liên kết phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đã hình thành Hội đồng liên kết hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch mới và thực hiện quảng bá đến các thị trường trọng điểm trong nước, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch gắn với phát triển thế mạnh lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương trong vùng.
Đến nay, các đơn vị liên quan đã xây dựng được ba tuyến du lịch mới gồm, tuyến Những nẻo đường phù sa kết nối TP. HCM – Long An – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Bạc Liêu – Cà Mau; tuyến du lịch Non nước hữu tình kết nối TP. HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; tuyến Sắc màu vùng biên kết nối TP. HCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang. Từ các tuyến du lịch chính này, các chương trình du lịch liên kết đã hình thành và khai thác hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch tham quan các điểm đến tại các địa phương như: Tour TP.HCM – Mỹ Tho – Cái Bè - Cần Thơ (2 ngày), tour TP. HCM - Mỹ Tho – Bến Tre – Trà Vinh (2 ngày), tour TP. HCM – Long An – Đồng Tháp (2 ngày), tour TP.HCM – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang (4 ngày), tour TP. HCM – Cần Thơ – Kiên Giang (4 ngày), tour TP. HCM – Vĩnh Long – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau (6 ngày). Thống kê của 5 doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết, trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đã có trên 50.000 lượt du khách đăng ký mua tour đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng. Cùng thời điểm này, du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt 12,9 triệu lượt, tăng khoản 14% so với 2 tháng cùng kỳ.
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang dần khởi sắc sau dịch Covid-19
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kích cầu ưu đãi về giá, nâng chất lượng sản phẩm, tăng chất dịch vụ… thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp du lịch – dịch vụ trong vùng. Đồng thời xây dựng nhiều chính sách kích cầu, giảm giá dịch vụ, các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách du lịch. Riêng các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng 52 chương trình kích cầu du lịch đi đến các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian tới, các địa phương tập trung xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung để quảng bá, giới thiệu du lịch của 14 tỉnh, thành phố; khảo sát tuyến du lịch mới, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, xúc tiến mời gọi đầu tư vào du lịch các địa phương. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, liên kết hợp tác trong phát triển vùng là xu thế tất yếu và cần thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. TP.HCM luôn xác định là đối tác phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua liên kết phát triển du lịch giữa TP. HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, thương hiệu du lịch của các địa phương trong thời gian tới sẽ được du khách yêu thích hơn và là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á. Ông Phong đề nghị các địa phương cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa 6 tháng cuối năm sôi động trở lại, thậm chí sôi động hơn cả giai đoạn trước khi có dịch bệnh, tạo động lực cho mọi người dân muốn ra khỏi nhà, đi du lịch khám phá và trải nghiệm.
Để đạt mục tiêu trên, ông Phong lưu ý từ nay đến cuối năm, cần triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới để phục hồi thị trường, khơi dậy nhu cầu đi du lịch của người dân trong nước. Xây dựng và truyền thông thương hiệu du lịch cùa vùng, chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, lên kế hoạch quảng bá du lịch tại những quốc gia và vùng lãnh thổ đã có sự kiểm soát tốt dịch Covid-19, làm cho du khách biết TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long là vùng du lịch an toàn và đầy sống động. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, kết nối từ phía chính quyền nhằm tạo cầu nối thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển du lịch tại các địa phương. Xúc tiến rộng hơn các sản phẩm liên kết và nâng chất các điểm đến trong từng sản phẩm tour. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, chú ý tới đa dạng hóa sản phẩm để tăng chi tiêu của du khách.
TP. HCM sẽ là điểm trung chuyển đưa du khách về Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nếu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều, chỉ cần 10% dân số TP. HCM (tương đương 1 triệu người) về du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngược lại 10% dân số Đồng bằng sông Cửu Long (tương đương 2 triệu người) đến TP.HCM du lịch sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân. Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP. HCM vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối hai vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.
HOÀNG HẢI